Bản in
Xây dựng quan hệ hợp tác giữa trường đại học và doanh nghiệp
Từ ngày 02 – 3/7 tại Hà Nội, Tổ chức Sở hữu trí tuệ (SHTT) thế giới (WIPO) và Viện Sở hữu công nghiệp Pháp (INPI) phối hợp với Cục Sở hữu trí tuệ Việt Nam tổ chức Hội thảo tiểu vùng về xây dựng mối quan hệ hợp tác giữa trường đại học và doanh nghiệp.

Tham dự có Thứ trưởng Bộ KH&CN kiêm Cục trưởng Cục SHTT Trần Việt Thanh, Giám đốc Viện Sở hữu công nghiệp Pháp Ngài Yves Lapierre, Phó Cục trưởng Cục SHTT Lê Ngọc Lâm, Trưởng phòng Chiến lược và Hợp tác quốc tế (INPI) và hơn 50 đại biểu đến từ các trường đại học, viện nghiên cứu, doanh nghiệp của Campuchia, Lào và Việt Nam.

Phát biểu tại buổi Hội thảo, Thứ trưởng Trần Việt Thanh cho rằng, tri thức và đổi mới sáng tạo đóng vai trò quan trọng đối với sự phát triển kinh tế hiện nay. Do vậy, cần tiếp tục thúc đẩy đầu tư vào hoạt động nghiên cứu và phát triển (R&D), trong đó có đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng cao. Hiện nay, mối quan hệ giữa các doanh nghiệp và trường đại học luôn là một chủ đề quan trọng, đặc biệt trong môi trường kinh doanh và môi trường nghiên cứu.
“Doanh nghiệp có tầm nhìn trong việc kinh doanh trong khi các trường đại học, viện nghiên cứu có thể đóng góp, chia sẻ về phương pháp luận cũng như lĩnh vực chuyên môn” Thứ trưởng cho hay.

Cũng theo Thứ trưởng Trần Việt Thanh, các trường đại học, viện nghiên cứu tập trung vào giáo dục, tạo ra tri thức mới và bí quyết công nghệ; doanh nghiệp tập trung vào việc cạnh tranh trên thương trường để thu về lợi nhuận. Theo đó, khi tiến hành hợp tác, doanh nghiệp mong muốn sự đổi mới sáng tạo, các công nghệ mới, kiến thức có giá trị cũng như giải pháp đột phá. Đồng thời, các trường đại học, viện nghiên cứu mong muốn sinh viên của họ được tiếp cận thực tiễn, thực hành các kỹ năng thông qua thực tập.
“Do vậy, sự đầu tư của cả hai phía cần thực hiện sao cho phù hợp trước khi đạt được lợi ích” Thứ trưởng chia sẻ thêm.

Hố ga nhựa chống triều cường và thu chất thải từ nguồn – một trong những sản phẩm thể hiện sự phối hợp giữa viện nghiên cứu và doanh nghiệp.

Trong khuôn khổ Hội thảo, các đại biểu đã cùng nhau thảo luận, đưa ra các kinh nghiệm, giải pháp phù hợp với những điều kiện hoàn cảnh khác nhau xuất phát từ những hoạt động của các cá nhân, đơn vị, doanh nghiệp,… thông qua một số tham luận như: Các cơ chế, công cụ hỗ trợ làm cầu nối giữa trường đại học,viện nghiên cứu và doanh nghiệp trong việc đổi mới sáng tạo và chuyển giao công nghệ. Chia sẻ kinh nghiệm của các chuyên gia đến từ Pháp với công tác quản lý, thúc đẩy sáng tạo đổi mới và tài sản trí tuệ tại các trường đại học, viện nghiên cứu, doanh nghiệp; Lập kế hoạch, đánh giá, định giá và tiếp thị công nghệ để thương mại hóa, chuyển giao công nghệ; Chuyển giao công nghệ, các loại hợp đồng, các điều khoản hợp đồng và các vấn đề nảy sinh thường gặp,…

Tin, ảnh: Ngũ Hiệp