|
|||
Sự kiện “Đi bộ vì âm nhạc và sở hữu trí tuệ” diễn ra trong khoảng 2 giờ với các hoạt động chính là “Đi bộ bằng đầu”, “Đồng sáng tạo âm nhạc” và chương trình biểu diễn âm nhạc đường phố. Tham dự sự kiện có Thứ trưởng Bộ Khoa học & Công nghệ, kiêm Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ Trần Việt Thanh; đại diện Bộ Văn hóa TT&DL, cùng một số bộ, ngành liên quan cùng khoảng 500 đại biểu, bao gồm sinh viên, cán bộ thanh niên một số bộ, ngành liên quan trực tiếp tới sở hữu trí tuệ và các doanh nhân hoạt động, kinh doanh trong các ngành công nghiệp sáng tạo. Chương trình được thực hiện nhằm góp phần nâng cao nhận thức về đổi mới sáng tạo và sở hữu trí tuệ của cộng đồng thông qua việc tạo ra một hiệu ứng sâu rộng trong nhận thức của sinh viên, đồng thời tạo động lực cho sự sáng tạo của các cá nhân và tổ chức, khơi dậy tiềm năng chất xám trong xã hội, thông qua đó thúc đẩy sự hình thành và phát triển của nền công nghiệp, nền kinh tế sáng tạo cho Việt Nam. Tại buổi lễ, Thứ trưởng Trần Việt Thanh cho rằng: trong bối cảnh phát triển nền kinh tế tri thức, có thể thấy rõ nguy cơ Việt Nam bị tụt hậu so với thế giới. Hiện, chỉ có khoảng 20-30% số doanh nghiệp Việt có hoạt động đổi mới sáng tạo và Việt Nam đứng thứ 70/148 quốc gia trong bảng xếp hạng chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu năm 2013 của Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO). Trong những năm qua, hoạt động sở hữu trí tuệ tại Việt Nam đã được các cơ quan chức năng đẩy mạnh. Tuy nhiên, sở hữu trí tuệ chưa thực sự đến được với ý thức của cộng đồng. Nhận thức chung của toàn xã hội về sở hữu trí tuệ vẫn còn tương đối hạn chế. Đổi mới sáng tạo và tài sản trí tuệ được xem là động lực quan trọng thúc đẩy sự tăng trưởng của nền kinh tế. Vì vậy, việc tiếp tục nâng cao nhận thức cho người dân, các tổ chức và cá nhân nhằm đưa Sở hữu trí tuệ vào cuộc sống và thúc đẩy đổi mới sáng tạo là một nhiệm vụ và mục tiêu quan trọng. Đây được coi là một trong những chìa khóa, hướng đi chiến lược để thúc đẩy sự phát triển kinh tế đất nước trong bôi cảnh hội nhập quốc tế ngày càng mạnh mẽ. Thứ trưởng Trần Việt Thanh nhận định. Sự kiện hưởng ứng Ngày sở hữu trí tuệ 26/4 đặc biệt có ý nghĩa quan trọng, nhằm nâng cao nhận thức trong giới trẻ đưa sở hữu trí tuệ vào cuộc sống và thúc đẩy đổi mới sáng tạo. Đây có thể xem là chìa khóa, hướng đi chiến lược để thúc đẩy sự phát triển kinh tế của đất nước. Tiến sĩ Phan Tất Thứ, Phó Chủ tịch Câu lạc bộ Doanh nhân Sáng tạo, cho biết: “Xã hội hiện đại đã đi qua thời phát triển kinh tế lệ thuộc vào tài nguyên thiên nhiên có sẵn, chúng ta cần nghĩ đến việc tư duy, sáng tạo chất xám từ chính ‘cái đầu’ của mình. Với thông điệp “Đi bộ bằng đầu”, Ban tổ chức chương trình hy vọng những người tham gia, đặc biệt là các bạn sinh viên sẽ tiếp nhận và lan tỏa thông tin, khái niệm sở hữu trí tuệ một cách dễ dàng và gần gũi hơn”. “Ngày sở hữu trí tuệ thế giới” (IP Day) ra đời vào năm 2000 khi các quốc gia thành viên của Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) định ngày 26/4 hàng năm - ngày mà Công ước WIPO chính thức có hiệu lực vào năm 1970 - là ngày để các quốc gia cùng nhau gia tăng sự hiểu biết chung về IP trên toàn thế giới. Kể từ đó, IP Day đã trở thành một ngày mà mọi người trên thế giới này cùng nhau tìm hiểu và cổ vũ cho những đóng góp của IP đối với sự phát triển của nghệ thuật, công nghệ và những đổi mới sáng tạo vì cuộc sống con người. Năm 2015, WIPO chọn lĩnh vực âm nhạc là chủ đề của “IP Day” để kêu gọi hành động với khẩu hiệu “Get up, Stand up. For music.”. Và với chủ đề này, Cục sở hữu trí tuệ đã tổ chức chương trình nhằm gửi đi những thông điệp về việc tôn trọng và bảo vệ tài sản sở hữu trí tuệ cũng như cổ vũ tinh thần đổi mới sáng tạo không ngừng tại Việt Nam. Tin, ảnh: Bùi Hiếu
|