Bản in
Tôn vinh các sáng tạo của quần chúng
Đảng và Nhà nước luôn dành sự quan tâm đặc biệt đến việc phát triển, nghiên cứu, ứng dụng khoa học và công nghệ (KH&CN), trong đó có coi trọng việc phát huy tính năng động sáng tạo, sáng chế trong nhân dân.

Đó là khẳng định của Thủ tướng Chính phủ tại cuộc gặp mặt các nhà sáng chế không chuyên nghiệp tiêu biểu năm 2015 do Bộ KH&CN tổ chức ngày 12/5 vừa qua.

Nguồn lực dồi dào

Hiện ở nước ta chưa có số liệu thống kê đầy đủ về các công trình sáng tạo của quần chúng, nên cũng chưa có phân tích, đánh giá cụ thể, chính xác về hiệu quả, giá trị kinh tế - xã hội của các công trình sáng tạo này. Tuy nhiên, thực tế cho thấy những lợi ích thiết thực của các công trình sáng tạo phong phú của quần chúng đã góp phần tạo ra công nghệ mới, sản phẩm mới, mang lại năng suất lao động mới, chất lượng, hiệu quả trong hoạt động sản xuất và đời sống, tạo thành những tiến bộ kỹ thuật phổ cập trong vùng và lan tỏa nhanh trong toàn quốc. Có những sản phẩm đã được xuất khẩu ra nước ngoài như: máy gọt vỏ dừa tươi của ông Lê Tân Kỳ; lò sấy lúa của ông Dương Xuân Quả;…

Hướng tới kỷ niệm Ngày KH&CN Việt Nam năm nay, Bộ KH&CN đã có sáng kiến đề xuất và được Thủ tướng Chính phủ đồng ý cho phép tổ chức gặp mặt các nhà sáng chế không chuyên là các đại biểu ưu tú đại diện cho phong trào sáng tạo của quần chúng nhân dân cả nước.

Qua lựa chọn, đề xuất từ các địa phương về những gương sáng tạo quần chúng tiêu biểu, đã có trên 250 công trình được ghi nhận, tôn vinh từ thực tiễn ứng dụng tại các địa phương. Tiêu biểu như ông Phạm Thanh Liêm ở Đồng Tháp đã sáng tạo máy sạ hàng, máy phun thuốc, máy gặt đập liên hợp. Thiết bị được cải tiến từ chiếc máy xới tay, thay giàn xới bằng thùng chứa hạt hình trụ có các hàng lỗ (có thể điều chỉnh trên thân được lắp trên trục quay; mỗi đầu lắp một bánh xe được kéo thông qua trục quay sẽ dẫn động thùng chứa hạt quay, qua các lỗ hạt rơi xuống thành hàng. Máy còn có thêm công dụng phun thuốc. Trong 6 năm qua (2009 – 2015), máy đã được ứng dụng rộng rãi trong nông nghiệp, được nhiều người tin tưởng sử dụng, cung cấp cho thị trường trong và ngoài nước khoảng 1.000 máy, trong đó 30% đã được xuất khẩu sang các nước như Mozambique, Campuchia, Nigieria.

Hay như ông Đào Viết Thoàn (Thái Bình) với việc nghiên cứu bào chế thuốc chữa bỏng “thuốc mỡ sinh cơ” và cải tiến phương pháp sử dụng thuốc trong điều trị vết thương chữa bỏng cho bệnh nhân. Ông cho biết, là một thương binh hạng 1/4, trải qua nhiều đau đớn của bản thân, khi điều trị vết thương bỏng tại Bệnh viện 103, mỗi khi thay băng, dù đã được các thầy thuốc nhỏ nước muối sinh lý, xong thay băng vết thương vẫn bị dính, làm cơ thể đau đớn. Trong quá trình học nghề thuốc tại chùa Trắng Hà, ông nhận ra những loài cây thuốc nam gần gũi với cuộc sống, qua sơ chế có tác dụng làm mau lành vết thương, giảm đau cho người bệnh. Từ đó, ông đã nghiên cứu, sáng tạo ra bài thuốc gọi là mỡ sinh cơ, có tác dụng hút dịch mủ, nuôi thịt tại da mới để điều trị cho người bệnh từ các cây thuốc nam sẵc có tại địa phương, dễ tìm kiếm, giá thành rẻ.


Lương y Đào Viết Thoàn (Thái Bình) đang điều trị cho bệnh nhân. Ảnh: NH 

“Năm 1987, tôi đã bào chế thành công thuốc mỡ sinh cơ ứng dụng và điều trị cho vết thương của mình. Thuốc tốt, rất mát, êm dịu, mỗi khi thay băng, tháo băng, không cần nhỏ nước muối sinh lý mà vết thương không bị dính, không làm tổn hại đến tế bào đang phát triển, vết thương, vết bỏng rất nhanh liền, rút ngắn thời gian điều trị, tiết kiệm chi phí cho người bệnh”, ông Thoàn cho biết.

28 năm qua, ông đã vượt lên hoàn cảnh, số phận, tận tình cứu chữa khỏi bệnh cho hơn 24.000 bệnh nhân bị thương, bị bỏng trên mọi miền Tổ quốc, không xảy ra tai biến. Chữa miễn tiền công, tiền thuốc cho hơn 8.900 người bệnh là người nghèo, đối tượng chính sách, người khuyết tật, trẻ mồ côi, các cháu nhỏ. Năm 2008, ông tiếp tục nghiên cứu, sáng tạo, bào chế thành công thuốc mỡ dưỡng da sau bỏng làm đẹp da, cho người bệnh bị bỏng, đã ứng dụng cho trên 5.700 bệnh nhân, đạt hiệu quả rất cao.

Hay như nhà sáng chế không chuyên Nguyễn Tấn Biền (Khánh Hòa) với máy tách các loại vỏ đậu. Theo ông Biền, là một nông dân, sản xuất ra các loại cây mía, bắp đậu,... qua nhiều kinh nghiệm thấy cây đậu xanh cho hiệu quả hơn nhưng mất nhiều công sức lao động, đặc biệt là khâu tách vỏ đậu sau khi thu hoạch. Ông kể, mới đầu cho đậu vào bao dùng chân dậm nhưng không hiệu quả. Từ đó, ông ấp ủ ý định làm sao để tách vỏ hiệu quả nhất. Cuối cùng, ông đã sản xuất ra máy tách vỏ đậu với công suất từ 100 – 120kg hạt/giờ, làm tăng giá trị thu nhập cho bà con. Đến nay đã có nhiều địa phương đặt mua về bóc tách hạt đậu. Ông đã bán được trên 20 máy, mỗi máy chỉ 7.500.000 đồng.

Theo chia sẻ của ông Lê Văn Trung - Chủ nhiệm Hợp tác xã rau an toàn Thành Lợi, khi mới thành lập, HTX gặp rất nhiều khó khăn, nhất là về hạt giống. Trong 2 năm đầu, HTX liên kết với công ty tại TP. HCM cung ứng hạt giống đậu bắp xanh, bao tiêu giá cho nông dân trong hợp tác xã nhưng lợi nhuận không cao do hạt giống kém chất lượng, năng suất thấp. Ông cho biết, ông luôn trăn trở, băn khoăn khi HTX rơi vào thế bị động về hạt giống. Sau nhiều năm trăn trở, lai tạo, trồng thử nghiệm, qua 2 năm ông đã tạo ra được giống đậu bắp xanh tốt, kháng sâu bệnh, cho năng suất cao, được thị trường ưa chuộng chấp nhận.

Theo ông Trung, bài học rút ra sau những nỗ lực nghiên cứu, sáng tạo là HTX liên hệ với Sở KH&CN tỉnh Vĩnh Long, truy cập mạng internet, cung cấp thông tin, những tiến bộ khoa học kỹ thuật cho nông dân. HTX chủ động dịch vụ cung ứng phân bón hữu cơ và thuốc bảo vệ thực vật kịp cho sản xuất. Nghiên cứu thị trường, chọn giống phù hợp, kháng sâu, bệnh, cho năng suất cao, cung cấp miễn phí cho nông dân, xã viên. Hiện mỗi năm hợp tác xã đã cung ứng hàng trăm tấn đậu bắp cho thị trường trong nước và xuất khẩu sang Nhật Bản.

Hầu hết các nhà sáng chế không chuyên đều mong muốn Nhà nước, Bộ KH&CN thường xuyên tổ chức gặp mặt, hình thành trang thông tin điện tử để hội những nhà sáng chế không chuyên nghiệp có thể giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm trong các hoạt động sáng tạo; có sự liên kết 4 nhà để sản phẩm của họ có thể đến được nhiều vùng miền trên cả nước.

Xây dựng chính sách hỗ trợ sáng tạo quần chúng

Bộ trưởng Bộ KH&CN Nguyễn Quân cho biết, với các nỗ lực của Bộ KH&CN và các Bộ, ngành, địa phương, phong trào phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật trong lao động, sáng tạo đã từng bước lan toả trong xã hội. Trên khắp các vùng miền đất nước, trong các tầng lớp nhân dân, ngày càng xuất hiện nhiều mô hình mới, cách làm mới, gương điển hình tiên tiến về ứng dụng tiến bộ KH&CN.

Nhận thức rõ vai trò, tầm quan trọng của lực lượng quần chúng trong hoạt động nghiên cứu, ứng dụng, phát triển KH&CN, những năm qua, Bộ KH&CN đã tham mưu cho Chính phủ ban hành các cơ chế, chính sách tạo môi trường thuận lợi cho hoạt động sáng kiến, cải tiến kỹ thuật của các tầng lớp nhân dân. Điều lệ sáng kiến ban hành kèm theo Nghị định số 13/2012/NĐ-CP của Chính phủ và các Thông tư hướng dẫn của Bộ KH&CN đã có quy định cụ thể về điều kiện, thủ tục công nhận sáng kiến; quyền và nghĩa vụ của chủ đầu tư tạo ra sáng kiến; trả thù lao cho tác giả sáng kiến và người áp dụng sáng kiến.

Các văn bản này cũng quy định rõ trách nhiệm của các Bộ, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trong việc hỗ trợ chuyển giao sáng kiến của cá nhân, tổ chức không đủ năng lực áp dụng; hỗ trợ áp dụng sáng kiến lần đầu; công bố, phổ biến sáng kiến có khả năng áp dụng rộng và mang lại lợi ích lớn cho xã hội; tổ chức các hội thi sáng tạo, triển lãm, diễn đàn cho hoạt động sáng kiến; ưu tiên cấp kinh phí, tạo điều kiện thuận lợi cho việc nghiên cứu phát triển và hoàn thiện, áp dụng sáng kiến.

Bộ KH&CN cũng đã phối hợp với các Bộ, ngành, cơ quan liên quan triển khai nhiều hoạt động cụ thể, thiết thực để hỗ trợ các nhà sáng chế không chuyên từ khâu hình thành ý tưởng, nghiên cứu chế tạo đến hỗ trợ thương mại hóa sản phẩm và thành lập doanh nghiệp KH&CN để phát triển hoạt động sản xuất, kinh doanh như: Khuyến khích, hỗ trợ các nhà sáng chế không chuyên tham gia chợ công nghệ và thiết bị (Techmart); hỗ trợ cá nhân có sáng chế, sáng kiến thành lập doanh nghiệp KH&CN; Tổ chức cuộc thi Sáng chế và các hoạt động nâng cao nhận thức về sở hữu trí tuệ cho các tầng lớp nhân dân.

Tại buổi Gặp mặt, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh, Chính phủ sẽ tiếp tục xây dựng và ban hành những cơ chế, chính sách mới để khuyến khích, tạo thuận lợi hơn nữa cho hoạt động sáng tạo, sáng chế của nhân dân; và mỗi sáng tạo, sáng chế của người dân phải được trân trọng, phát huy. Đồng thời yêu cầu Bộ KH&CN, các Bộ, ngành, địa phương cần tập trung nghiên cứu, đề xuất để xây dựng và trình Chính phủ ban hành các cơ chế, chính sách khuyến khích các hoạt động sáng tạo, sáng chế của nhân dân.

Quỳnh Chi