|
|||
Thứ trưởng Bộ Khoa học và Nghệ Trần Văn Tùng cho biết tại hội nghị công bố nhãn hiệu chứng nhận "Mật ong hoa nhãn Hưng Yên." Ngày 23/8/2016 tại Hưng Yên. Đến tham dự hội nghị có Ông Trần Văn Tùng – Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ, Ông Nguyễn Duy Hưng – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hưng Yên; Ông Phan Ngân Sơn – Phó Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ cùng lãnh đạo các sở ban ngành trung ương và địa phương. Đây là sản phẩm thứ 7 của tỉnh Hưng Yên được cấp giấy chứng nhận bảo hộ (sau tương Bần, nhãn lồng, quất cảnh Văn Giang, gà Đông Tảo, chuối tiêu hồng Khoái Châu, vải lai chín sớm Phù Cừ), nhằm nâng cao giá trị và uy tín của sản vật nổi tiếng trên vùng đất Hưng Yên. Để duy trì chất lượng và nâng cao giá trị, lợi thế cạnh tranh của mật ong hoa nhãn, Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Hưng Yên đã thực hiện dự án xây dựng, quản lý và phát triển nhãn hiệu chứng nhận mật ong hoa nhãn Hưng Yên. Sau hơn một năm triển khai, xây dựng nhãn hiệu, bộ tiêu chí của sản phẩm mật ong hoa nhãn Hưng Yên, ngày 13-6-2016, Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) đã ra Quyết định số 34713/QĐ-SHTT cấp giấy chứng nhận nhãn hiệu mật ong hoa nhãn Hưng Yên. Trong quá trình thực hiện, dự án đã tạo lập nhãn hiệu chứng nhận trên cơ sở xây dựng được bộ tiêu chí của sản phẩm làm căn cứ đánh giá, xây dựng hệ thống quản lý nhãn hiệu bao gồm: quy trình cấp và thu hồi quyền sử dụng nhãn hiệu chứng nhận, quy chế kiểm soát chất lượng sản phẩm, quy chế sử dụng tem nhãn mang nhãn hiệu chứng nhận. Dự án đã chọn 2 cơ sở ở thành phố Hưng Yên đủ điều kiện để cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng nhãn hiệu chứng nhận gồm: Công ty trách nhiệm hữu hạn Ong Hưng Yên và cửa hàng Mật ong Mai Cừ. Mật ong hoa nhãn Hưng Yên đạt tiêu chuẩn chứng nhận nhãn hiệu phải có màu vàng óng, đặc sánh, thơm mùi hoa nhãn, sau khi thu hoạch được bảo quản và cất giữ cẩn thận, để được lâu mà vẫn đảm bảo hương vị ban đầu. Hiện toàn tỉnh có 3.000 ha nhãn, trên 10.000 đàn ong mật, cho sản lượng 100 tấn mật/năm. Nhằm nâng cao uy tín của sản phẩm và chiếm lĩnh thị trường, địa phương rất quan tâm đến việc xây dựng thương hiệu cho sản phẩm mật ong.
Phó Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ Phan Ngân Sơn trao quyết định cấp giấy chứng nhận nhãn hiệu chứng nhận "Mật ong hoa nhãn Hưng Yên" cho đại diện Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản tỉnh Hưng Yên Với diện tích trồng nhãn tương đối lớn, đầu ra sản phẩm thuận lợi, Hưng Yên có nhiều tiềm năng để mở rộng các mô hình nuôi ong lấy mật. Nghề nuôi ong tại Hưng Yên có từ lâu đời và mật ong hoa nhãn cũng trở thành đặc sản của tỉnh. Tuy nhiên, Thứ trưởng cũng cảnh báo tình trạng lợi dụng nhãn hiệu chứng nhận: "Sau khi mật ong hoa nhãn Hưng Yên được cấp nhãn hiệu chứng nhận, sẽ có những sản phẩm tương tự được gắn nhãn hiệu này, ảnh hưởng uy tín của các sản phẩm chính hiệu. Do vậy, sau khi được cấp giấy chứng nhận, chúng ta phải bảo vệ và phát triển sản phẩm. Đây là nhiệm vụ không chỉ của các ban, ngành, địa phương mà còn là của người dân, các cơ sở sản xuất, hợp tác xã". Để hạn chế tình trạng nhái nhãn hiệu, tình trạng sản xuất mang tính tự phát và đưa ra những giải pháp mang tính định hướng để phát triển ổn định, lãnh đạo tỉnh Hưng Yên đề xuất Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản quản lý chặt chẽ nhãn hiệu, tuyên truyền, phổ biến để các hộ sản xuất và kinh doanh sản phẩm mang nhãn hiệu chứng nhận này tuân thủ quy trình sản xuất, quy chế kiểm soát chất lượng, đảm bảo đúng tiêu chuẩn chất lượng đã công bố. Cũng tại hội nghị, các đại biểu đã thảo luận các giải pháp phát triển và kết nối thị trường cho các sản phẩm nông sản của tỉnh đã được bảo hộ sở hữu trí tuệ. Trong đó, tập trung phân tích thế mạnh, tiềm năng của sản phẩm “Mật ong hoa nhãn Hưng Yên” và nhãn lồng Hưng Yên khi tham gia thị trường trong nước và xuất khẩu. Mai Hà (Ảnh: Lê Loan) |