Bản in
Việt Nam vượt Thái Lan về chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu
Việt Nam vượt qua Thái Lan, xếp thứ 3 tại khu vực Đông Nam Á về chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu (Global Innovation Index - GII).

Mới đây, tại thủ đô London, Anh, Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới kết hợp với Đại học Cornell (Hoa Kỳ) và Học viện Kinh doanh INSEAD (Pháp) vừa công bố Báo cáo Chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu (Global Innovation Index) năm 2015. Theo đó, Việt Nam tăng 19 bậc trên Bảng xếp hạng, đứng thứ 52 trên tổng số 141 nền kinh tế (năm 2014 Việt Nam xếp thứ 71 trên thế giới). Trong khu vực Đông Nam Á, Việt Nam nằm trong Top 3, chỉ sau Singapo và Malaysia (vượt qua Thái Lan). Đây là một bước tăng bậc ngoạn mục của Việt Nam nhờ đầu tư cho phát triển KH&CN trong năm vừa qua. Các nền kinh tế đứng đầu trong bảng xếp hạng năm 2015 lần lượt là: Thụy Sỹ, Anh, Thụy Điển, Hà Lan và Mỹ.
 
Chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu được xây dựng nhằm đưa ra góc nhìn đa chiều về đổi mới sáng tạo và cung cấp các công cụ nhằm hỗ trợ xây dựng chính sách để thúc đẩy phát triển sản phẩm bền vững, nâng cao năng suất, chất lượng, và tăng trưởng về công ăn việc làm. Chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu giúp tạo ra một môi trường mà các yếu tố đổi mới sáng tạo được đánh giá liên tục. Nó cung cấp một công cụ chỉ số và một cơ sở dữ liệu chi tiết với các thước đo khác nhau (năm 2015, chỉ số được xây dựng cho 141 nền kinh tế - chiếm 95.1% dân số thế giới và 98.6% GDP toàn cầu).
 
Năm 2014, Việt Nam đứng thứ 71 trong bảng xếp hạng Chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu.
 
Cũng theo báo cáo, trong năm 2015, về đổi mới sáng tạo, Việt Nam cùng một số nền kinh tế khác như Trung Quốc, Malaysia, Ấn độ, Jordan, Kenya được đánh giá là tiến xa hơn các nền kinh tế có cùng mức độ phát triển kinh tế. Có nghĩa là, các nền kinh tế này có chỉ số đổi mới sáng tạo cao hơn nhiều so với các nền kinh tế có cùng mức thu nhập bình quân đầu người.
 
Báo cáo đổi mới sáng tạo GII 2015 đã nghiên cứu những nền kinh tế có bước tiến vượt trội về đổi mới sáng tạo trong năm 2015: Armenia, Trung Quốc, Georgia, Ấn độ, Jordan, Kenya, Malaysia, Moldova, Mongolia, Uganda và Việt Nam. Báo cáo đã phân tích chi tiết mối liên hệ giữa kết quả đổi mới sáng tạo của những nền kinh tế này với những sự thay đổi về chính sách đổi mới sáng tạo và ứng dụng vào doanh nghiệp. Những nền kinh tế này đã nhận ra rằng việc chỉ nhập khẩu công nghệ đã không còn đủ để tiếp tục duy trì tăng trưởng kinh tế. Thêm vào đó, đầu tư vào khoa học và công nghệ - đổi mới sáng tạo mới có thể duy trì động lực bắt kịp các nền kinh tế phát triển. Chính vì thế, các chính sách phát triển đổi mới sáng tạo và sự vận động của các tổ chức khoa học và công nghệ ở các nền kinh tế này đã bắt đầu cho thấy những kết quả nhất định.

Nhân  sự  kiện này, Bộ  trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Nguyễn Quân cho rằng đây là kết quả bước đầu của những đổi mới tích cực trong cơ chế quản lý và hoạt động khoa học, công nghệ và các lĩnh vực khác trong thời gian qua. Từ kết quả đánh giá này, Bộ Khoa học và Công nghệ cùng với cộng đồng khoa học sẽ nỗ lực hơn nữa để hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo thực sự là động lực cho sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá và hội nhập quốc tế của đất nước.”

Mai Hà