|
|||
Ông đánh giá như thế nào về hiệu quả thực thi quyền SHTT ở Việt Nam hiện nay? Theo quy định của Luật SHTT, hoạt động thực thi quyền SHTT được thực hiện bởi các cơ quan bao gồm: Thanh tra, Quản lý thị trường, Hải quan, Công an, Tòa án và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố. Với những nỗ lực của các cơ quan chức năng, thông qua công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm quyền SHTT, chúng tôi đã lồng ghép họat động phổ biến kiến thức sở hữu trí tuệ̣, giáo dục, răn đe, ngăn chặn các hành vi vi phạm pháp luật về SHTT, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của chủ thể quyền, người tiêu dùng và xã hội, góp phần làm lành mạnh hoá môi trường kinh doanh và thu hút đầu tư vào các hoạt động sáng tạo. Tuy nhiên, việc xử lý hành vi xâm phạm quyền SHTT hiện nay vẫn còn gặp nhiều thách thức chưa đáp ứng được yêu cầu bảo hộ quyền SHTT một cách hiệu quả trước các hành vi xâm phạm ngày một gia tăng và phức tạp. Thống kê trong giai đoạn 2012-2015, các lực lượng thực thi đã tiếp nhận 25.966 vụ việc có dấu hiệu xâm phạm quyền SHTT liên quan đến hành vi sản xuất và buôn bán hàng giả, hàng xâm phạm quyền. Đã xử lý hành chính 25.543 vụ việc. Trong số đó, xử lý cảnh cáo 68 vụ việc; phạt tiền 23.197 vụ việc với tổng số tiền 97 tỷ đồng; khởi tố 381 vụ việc với 553 bị can; xét xử 55 vụ (12 vụ án hình sự). Áp dụng hình thức xử phạt bổ sung và biện pháp khắc phục hậu quả: Tịch thu, tiêu hủy, loại bỏ yếu tố vi phạm với 980 tấn thực phẩm chức năng; 80.900 tấn phân bón; 45.678 hộp mỹ phẩm; gần 27.000 sản phẩm tân dược; 523.000 bao thuốc lá; 160.559 đĩa CD-VCD có nguồn gốc nhập lậu; hàng chục nghìn chai rượu ngoại, hàng triệu sản phẩm điện tử, túi xách, đồ thời trang, giả mạo và xâm phạm quyền SHTT. Khi quyền SHTT bị xâm phạm, nhiều đơn vị bị hại cũng không tích cực tham gia để bảo vệ quyền lợi cho chính họ. Phải chăng do nhận thức và khả năng tự bảo vệ quyền chưa cao, thưa ông? Do tài sản trí tuệ là tài sản vô hình, cũng như các tài sản thông thường khác, khi phát hiện có hành vi xâm phạm đến quyền SHTT của mình, DN phải có nghĩa vụ thu thập chứng cứ để cung cấp cho cơ quan thực thi và có đơn yêu cầu các cơ quan thực thi tiến hành xác minh xử lý. Tuy nhiên, hiện nay có tình trạng khi quyền SHTT bị xâm phạm, nhiều đơn vị, DN bị hại lại không tích cực tham gia để bảo vệ quyền lợi của chính mình, vì cho rằng do thủ tục phiền phức hoặc ảnh hưởng đến chiến lược kinh doanh; lo sợ người tiêu dùng nghe thông tin về hàng giả, hàng nhái sẽ chuyển sang lựa chọn hành hóa khác. Bên cạnh đó, một số DN nước ngoài có thể chưa có đại diện tại Việt Nam nên chưa có thông tin về vi phạm. Do đó, để bảo vệ tài sản SHTT của chính mình, các DN cần nhận thức được tầm quan trọng về bảo vệ quyền SHTT, khi quyền SHTT đã được bảo hộ thì được độc quyền sử dụng và có quyền ngăn cấm người khác xâm phạm đến quyền của mình trên cơ sở luật pháp. Đặc biệt, DN bị xâm phạm phải nâng cao trách nhiệm của mình, tìm mọi cách để có được bằng chứng xác thực để phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng trong việc xử lý vi phạm. Bên cạnh việc bảo hộ quyền SHTT đầy đủ theo quy định của pháp luật nhằm khuyến khích các hoạt động sáng tạo và bảo hộ thành quả của lao động sáng tạo thì thực thi hiệu quả quyền SHTT nhằm bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của chủ thể quyền, người tiêu dùng và cho xã hội, góp phần làm lành mạnh hoá môi trường kinh doanh và thu hút các nguồn đầu tư vào hoạt động sáng tạo. Tuy nhiên, để đạt được các mục tiêu trên, bên cạnh sự nỗ lực của các cơ quan Chính phủ thì sự tham gia tích cực và chủ động của các DN (chủ thể quyền) cũng đóng vai trò hết sức quan trọng. Bóng đèn compact chính hãng (bên trái) và bóng đèn nhái bị cơ quan Hải quan bắt giữ tháng 8-2014 Ảnh: Q.HÙNG.. Theo ông, cần đưa ra những giải pháp hay chế tài như thế nào để giải quyết vấn đề này? Hiện nay, về khía cạnh luật pháp thì Việt Nam đã có đầy đủ các quy định để xử lý đối với tất cả các hành vi xâm phạm quyền SHTT. Tùy theo tính chất, mức độ vi phạm và yêu cầu của chủ thể quyền, các hành vi vi phạm có thể bị xử lý bằng biện pháp hành chính, dân sự hoặc hình sự. Tại biên giới thì có biện pháp kiểm soát hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu liên quan đến quyền SHTT. Là cơ quan được phân công thực hiện quản lý về sở hữu công nghiệp (SHCN) và là đầu mối thực thi quyền SHCN bằng biện pháp hành chính, thời gian qua Bộ KH&CN đã nỗ lực xây dựng để trình Chính phủ nhằm hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về xác lập, bảo hộ và thực thi các quyền SHCN. Để triển khai hiệu quả các quy định đó, chúng tôi mong rằng cơ quan, DN có hoạt động kinh doanh trên thị trường sẽ phối hợp chặt chẽ trong công tác đấu tranh chống các hành vi xâm phạm quyền SHTT, góp phần bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng và quyền lợi, uy tín của DN. Tuy nhiên, do bản chất là quyền dân sự nên trước hết các chủ thể quyền phải tự bảo vệ quyền của mình trong quá trình kinh doanh bằng các biện pháp công nghệ hoặc khuyến cáo tới người tiêu dùng hoặc cảnh báo người vi phạm. Ngoài đề nghị xử lý xâm phạm quyền bằng biện pháp hành chính hiện nay, chúng tôi khuyến khích các chủ thể quyền bảo vệ quyền của mình bằng cả biện pháp dân sự tại tòa án sau khi đã đề nghị xử lý hành chính để yêu cầu bồi thường, xin lỗi công khai… Đối với các tổ chức cá nhân có hành vi vi phạm nhiều lần, lỗi cố ý, không hợp tác khắc phục hậu quả thì cần có sự hỗ trợ của các cơ quan truyền thông để thông tin rộng rãi về hành vi vi phạm. Xin cảm ơn ông!
|