Theo PGS.TS Phạm Văn Nho, khoa Vật lí, trường Đại học Khoa học Tự nhiên (ĐHQG HN), từ năm 2006 - 2009, trường không có một sáng chế hay giải pháp hữu ích nào được được cấp. Ngay cả viện Cơ học - Tin ứng dụng (Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam) một trong những đơn vị xây dựng mô hình điểm về tổ chức và hoạt động SHTT theo quyết định 68 của Chính phủ, từ năm 2008 đến nay viện cũng không có đề tài nào đăng kí cấp bằng sáng chế.
Tương tự, Bộ môn Rau và cây gia vị, Viện nghiên cứu Rau quả (Viện khoa học Nông nghiệp Việt Nam, 4 năm qua không có một giống cây trồng nào đăng kí bảo hộ quyền giống cây trồng. Riêng bộ môn Tự động hóa, khoa Điện (Đại học bách khoa Hà Nội), 3 năm trở lại đây mới có một bằng sáng chế được cấp.
Từ thực trạng trên, một vấn đề đặt ra là, vì sao các nhà khoa học không mặn mà với việc xác lập quyền SHTT cho sản phẩm mình làm ra hay công tác nghiên cứu, cải tiến kĩ thuật của nhiều trường đại học và viện nghiên cứu chưa đáp ứng được tiêu chuẩn để được bảo hộ quyền SHTT?
TS. Tạ Cao Minh, giảng viên bộ môn Tự động hóa (ĐHBKHN) cho rằng, mặc dù luật SHTT đã có nhiều sửa đổi bổ sung theo hướng đơn giản cho các nhà khoa học nhưng nhiều người còn nghi ngại các thủ tục tiến hành lập hồ sơ xin bảo hộ, nhiều người thiếu thông tin, thậm chí không biết cách lập hồ sơ phải cần có những thủ tục gì.
GS.TS Nguyễn Quang Thạch, nguyên Viện Trưởng viện sinh học nông nghiệp (ĐHNNHN I) thừa nhận rằng nhiều công trình nghiên cứu chỉ là áp dụng các công trình có sẵn của nước ngoài trước đó hàng chục năm rồi cải tiến cho phù hợp với Việt Nam nên không thể hiện được tính mới trong khoa học.
Còn ông Nguyễn Tuấn Hưng, Giám đốc trung tâm thông tin (cục SHTT) cho rằng, tình trạng “không thích” đi đăng kí bảo hộ của các nhà khoa học do nhiều nguyên nhân cả khách quan lẫn chủ quan. Trong đó ông Hưng nhấn mạnh, một thực tế là nhiều nhà khoa học chưa ý thức được tầm quan trọng của việc bảo hộ quyền SHTT, chưa tính tới những rủi ro do tranh chấp thương mại có thể xảy ra khi bị đánh cắp bản quyền. Thậm chí, có người ngại đăng kí bảo hộ vì sợ khi được bảo hộ công trình càng dễ bị … mất cắp do việc công bố thông tin. Bởi khi tiến hành thủ tục bảo hộ phải công bố giải pháp sáng chế một cách chi tiết đến mức người có trình độ trung bình trong cùng lĩnh vực có thể thực hiện được.
Theo số liệu của Cục Sở hữu Trí tuệ, năm 2009, chỉ có 29 bằng độc quyền sáng chế và 45 bằng độc quyền giải pháp hữu ích được cấp cho người Việt Nam. Trong khi đó, có 677 bằng độc quyền sáng chế và 19 bằng độc quyền giải pháp hữu ích được cấp cho người nước ngoài.
ĐV |