|
|||
“Thấy mình kém cái gì thì học cái ấy” Sinh ra và lớn lên ở Thanh Hóa nhưng chàng thanh niên thế hệ 8X đã sớm “thoát ly” gia đình. Ông nội làm nghề mộc, bố mẹ làm ruộng, còn Bá Hải cũng giống như nhiều bạn bè cùng trang lứa thời ấy: vừa học vừa lo chăn trâu nuôi bò. Khi vào cấp 3, em học ở trường Đông Sơn 1, ngôi trường không nổi tiếng như trường chuyên Lam Sơn của xứ Thanh. Từ năm lớp 11, Hải mới thực sự chuyên tâm vào học hành với quyết tâm thi đậu vào Trường đại học Sư phạm kỹ thuật thành phồ Hồ Chí Minh. “Gia đình em cũng chuẩn bị tinh thần là nếu không đậu, em sẽ quay về nối tiếp nghề mộc của ông nội hoặc nghề thợ xây của bố” – Hải kể lại. Mọi cố gắng bước đầu đã có kết quả. Năm đó, em thi đỗ điểm cao với vị trí “Á khoa”. “Vô Sài Gòn học đại học, em thấy mọi người học tiếng Anh nhiều quá, nói tiếng Anh thạo quá nên em tìm cách học tiếng Anh”. Do thiếu tiền, em phải mày mò tự học, mượn sách vở của bạn bè. “Tính em thấy mình kém cái gì thì phải học cái ấy nên em rất chịu khó học tiếng Anh, cũng may là em thấy tiếng Anh không quá khó”. Vài năm sau đó, chính Hải lại là người thành lập câu lạc bộ tiếng Anh trong trường và giờ thì đang tham gia… giảng dạy môn tiếng Anh tại đây. Cùng năm đó, em đã trúng truyển đợt tuyển dụng của Trường đại học Sư phạm kỹ thuật TP. Hồ Chí Minh, trở thành cán bộ của trường. Vài tháng sau, Hải lên đường sang Trường đại học Công nghệ Hàn Quốc để học thạc sĩ rồi sau đó là tiến sĩ. Tại đây, em tham gia nhiều dự án, tự mày mò làm thí nghiệm và rồi đã làm ra được bộ thí nghiệm đa năng giá rẻ không ngờ. Trong thời gian tự học lập trình tại xứ sở kim chi này, em đã viết được một cuốn sách có tên “Lập trình LabVIEW”, sau này được Nhà xuất bản quốc gia Hồ Chí Minh xuất bản. Cuốn sách này em đã tặng nhiều bạn sinh viên có hoàn cảnh khó khăn như em khi mới vào trường. Sau khi biết nhiều người cần cuốn sách, em quyết định upload 100% nội dung lên mạng để mọi người ở khắp nơi có thể tải về xem miễn phí. Thành tích học tập của Hải ở Hàn Quốc rất đáng nể: 5 sáng chế về hệ thống lái gián tiếp điện tử dựa trên cảm biến dòng điện, ghế thông minh cho ô tô, thiết bị tái tạo năng lượng cho ô tô, giao diện điều khiển phương tiện từ xa và giải pháp điều khiển giảm nhiễu tốc độ động cơ điện. Em được đặc cách tốt nghiệp tiến sĩ trước hạn một năm tại Hàn Quốc vào năm 2010 và đề tài tiến sĩ của Hải khi ấy đã đoạt Giải Vàng của trường.
Nguyễn Bá Hải (phải) tặng kính cho một người mù hát rong. Qua nhiều phiên bản, “mắt thần” từ cấu tạo phức tạp, trọng lượng ban đầu nặng tới 2 kg, đến nay chỉ như một chiếc kính thông thường. Hơn 1.000 chiếc kính đã được xuất xưởng, trong đó 90% dùng để tặng cho những người mù nghèo khó như các bác thương bệnh binh, người hát rong, người bán vé số dạo, giáo viên khiếm thị dạy học tại nhà và đặc biệt là trẻ em. “Em thương các em nhỏ nhất vì các em sẽ phải sống trong bóng tối với một thời gian dài hơn những người khác. Em chỉ mong mình mang lại niềm vui cho các em, để các em có thêm sức lực và niềm tin vào cuộc sống” – Hải tâm sự. Cũng may, em được doanh nghiệp và xã hội hỗ trợ nhiều. Sản phẩm “mắt thần” đã được Bộ Khoa học và Công nghệ cấp bằng sáng chế. Không bằng lòng với kết quả hiện có, Hải và các bạn vẫn không ngừng nghiên cứu với mục tiêu sẽ cho ra “mắt thần” phiên bản mới, với nhiều chức năng hơn như có tiếng nói thông báo, giúp người dùng xác định được màu sắc, bản đồ 3D… Tiếp theo nghiên cứu thiết bị hỗ trợ đi đường cho người khiếm thị là máy pha cà phê theo công nghệ kết hợp Nhật – Việt – Italia. Nghiên cứu mất hai năm, chi phí mất nửa tỷ đồng, cuối cùng chiếc máy pha cà phê đã được bán trên thị trường với giá 25 triệu/cái. Ưu điểm của máy là mỗi lần pha sẽ cho 10 ly cà phê đậm đặc theo đúng sở thích của người Việt Nam, thời gian chỉ mất 10 phút. Cũng chính từ sản phẩm này, em và các bạn đã mở thêm chuỗi quán cà phê take-away mang tên JaviCafe, tạo thêm công ăn việc làm cho những người khó khăn trong xã hội. Dám mạo hiểm, làm việc hết mình Nghiên cứu khoa học cần có sự đam mê và dấn thân vì đam mê đó, thích trải nghiệm cái mới và dám đương đầu và chấp nhận thất bại. Hải tâm sự: “Khi đã có nơi đặt hàng, em và các bạn làm ngày làm đêm, quên cả ngày nghỉ, quên cả… gia đình. Làm như thế mà còn vẫn thất bại, nhiều khi làm việc bị đứt tay ứa máu nhưng vẫn chỉ biết làm việc tiếp – khoa học để từ ý tưởng ra đến sản phẩm là không thể dừng lại”. Khi được hỏi: “Em có nhận thấy mình là người may mắn trong khoa học?”, Hải thốt lên: “Không ạ, em thất bại không ít, nhưng có lẽ niềm đam mê nghiên cứu đã giúp em có được như ngày hôm nay. Nghiên cứu khoa học giống như hình cái phễu: số ý tưởng lên đến cả ngàn, số thí nghiệm thực hiện trong phòng thí nghiệm ở đơn vị hàng trăm nhưng kết quả thành công có lẽ chỉ ở mức hàng chục, còn số sản phẩm được chuyển giao có lẽ không quá 5, số sản phẩm sống lâu bền được trên thị trường có lẽ chỉ là 1, 2. “Mắt thần” của em là một ví dụ rõ rệt. Trong số hàng trăm đề tài em và các bạn trong nhóm đã làm, tính ra chỉ có “mắt thần”, bộ thí nghiệm đa năng là có “sức sống” lâu bền hơn cả”. Nghiên cứu khoa học là vậy. Ở Trường đại học Sư phạm kỹ thuật TP.Hồ Chí Minh cũng có khá nhiều trường hợp như Nguyễn Bá Hải. Đa số các em đều trưởng thành từ các phong trào sáng tạo của trường, nhiều em đang nắm các cương vị chủ chốt về nghiên cứu và phát triển sản phẩm ngoài doanh nghiệp. Nhận xét về Nguyễn Bá Hải, PGS.TS.Đỗ Văn Dũng, Hiệu trưởng Nhà trường, cho biết: “Niềm đam mê nghiên cứu khoa học không phải tự nhiên có trong mỗi con người mà hình thành nhờ môi trường sống và làm việc. Trong trường hợp của Bá Hải hội tụ cả hai yếu tố trên. Xuất phát từ một miền nghèo khó của đất nước là Đông Sơn (Thanh Hóa), trong những năm đầu, để có thể tồn tại và học tập ở thành phố, Hải phải năng động, làm đủ nghề để kiếm sống và phục vụ việc học tập. Cũng nhờ môi trường học tập trong nhà trường, từ những sân chơi sáng tạo cho sinh viên như Robocon (Hải từng là đội trưởng), thi dancing robot, xe tiết kiệm nhiên liệu, xe năng lượng mặt trời… mà ngọn lửa đam mê nghiên cứu trong Hải và các bạn trẻ khác đã không ngừng được hun đúc”. Nhóm của Hải hiện mới có 30 người và em mong nhóm sẽ ngày càng đông hơn, không phải là 30 mà là 3.000 người làm khoa học ứng dụng tạo ra công nghệ mới, tạo thêm việc làm mới và làm giàu cho đất nước, có nhiều đề tài nghiên cứu hơn, nhận được tài trợ từ Nhà nước, từ Bộ Khoa học và Công nghệ để có nhiều sản phẩm hữu ích hơn cho xã hội. Dám dấn thân, không ngại mạo hiểm, làm việc hết mình, lan tỏa tình yêu thương, biết hy sinh bản thân trước những thú vui chơi là những gì mà Nguyễn Bá Hải đã nói, có lẽ không phải chỉ về bản thân mình mà về cả các bạn đồng nghiệp - những nhà khoa học trẻ đầy năng động và sáng tạo. Chúc em và các bạn luôn thành công trong sự nghiệp nghiên cứu khoa học của mình ./. Bài: Giáng Châu (Ảnh: Tác giả cung cấp) |