|
|||
Người tiêu dùng đang sống trong một "ma trận" các sản phẩm vi phạm về SHTT, ngay đến cơ quan chức năng cũng khó có thể phân biệt được thật giả nếu không có sự trợ giúp từ các chuyên gia của hãng. Giờ đây, các hành vi xâm phạm ngày càng tinh vi hơn, mở rộng đến nhiều lĩnh vực khác như: sáng chế, bí mật kinh doanh, tác quyền, nhãn hiệu, cạnh tranh không lành mạnh... Ðiều đáng lo ngại là hiện lực lượng thanh tra còn "mỏng" so với nhu cầu thực tế và hoạt động thanh tra, kiểm tra vẫn phụ thuộc vào từng lĩnh vực quản lý của bộ, ngành khác nhau. Chỉ tính trong năm 2014, đoàn thanh tra của các bộ, ngành đã phát hiện và xử lý hàng loạt các vụ vi phạm sở hữu công nghiệp, bản quyền phần mềm, tác quyền, nhãn hiệu, hàng giả... qua đó đã tịch thu và tiêu hủy hàng trăm nghìn sản phẩm, ngăn chặn và xử lý những vụ vi phạm tác quyền, đồng thời đã tiến hành xử phạt hành chính đối với các hành vi xâm phạm SHTT. Thống kê từ các đoàn thanh tra cho thấy, Thanh tra Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, đã phát hiện và xử phạt vi phạm về bản quyền phần mềm máy tính lên tới gần 1,6 tỷ đồng; xử phạt 50 tổ chức, cá nhân tại TP Hồ Chí Minh có hành vi sử dụng bản ghi âm, ghi hình nhằm mục đích thương mại nhưng không trả tiền cho chủ sở hữu; hành vi biểu diễn trực tiếp tác phẩm mà không được phép của chủ sở hữu; tiêu hủy 21.268 đĩa CD-VCD không tem nhãn. Thanh tra của Bộ Khoa học và Công nghệ (KH và CN) đã xử phạt 37 cơ sở với tổng tiền phạt hơn 1,6 tỷ đồng. Cục Cảnh sát kinh tế (Bộ Công an) đã phát hiện 665 vụ xâm phạm quyền SHTT, khởi tố 120 vụ/196 bị can, phạt tiền 467 vụ, thu nộp ngân sách 11,769 tỷ đồng, tiêu hủy hơn 500 nghìn sản phẩm vi phạm... Chánh Thanh tra Bộ KH và CN Trần Minh Dũng cho biết, nhìn vào những con số nói trên cho thấy việc xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ hiện nay tại Việt Nam đang diễn ra ngày càng nóng và phức tạp. Tuy nhiên đây mới chỉ là một số vụ việc điển hình, còn ít so với thực tế. Nếu việc vi phạm cứ diễn ra không kiểm soát sẽ triệt tiêu sự sáng tạo của trí thức và nhà sản xuất. Bởi vậy, hoạt động thực thi quyền SHTT cần được đẩy mạnh trong thời gian tới để bảo đảm quyền lợi của nhà sản xuất, người tiêu dùng cũng như uy tín của Việt Nam với thế giới. Trên thực tế,việc xử lý xâm phạm SHTT hiện nay vẫn tập trung vào biện pháp xử phạt hành chính, với mức phạt cao nhất khi doanh nghiệp vi phạm là 500 triệu đồng, cá nhân là 250 triệu đồng. Nhiều đơn vị cho rằng, mức phạt này vẫn chưa thỏa đáng, quá nhẹ, không đủ sức răn đe nên có trường hợp phạt xong đơn vị vi phạm lại tiếp tục vi phạm. Bởi vậy, cơ chế thực thi quyền SHTT tại Việt Nam chưa thật sự phát huy hiệu quả như mong muốn. Trước thực trạng trên, Phó Chánh Thanh tra Bộ KH và CN TS Phạm Như Quỳnh cho rằng, nguyên nhân chính đến từ hệ thống pháp luật về thực thi quyền SHTT còn hạn chế, những quy định chưa rõ ràng, chưa thống nhất hoặc thiếu quy định cần thiết, cụ thể bảo đảm xử lý hành vi xâm phạm. Hiện nay vẫn chưa có cơ chế phối hợp hiệu quả giữa các cơ quan thực thi quyền SHTT. Vai trò của hệ thống thực thi nghiêng về các cơ quan hành chính và vai trò của cơ quan tư pháp trong thực thi quyền SHTT còn thấp. Thống kê của Tòa án Nhân dân Tối cao cho thấy, trong thời gian từ năm 2006 (từ khi Luật SHTT năm 2005 có hiệu lực) đến năm 2013, toàn ngành tòa án mới giải quyết được gần 200 vụ án về SHTT, chiếm khoảng 1% số vụ án cơ quan hành chính đã xử lý theo thẩm quyền. Ðặc biệt là hiện nay số lượng cán bộ chuyên trách về thực thi quyền SHTT còn quá ít, tỷ lệ cán bộ làm đúng theo chuyên ngành được đào tạo về SHTT còn rất thấp, chỉ chiếm 7,7%, trong khi đó số cán bộ làm việc chưa đúng chuyên ngành được đào tạo về SHTT chiếm tới 92,3%. Một số yếu tố khác cũng ảnh hưởng đến cơ chế thực thi quyền SHTT như: Máy móc, thiết bị và hạ tầng thông tin phục vụ cho hoạt động thực thi quyền SHTT còn thiếu; nội dung hợp tác quốc tế chưa sâu, còn mang tính hình thức và chưa thật sự hiệu quả; các nguồn lực tài chính từ trong nước và quốc tế phục vụ cho hoạt động thực thi quyền SHTT hạn chế. Ðể phát huy hiệu quả hoạt động thực thi quyền SHTT, trong thời gian tới các bộ, ngành cần sớm hoàn thiện khung pháp lý, sắp xếp lại cấu trúc cơ chế thực thi và tạo lập đầu mối quốc gia về phòng, chống xâm phạm quyền SHTT. Ðồng thời nhanh chóng xây dụng cơ chế phối hợp giữa các cơ quan hành chính và cơ quan tư pháp, nâng cao năng lực, chuyên môn của hệ thống các cơ quan thực thi quyền SHTT. Có như vậy mới làm lành mạnh hóa môi trường kinh doanh, thu hút được các nguồn đầu tư vào hoạt động sáng tạo, góp phần thiết thực vào sự phát triển của đất nước. |