Là khách mời của chương trình Giao lưu trực tuyến "Tôn vinh hoạt động đổi mới sáng tạo trong quần chúng nhân dân" do Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển truyền thông khoa học và công nghệ (KH&CN) và báo Đất Việt phối hợp tổ chức, ông Đỗ Văn Trường đã chia sẻ nhiều điều xoay quanh việc nghiên cứu, thiết kế, chế tạo ra sản phẩm bơm vô ống có nhiều tính năng vượt trội so với bơm trục đứng trên thị trường.
- Xin ông cho biết một số thông tin về sản phẩm bơm vô ống do ông thiết kế, chế tạo?
Ông Đỗ Văn Trường: Tôi là thợ cơ khí, có một xưởng cơ khí nhỏ trước đây chuyên sản xuất, sửa chữa các loại máy móc do khách hàng đặt, trong đó mặt hàng bơm nước là nhiều nhất. Đầu tiên, tôi sản xuất loại bơm có ống. Qua quá trình sản xuất và bán cho khách hàng, tôi đã cải tiến từng phần và tìm ra những cách tiết kiệm năng lượng cho bơm.
Ví dụ, tôi thấy ống càng ngắn càng to thì càng giảm năng lượng cho bơm khi bơm cùng lượng nước. Tôi nghiên cứu, thử nghiệm các loại cánh bơm, tạo ra sự luân chuyển nước đều, không bị quẩn xoáy trong vùng hoạt động của cánh bơm, giảm năng lượng tiêu hao. Tính toán vận tốc nước qua bơm phù hợp với độ cao của nước để giảm tối thiểu lực gia tốc khối lượng nước. Lực này rất đáng kể vì không phải quan hệ bậc nhất mà quan hệ bình phương với vận tốc.
Xuất phát từ thực tế nước ta là nước nông nghiệp, diện tích cấy lúa nước rất nhiều ở đồng bằng Bắc Bộ và Nam Bộ, tôi đã có ý tưởng thiết kế, chế tạo loại bơm đơn giản nhưng hiệu quả này.
Như đã biết, động lực bơm nước là do mặt phẳng nghiêng cánh quay quanh trục tạo lực nâng nước, do đó, ống bơm là phần dẫn nước. Ta có thể không cần ống bơm, thay vào đó là bửng bơm để ngăn cách mặt nước bên này với bên kia. Bửng bơm lắp vào mang cống, thân bơm liên kết với bửng bơm, chiều dài thân bơm chỉ 30 phân, đường kính thân bơm 90 phân vừa để lắp đủ cánh bơm.
Cánh bơm liên kết với trục quay, trên đầu trục có buli, động cơ điện lắp trên bờ kéo bằng dây cuaroa quay chuyển động xuống cánh bơm. Có cơ cấu đóng mở nắp, khi bơm ta quay mở nắp bơm. Bơm xong, ta quay cơ cấu đóng nắp bơm lại thì lúc này bơm như một cánh phai cống đóng kín nước. Do bơm không có ống nên lấy tên là bơm vô ống.
Bà con nông dân ở đồng bằng Bắc Bộ đang sử dụng phổ biến loại bơm trục đứng và một số ít sử dụng bơm ly tâm. Sản phẩm bơm vô ống có tính khác biệt so với 2 loại bơm này về hiệu quả và tiết kiệm điện năng. Bơm vô ống tiết kiệm 3,5 lần về điện năng so với bơm trục đứng. Ví dụ, cùng lượng nước bơm như nhau, đối với mỗi vụ lúa, bơm trục đứng tiêu hao điện năng 7.000 kWh, thì bơm vô ống chỉ tiêu thụ hết 2.000 kWh.
Bơm vô ống là loại bơm đơn giản, trọng lượng nhẹ gấp 5 lần bơm trục đứng dù cùng công suất. Do đó, giá thành thấp hơn 4 lần so với bơm trục đứng. Ngoài ra, loại bơm này còn giúp giảm nhiều các chi phí khác. Bơm vô ống bơm được 2 chiều nên chỉ cần xây dựng một cống vẫn có thể vừa bơm ra vừa bơm vào bằng cách đảo pha điện.
Còn đối với bơm trục đứng, phải xây cống lấy nước, cống nội đồng, bể hút, cửa xả và cửa tưới rất tốn kém. Ngoài ra, do điện năng tiêu thụ ít, nên đối với loại bơm công suất 4.000m3/h, bơm vô ống chỉ dùng động cơ 20kW, còn bơm trục đứng dùng động cơ 75kW. Do đó, bơm vô ống có thể sử dụng trực tiếp lưới điện có sẵn của địa phương, còn bơm trục đứng đòi hỏi phải xây dựng trạm biến áp mới, tốn kém hơn. Bơm vô ống có độ bền cao, chi phí sửa chữa ít.
Ông Đỗ Văn Trường giới thiệu về sản phẩm. (Ảnh: NH)
Hiện nay các hợp tác xã đã có sẵn cống nội đồng, bơm vô ống sẽ sử dụng những cống có sẵn và không phải xây cống mới.
- Sản phẩm bơm vô ống của ông đã được người dân địa phương đón nhận như thế nào?
Ông Đỗ Văn Trường: Năm 2004, tôi đã thiết kế, chế tạo thành công, đưa vào sử dụng bơm vô ống ngay tại nơi tôi ở (Đội 1, nông trường Đồng Giao). Vụ chống lụt năm ấy, hợp tác xã Đàm Khánh sang thăm và thấy rõ hiệu quả của bơm nên đã đặt tôi sản xuất 1 chiếc công suất 4.000 m3/h, động cơ kéo 20kW, giá 20 triệu đồng.
Tôi nhớ khi ấy Đội 1 đang chống hạn cho lúa. Hôm thử bơm, 1 giờ đêm nước mới lên, chỉ có mình tôi ngoài đồng, thấy kết quả tốt, mừng quá tôi về báo gia đình. Cả nhà tôi lẫn hàng xóm kéo ra đồng xem, mọi người rất ngạc nhiên vì động cơ nhỏ mà lượng nước bơm như tháo cống, nước bơm rất mạnh, chỉ 15 tiếng đồng hồ bơm đã đủ nước chống hạn cho 50ha.
Do tôi thấy loại bơm này có lợi ích lớn đối với nông nghiệp và thị trường sử dụng rộng nên tôi đã làm đơn bảo hộ độc quyền sáng chế gửi Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ KH&CN. Năm 2006, bơm vô ống đã được Cục cấp bằng độc quyền sáng chế.
- Khó khăn lớn nhất của ông khi muốn hoàn thiện, phát triển và nhân rộng sản phẩm của mình là gì?
Ông Đỗ Văn Trường: Khi thiết kế thành công bơm vô ống năm 2004 tôi cũng có ý định phát triển và nhân rộng sản phẩm nhưng khó khăn lớn nhất vẫn là thiếu vốn.
Đất tôi ở khi đó chưa có sổ đỏ nên không thể thế chấp để vay ngân hàng nên tôi chỉ vay mượn người thân, bạn bè để mở rộng diện tích xưởng cơ khí từ 70m2 lên 200m2 và sắm thêm một số máy móc đơn giản, rẻ tiền. Bởi vậy, không thể nâng cao năng suất lao động, việc phát triển và nhân rộng sản phẩm vì đó cũng rất chậm.
Trong thời gian sản xuất và cung ứng bơm cho thị trường, 50% hợp tác xã được huyện, tỉnh hỗ trợ vốn để mua bơm. Số bơm này được thanh toán ngay trong năm. 50% số bơm còn lại hợp tác xã phải tìm nguồn vốn khác như dân góp, hoặc trích từ nguồn khác. Do đó, tiền thanh toán chậm, thường 3-4 năm mới thanh toán hết. Xưởng của tôi nhiều khi thiếu vốn để tái sản xuất, phải dừng lại không nhận thêm đơn hàng.
- Trong quá trình nghiên cứu, sáng chế, cơ quản quản lý địa phương có hỗ trợ gì, thưa ông ?
Ông Đỗ Văn Trường: Khi tôi thiết kế, chế tạo được bơm vô ống, Sở KH&CN tỉnh Ninh Bình và Liên hiệp Các hội khoa học kỹ thuật tỉnh đến đánh giá công trình, đồng thời mời các chuyên gia ở Viện Khoa học Thuỷ lợi và trường Đại học Bách khoa đến đánh giá. Họ đánh giá rất cao sản phẩm này và nhận định nó là loại bơm mới, chưa hề có trên thị trường.
Trong tỉnh, các phương tiện thông tin đại chúng như truyền hình, đài, báo cũng hỗ trợ quảng bá cho sản phẩm. Sở KH&CN Ninh Bình sau đó còn tổ chức hội thảo đầu bờ và Chủ tịch tỉnh trực tiếp đến thăm trạm bơm ở hợp tác xã có sử dụng loại bơm này.
Sau khi hỏi chi phí xây dựng trạm bơm và biết hết 20 triệu đồng, Chủ tịch tỉnh đã quyết định hỗ trợ ngay chi phí xây dựng trạm bơm cho hợp tác xã và tặng đặc cách cho tác giả 10 triệu đồng, trong khi nếu theo quy chế, mức thưởng lớn nhất là 3 triệu đồng.
Trong Nghị quyết 03 của tỉnh về trồng cây vụ đông trên đất hai lúa có khuyến khích các hợp tác xã trồng 20 ha sẽ được tài trợ một trạm bơm vô ống. Chương trình này kéo dài trong 5 năm. Tôi thấy đây là sự hỗ trợ rất thiết thực. Trong 5 năm này tôi đã cung ứng cho thị trường trong tỉnh hơn 100 trạm bơm vô ống.
- Hiện trên thị trường, các sản phẩm máy bơm của Trung Quốc xuất hiện nhiều và đa dạng về chủng loại, giá thành, làm thế nào để sản phẩm của ông có thể cạnh tranh?
Ông Đỗ Văn Trường: Bơm vô ống đã được Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ KHCN cấp bằng độc quyền sáng chế. Do đó, doanh nghiệp nước ngoài khi đưa sản phẩm vào thị trường Việt Nam cũng phải tuân thủ luật bản quyền.
Hiện mặt hàng bơm của Trung Quốc chủ yếu là loại bơm nhỏ, dùng trong gia đình, công suất chỉ vài chục m3/h, còn bơm vô ống phục vụ sản xuất nông nghiệp, công suất lớn 4.000m3/h. Do đó, không lo phải cạnh tranh với hàng Trung Quốc.
- Ông có dự định gì trong thời gian tới để tiếp tục hỗ trợ những người nông dân bằng những nghiên cứu hữu ích của mình?
Ông Đỗ Văn Trường: Hiện sản phẩm của tôi mới chỉ cung ứng chủ yếu cho tỉnh Ninh Bình và một số tỉnh lân cận như Thanh Hoá, Thái Bình, Nam Định,... Tôi mong muốn sản phẩm được bà con nông dân đồng bằng sông Hồng và đồng bằng sông Cửu Long sử dụng rộng rãi, nhưng hiện nay đang "lực bất tòng tâm" do thiếu vốn.
Tôi mong được tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi và Nhà nước có cơ chế hỗ trợ để nhân rộng sản phẩm.
- Ông có đề xuất gì để Nhà nước có thể đưa ra những chính sách mới hỗ trợ những sáng kiến, sáng chế trong thời gian tới?
Ông Đỗ Văn Trường: Để một sáng chế thành công, đối với tác giả mất rất nhiều công sức và thời gian. Có những công trình thành công, có những công trình không thành công.
Theo tôi, đối với những sáng chế có hiệu quả về kinh tế, xã hội, được thực tế công nhận rất cần sự hỗ trợ của Nhà nước. Vì những người sáng chế ít khi là doanh nghiệp nên muốn phát triển và nhân rộng sản phẩm cần có vốn. Những người sáng chế không chuyên như chúng tôi rất mong được tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi, hỗ trợ của Nhà nước để mở rộng quy mô và nhân rộng sản phẩm.
- Vâng, xin cảm ơn ông!
Quỳnh Chi (lược ghi)
|