|
|||
Hỗ trợ người dân có ý tưởng sáng tạo Việt Nam có đội ngũ các nhà khoa học được đào tạo bài bản, chuyên nghiệp, tâm huyết, là đội quân chủ lực dẫn dắt hoạt động KH&CN. Tuy nhiên đối với một nền kinh tế thì điều đó chưa đủ. Chúng ta cần huy động các doanh nghiệp, viện nghiên cứu và các tổ chức, cá nhân trong xã hội quan tâm, đầu tư cho phát triển KH&CN. Những người dân mặc dù không được đào tạo cơ bản, cũng không được giao làm nhiệm vụ nghiên cứu nhưng họ có đam mê, có quyết tâm và họ thấy rằng cần phải nghiên cứu, ứng dụng để phát triển sản xuất phục vụ lợi ích cho chính họ và gia đình, cộng đồng . Đây cũng là lực lượng lao động trí tuệ mà chúng ta cần phải quan tâm. Trong nhiều năm qua, Bộ KH&CN đã có nhiều hoạt động để hỗ trợ cho người dân có ý tưởng sáng tạo, những sáng kiến, giải pháp kỹ thuật được ứng dụng vào thực tiễn góp phần đẩy nhanh cơ giới hóa trong sản xuất, giải phóng sức lao động, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm. Điều này được thể hiện thông qua các Hội chợ, triển lãm về KH&CN, chợ công nghệ và thiết bị (techmart) hàng năm, nhiều kết quả đã được thương mại hóa và nhận được hỗ trợ của các Bộ, ngành địa phương cũng như các doanh nghiệp. Thời gian tới Bộ KH&CN sẽ phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành, địa phương để huy động sức sáng tạo của toàn dân, không chỉ là những nhà khoa học ở các viện trường mà cả những người đam mê, có hoài bão, có quyết tâm, và thực sự dành tất cả những gì mình có đầu tư cho hoạt động nghiên cứu, thử nghiệm… đóng góp cho sự phát triển của xã hội. Chính phủ đã ban hành Nghị định số 13/2012/NĐ-CP về “Ban hành điều lệ sáng kiến”, trong đó có những điều khoản quy định trách nhiệm của Chính phủ, của các Bộ, ngành, địa phương, các tổ chức khoa học công nghệ và các doanh nghiệp đối với sáng kiến của người dân. Đặc biệt, trong Luật Khoa học và công nghệ năm 2013 có một số điều khoản liên quan đến hoạt động này. Nhìn nhận thẳng thắn về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ KH&CN Nguyễn Quân cho biết, điều lệ sáng kiến chưa phát huy được tác dụng triệt để do các văn bản hướng dẫn trong Nghị định còn chưa đầy đủ. Bên cạnh đó đa số người dân có sáng kiến đều làm tự phát nên Nhà nước chỉ hỗ trợ được về mặt tinh thần, hỗ trợ tư vấn…còn hỗ trợ trực tiếp về mặt tài chính vẫn chưa làm được. Bộ trưởng Bộ KH&CN Nguyễn Quân cho biết, trong thời gian tới, Bộ KH&CN yêu cầu Cục Sở hữu trí tuệ chủ trì xây dựng Thông tư, phối hợp với Bộ Tài chính ban hành cơ chế chính sách, đặc biệt là vấn đề tài chính để hỗ trợ những người dân có sáng kiến. Nếu Thông tư được ban hành, chắc chắn chúng ta có thể sử dụng một phần kinh phí ngân sách Nhà nước hỗ trợ cho người dân nghiên cứu, thương mại hóa, ứng dụng kết quả sáng kiến, sáng chế của họ vào sản xuất kinh doanh. Bên cạnh đó, Bộ KH&CN cũng sẽ giao cho các Sở KH&CN địa phương có trách nhiệm chăm lo cho những người dân có sáng kiến trên địa bàn. Khi phát hiện ra những sáng kiến thực sự có ý nghĩa khoa học, có tính khả thi, có thể áp dụng, các sở KH&CN sẽ phối hợp cùng với người dân, làm đầu mối kết nối các nhà khoa học thuộc lĩnh vực sáng kiến của của người dân từ các Viện, trường ở Trung ương giúp người dân có thể hoàn thiện sáng kiến, sáng chế của mình. Đồng thời, các doanh nghiệp sẽ là người đỡ đầu cho họ để cùng đầu tư, có thể sản xuất ra những sản phẩm từ những sáng kiến, sáng chế phục vụ cho lợi ích của cộng đồng. Khích lệ những đam mê Để tôn vinh những nhà sáng chế không chuyên, hàng năm Bộ KH&CN sẽ có những hoạt động về truyền thông biểu dương những người dân có sáng kiến, cải tiến kĩ thuật, đề xuất khen thưởng ở cấp Bộ, cấp Nhà nước đối với những người dân có sáng kiến được áp dụng đem lại hiệu quả kinh tế, được cộng đồng chấp nhận và được xã hội coi như một sản phẩm hàng hóa. Đây không chỉ là sự ghi nhận mà lớn hơn là sự trân trọng, động viên kịp thời, khích lệ niềm đam mê sáng tạo của quần chúng nhân dân và những người đang có khát vọng đầu tư trí tuệ làm đổi thay cuộc sống. “Đặc biệt là công tác truyền thông phải làm sao để mọi tổ chức cá nhân trong xã hội nhận thức đầy đủ và có sự hỗ trợ kịp thời đối với tất cả những người có ý tưởng khoa học, có sáng kiến cải tiến kĩ thuật, có sáng chế phát minh để họ có được những điều kiện thuận lợi nhất trong việc đưa ra những sáng kiến, sáng chế hoàn thiện để trở thành những sản phẩm phục vụ cho xã hội. Bên cạnh đó cũng cần tư vấn cho người dân khi sáng kiến của họ không khả thi, không có khả năng thương mại hóa để tránh nguy cơ người dân đầu tư để theo đuổi ý tưởng rất tốn kém, thậm chí kiệt quệ về kinh tế, gây lãng phí tiền của cho người dân và xã hội”, Bộ trưởng Nguyễn Quân cho hay. Hướng tới kỷ niệm ngày KH&CN Việt Nam lần thứ 2 (18/5/2015), năm nay lần đầu tiên Bộ KH&CN tổ chức gặp gỡ, tọa đàm giữa Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, cán bộ quản lý, chuyên gia khoa học và đại biểu tiêu biểu của phong trào quần chúng nhân dân sáng tạo, những người có sáng chế, cải tiến kỹ thuật trên phạm vi toàn quốc vào đầu tháng 5 tới. Buổi gặp mặt nhằm phát hiện và tôn vinh quần chúng nhân dân có sáng tạo, sáng kiến, cải tiến kỹ thuật và có sản phẩm độc đáo, hiện thực hóa yêu cầu thực tiễn cuộc sống nhằm tăng năng suất, chất lượng và hiệu quả trong công việc. Quần chúng nhân dân có sáng tạo, sáng kiến, cải tiến kỹ thuật được tôn vinh lần này là những nhà khoa học không chuyên xuất sắc từ mọi miền của Tổ quốc. Họ là những nhà sáng chế không chuyên nhưng đều có ý tưởng sáng tạo, dám mơ những giấc mơ lớn và sáng tạo để biến những giấc mơ đó trở thành hiện thực. Niềm đam mê đó của họ đã tạo cảm hứng cho những người đã đang và sắp ấp ủ thực hiện những giấc mơ nghiên cứu khoa học, yêu công nghệ và đam mê đổi mới. Các sáng chế sáng tạo được tôn vinh lần này thuộc các lĩnh vực: Công nghệ thông tin; điện tử viễn thông; cơ khí chế tạo tự động hóa, xây dựng, giao thông vận tải; Vật liệu, hóa chất, năng lượng; Nông, lâm, diêm, ngư nghiệp, tài nguyên và môi trường; Y dược. Bài, ảnh: Bảo Chi
|