|
|||
Đây là một trong những chỉ đạo được Phó thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam nhấn mạnh tại buổi làm việc với Cục Sở hữu trí tuệ (SHTT) về thực trạng hoạt động và những giải pháp phát triển của Cục SHTT trong giai đoạn tiếp theo sáng 29/9/2016. Hệ thống pháp luật tương đối đầy đủ Báo cáo tại buổi làm việc, Cục trưởng Trần Việt Thanh đã nêu nhiều kết quả nổi bật. Trong đó đặc biệt nhấn mạnh hệ thống pháp luật về SHTT đã tương đối đầy đủ và đồng bộ làm nền tảng cho các hoạt động SHTT của cá nhân, doanh nghiệp và các chủ thể khác. Tạo nên sự chuyển biến về chất trong nhận thức của doanh nghiệp và xã hội về tài sản trí tuệ, giúp cho tài sản trí tuệ trở thành một loại tài sản vô hình có giá trị lớn của doanh nghiệp để thương mại hóa và thu được nhiều kết quả đáng ghi nhận trong kinh doanh; Đảm bảo sự thành công của quá trình đàm phán, ký kết và thực hiện các hiệp định thương mại tự do (FTA), Hiệp định Đối tác Kinh tế Chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) trong đó các cam kết về SHTT là yếu tố quan trọng đối với thành công của quá trình hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam; Hỗ trợ hiệu quả doanh nghiệp trong quản lý, khai thác, sử dụng và phát triển tài sản trí tuệ của mình thông qua Chương trình phát triển tài sản trí tuệ và các hoạt động phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương, hiệp hội doanh nghiệp và chính các doanh nghiệp. Cục trưởng Cục SHTT cũng cho biết, việc xác lập quyền SHCN là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Cục và ngày càng nặng nề bởi số lượng đơn đăng ký SHCN tăng nhanh (bình quân khoảng 10% mỗi năm). Chỉ tính riêng trong 05 năm gần đây (từ 2011 đến 2015), Cục SHTT đã nhận được 390.876 đơn hoặc yêu cầu các loại, đã xử lý được 338.387 đơn bằng 86,7% tổng số đơn nhận được, cấp 132.107 văn bằng bảo hộ SHCN, trong đó có 6.028 Bằng độc quyền sáng chế, 466 Bằng độc quyền giải pháp hữu ích, 6.648 Bằng độc quyền kiểu dáng công nghiệp và 118.922 Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu và 23 Giấy chứng nhận đăng ký Chỉ dẫn địa lý… Bộ trưởng Chu Ngọc Anh: Bộ sẽ cùng với Cục SHTT, qua những vấn đề cụ thể sẽ tháo gỡ theo hướng tích cực. Tinh thần là tiếp cận cách làm mới đề giải quyết công việc.(Ảnh: Mai Hà) Mặc dù vậy, ông Trần Việt Thanh cũng chỉ ra những vướng mắc như: Chính sách, pháp luật SHTT hiện nay tuy đã xử lý các vấn đề chuyên môn về bảo hộ và thực thi quyền SHTT song vẫn chưa kết hợp một cách đồng bộ với các đạo luật liên quan như Luật KH&CN, Luật Chuyển giao công nghệ; chậm cải cách thủ tục hành chính và đơn giản hóa quy trình trong xác lập quyền sở hữu công nghiệp; một số quy định chưa được chi tiết, rõ ràng dẫn đến việc chậm trễ, ách tắc trong công tác thẩm định đơn, ví dụ các đơn sáng chế dược phẩm với vấn đề sáng chế dạng sử dụng; Cơ sở hạ tầng, đặc biệt là hạ tầng công nghệ thông tin như hệ thống quản trị đơn, cơ sở dữ liệu, công cụ tra cứu, trang thiết bị; Nguyên nhân của tình trạng này được Cục trưởng Cục SHTT chỉ rõ, là do thiếu nhân lực để xử lý đơn; cơ sở vật chất, kỹ thuật thiếu và đã lạc hậu; nguồn lực tài chính hạn chế do chỉ dựa trên một phần phí, lệ phí được để lại (70%) trong khi mức phí và lệ phí của Việt Nam lại quá thấp so với các nước khác, không đủ bù đắp các chi phí cho hoạt động thẩm định đơn đăng ký SHCN do vẫn giữ nguyên biểu phí với mức giá của nhiều năm trước. Ví dụ, đối với phí thẩm định nội dung đơn đăng ký sáng chế, mức phí trung bình của Việt Nam là 1.260.000 đồng, trong khi đó mức phí của Malaysia là 5.862.000 đồng (cao hơn 4,7 lần so với mức thu của Việt Nam), của Philippines là 1.642.000 đồng (cao hơn 1,3 lần), và của Singapore là 41.288.000 đồng (cao hơn 32,8 lần); Chất lượng của các hệ thống bổ trợ như hệ thống đại diện sở hữu công nghiệp không cao, chất lượng đơn do các đại diện sở hữu công nghiệp chuẩn bị chưa thật sự đạt chuẩn.v.v Vươn lên trong Top ASEAN về Sở hữu trí tuệ Tại buổi làm việc, các đại diện tham dự cũng đưa ra các ý kiến cũng nêu rõ những khó khăn hiện tại, trong đó cơ bản là vấn đề nguồn nhân lực, cơ sở hạ tầng đang gặp nhiều khó khăn khiến lượng đơn thời gian qua không kịp thời được xử lý. Chia sẻ khó khăn này, Phó Thủ tướng đề nghị trước lãnh đạo và toàn thể cán bộ, công chức, viên chức và người lao động của Cục SHTT phải thấy được trách nhiệm của mình. Theo đó, cần sáng tạo từ nhỏ nhất. Nếu giải quyết thông thoáng, minh bạch chắc chắn mọi việc sẽ thúc đẩy tốt hơn. Như việc tồn đọng đơn, cần phải thay đổi để xây dựng cơ sở dữ liệu tốt, sắp xếp khoa học hơn. Đặc biệt phải học hỏi kinh nghiệm của thế giới, tra cứu, công nhận kết quả của các nước để giảm bớt thời gian xử lý hồ sơ.
Toàn ảnh buổi làm việc (Ảnh: Mai Hà) Phó thủ tướng cho rằng, thời gian tới chắc chắn lượng đơn được gửi đến Cục sẽ tăng với tốc độ nhanh hơn, trong khi số cán bộ quản lý, thẩm định viên lại không thể tăng theo, vì vậy việc đổi mới cách làm cũng như xây dựng quy trình khoa học là điều Phó Thủ tướng nhiều lần nhấn mạnh. Phó Thủ tướng nhấn mạnh, về phía Chính phủ sẽ chỉ đạo các bộ, ngành liên quan đồng hành, tháo gỡ những khó khăn với mong muốn lớn nhất thúc đẩy hoạt động bảo hộ và thực thi quyền SHTT. Phó Thủ tướng có lòng tin từng dịch vụ khâu nhỏ một, như cho đăng ký qua mạng chắc chắc sẽ góp phần thúc đẩy hoạt động của SHTT. “Hệ thống sáng tạo quốc gia của Việt Nam sẽ được nâng lên. Quyết tâm đến năm 2020 Việt Nam vươn lên đứng thứ 2 ASEAN về lĩnh vực sở hữu trí tuệ.” – Phó Thủ tướng khẳng định. Trước chỉ đạo của Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Chu Ngọc Anh cho biết, Bộ sẽ cùng với Cục SHTT, qua từng vấn đề cụ thể sẽ tháo gỡ theo hướng tích cực với tinh thần tiếp cận cách làm mới đề giải quyết công việc. Liên quan đến thẩm quyền của Bộ như việc sửa thông tư, từng khâu, từng đầu việc sẽ xem xét, những vấn đề quan trọng, cốt lõi nhất… sẽ cải thiện để thúc đẩy hoạt động SHTT đáp ứng nhu cầu thực tế đặt ra.
Nhóm PV |