|
|||
Đây là dự án thuộc Chương trình hỗ trợ tài sản phát triển tài sản trí tuệ (Chương trình 68). Dự án do TS. Vũ Như Hạnh, PGĐ Sở KH&CN Hà Nội làm chủ nhiệm. TS. Vũ Như Hạnh, cho biết, nghề thêu tranh ở Thường Tín đã đóng góp đáng kể vào cơ cấu thu nhập của hộ sản xuất. Thu nhập từ nghề thêu chiếm đến 50% tổng thu nhập hàng năm của địa phương này. Nghề thêu không chỉ tận dụng được lao động chủ yếu vào lúc nông nhàn mà còn góp phần tạo công ăn việc làm cho chị em phụ nữ, người già ở vùng nông thôn ngoại thành Hà Nội – những người có nguy cơ mất đất nông nghiệp lớn do công nghiệp hóa và đô thị hóa. Hiện tại, Thường Tín có 8 xã có các cơ sở và hộ gia đình tham gia làm nghề thêu tay, các cơ sở và hộ gia đình bắt đầu nghề này từ cách đây khoảng 10 đến 20 năm. Việc sản xuất ở đây chủ yếu được thực hiện theo hình thức những cơ sở lớn nhận làm đầu mối và thuê lại các hộ gia đình nhỏ lẻ. Những sản phẩm từ đôi bàn tay vàng của các nghệ nhân và hộ gia đình làm nghề thêu đã vươn tới mọi miền của tổ quốc và quốc tế, tranh thêu và các sản phẩm thêu truyền thống mang thương hiệu Thường Tín như một chứng chỉ bảo đảm chất lượng và danh tiếng sản phẩm. Tuy nhiên, cùng với sự sự lớn mạnh của thương hiệu làng nghề, những năm gần đây đã xuất hiện hiện tượng những sản phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ và không bảo đảm quy trình sản xuất được đưa ra thị trường và gắn thương hiệu “Thường Tín”. Với thực tế này, từ năm 2012 đến nay, Bộ Khoa học và Công nghệ, Cục Sở hữu Trí tuệ đã hỗ trợ cho huyện và cộng đồng làng nghề thực hiện dự án “Xây dựng, quản lý và phát triển nhãn hiệu tập thể “Tranh thêu Thường Tín” cho sản phẩm thêu của huyện Thường Tín, thành phố Hà Nội.
Sau 2 năm thực hiện, dự án đã được nghiệm thu với nhiều kết quả khả quan Đối tượng hưởng lợi lớn nhất từ dự án này là những tập thể, cá nhân sản xuất các sản phẩm thêu trên địa bàn huyện Thường Tín. Thông qua việc triển khai dự án, người dân đã được tập huấn kiến thức về sở hữu trí tuệ, nâng cao nhận thức xây dựng, bảo hộ thương hiệu làng nghề, chiến lược phát triển sản phẩm của mình trên thị trường trong và ngoài nước. Điều này đặc biệt có ý nghĩa khi đa số những người sản xuất các sản phẩm trên Thường Tín hiện vẫn còn thiếu thông tin và kiến thức về sở hữu trí tuệ nói chung và nhãn hiệu tập thể nói riêng. Qua gần 2 năm triển khai, thương hiệu Thường Tín đối với các sản phẩm thêu truyền thống nơi đây đã được nhà nước chính thức ghi nhận, sau khi nhãn hiệu tập thể Thêu Thường Tín được cấp văn bằng bảo hộ, Uỷ ban nhân dân huyện Thường Tín và Ban chấp hành Hội sản xuất, kinh doanh đã có những hoạt động cụ thể để quản lý và phát triển nhãn hiệu tập thể, cụ thể là đến nay đã có 32 hộ viên trong hội làm đơn và được cấp quyền sử dụng nhãn hiệu tập thể, cấp phát tem nhãn được dán lên các sản phẩm của mình. Thông qua đó, thương hiệu thêu Thường Tín được bảo hộ đã cùng với sản phẩm sáng tạo từ những đôi bàn tay vàng nghệ nhân đi khắp mọi miền, đồng thời, người tiêu dùng cũng đã có cơ sở để lựa chọn sản phẩm đúng nguồn gốc, xuất xứ được nhà nước bảo hộ. Việc nhãn hiệu tập thể Thêu Thường Tín được bảo hộ đã góp phần đảm bảo uy tín chất lượng sản phẩm thêu Thường Tín trên thị trường. Chất lượng đảm bảo sẽ giúp cho sản phẩm làm ra tiêu thụ được và tốt hơn và từ đó kinh tế cho các hộ gia đình sẽ được đảm bảo hơn. Đây cũng là một minh chứng rõ nét khẳng định vai trò quan trọng của sở hữu trí tuệ nói riêng, khoa học và công nghệ nói chung trong việc phát triển bền vững kinh tế, xã hội của mỗi địa phương. Tin, ảnh: Mai Hà
|