|
|||
Ông Lê Văn Thanh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cho biết, chỉ dẫn địa lý “Ngọc Linh” cho sản phẩm sâm củ là tài sản thương mại có giá trị, đóng góp không nhỏ vào sự phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh và quốc gia; khẳng định việc bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, kiểm soát tốt đối với tài sản này, đồng thời, khai thác thương mại hóa các chỉ dẫn địa lý sẽ mang lại hiệu quả kinh tế cao, lâu dài và bền vững. UBND tỉnh Quảng Nam sẽ phối hợp với UBND tỉnh Kon Tum, Bộ KH&CN, Cục Sở hữu trí tuệ, các cơ quan chức năng tiếp tục tìm giải pháp, mô hình quản lý cho phù hợp điều kiện thực tế của 2 tỉnh. Ngày 16/8/2016, Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ KH&CN đã cấp Giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý “Ngọc Linh” số 00049 cho sản phẩm sâm củ của 2 tỉnh Quảng Nam và Kon Tum, có giá trị vô thời hạn. Cơ quan quản lý chỉ dẫn địa lý là Sở KH&CN Quảng Nam và Sở KH&CN tỉnh Kon Tum. Chỉ dẫn địa lý nêu rõ khu vực địa lý phân bố, tính chất, chất lượng đặc thù của sản phẩm, quy trình sản xuất. Đây là sản phẩm được bảo bộ vô thời hạn trên lãnh thổ Việt Nam. Chỉ dẫn địa lý “Ngọc Linh” cho sản phẩm sâm củ của 2 tỉnh Quảng Nam và Kon Tum được bảo hộ là sự kiện có ý nghĩa rất quan trọng trong việc khẳng định danh tiếng và chất lượng của sản phẩm sâm củ của 2 tỉnh. Củ sâm Ngọc Linh Sâm Ngọc Linh là loại cây bản địa Việt Nam, cây đặc hữu của vùng núi Ngọc Linh giáp ranh giữa tỉnh Quảng Nam và Kon Tum. Hơn 30 năm qua, các nhà khoa học trong và ngoài nước đã chứng minh, sâm Ngọc Linh là loại sâm quý hiếm và tốt nhất thế giới hiện nay, bên cạnh sâm Triều Tiên, sâm Trung Quốc và sâm Mỹ. Sâm Ngọc Linh có tác dụng như loại thuốc tăng lực, chống lão hóa, hồi dương, tăng cường sức đề kháng, chống độc tố, kích thích điều hòa cơ chế miễn dịch của cơ thể và hỗ trợ phòng bệnh ung thư,... Đặc biệt, sâm Ngọc Linh có những tính năng mà sâm một số nước khác không có là tính kháng khuẩn, chống trầm cảm, chống stress, hiệp lực tốt với thuốc kháng sinh, thuốc điều trị bệnh tiểu đường,... Do những tính chất đặc biệt nổi trội của cây sâm Ngọc Linh và giá trị kinh tế của loại dược liệu này, thị trường tiêu thụ, mua bán sâm Ngọc Linh đang “nóng” hơn. Trước thực trạng khai thác một cách triệt để của người dân, cây sâm Ngọc Linh đã có tên trong danh mục Sách Đỏ Việt Nam từ năm 1994. Vì vậy, việc bảo tồn và phát triển diện tích sâm Ngọc Linh đang trở nên cấp bách, không chỉ để tạo ra sản phẩm có giá trị kinh tế cao, góp phần phát triển kinh tế-xã hội, mà còn bảo tồn được nguồn gene quý hiếm của đất nước. Tỉnh Quảng Nam cũng xây dựng đề án trồng sâm nhân dân để phát triển diện tích sâm, tạo ra sản phẩm có giá trị kinh tế cao, góp phần vào công cuộc xóa đói giảm nghèo. Đồng thời, hỗ trợ Kon Tum cây giống, hạt giống để xây dựng vùng sâm giống, phát triển vùng sâm nguyên liệu và phối hợp với Viện Dược liệu, các cơ quan khoa học trong và ngoài nước nghiên cứu về cây sâm quý này.
|