Bản in
Nâng tầm thương hiệu nho Ninh Thuận
Ninh Thuận không chỉ được biết đến như một tỉnh miền Nam Trung Bộ đầy tiềm năng, mà còn được biết đến là một vùng trồng nho nổi tiếng nhất của cả nước. Cây nho được xem là cây có giá trị kinh tế cao trong các loại cây trồng của tỉnh, đem lại nguồn thu nhập lớn cho nông dân của tỉnh nhà.

Đẩy mạnh ứng dụng khoa học kĩ thuật

Ông Lê Kim Hùng – Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ (KH&CN) Ninh Thuận cho biết: cây nho đã được du nhập vào Ninh Thuận từ năm 1960 và trồng thử nghiệm tại Trung tâm nghiên cứu Kỹ thuật nông nghiệp Nam Trung Bộ (Nha Hố - huyện Ninh Sơn) và được sản xuất thành hàng hóa vào những năm 1980. Cho đến nay, cây nho là cây trồng đã được xác định là có hiệu quả kinh tế trên vùng đất Ninh Thuận, đến nay toàn tỉnh đã có gần 1.000 ha, năng suất bình quân 20-25 tấn nho tươi/ha/năm, chiếm đến 13,6% tổng giá trị sản xuất nông nghiệp.

Nghề trồng nho ở Ninh Thuận đã đem lại nguồn thu nhập lớn cho người dân nơi đây, một ha nho có thể đem lại gía trị từ 100 đến 150 triệu đồng/năm. Theo tính toán ban đầu nếu Ninh Thuận phát triển cây nho với diện tích 2.500 ha vào năm 2020, với năng suất 30.000 tấn nho tươi hàng năm thì cây nho sẽ góp phần vào GDP là 125 USD/người/năm.

Tuy nhiên, theo ông Lê Kim Hùng việc sản xuất nho hiện nay đang gặp nhiều khó khăn. Nổi bật nhất là tình trạng giống nho bị thoái hoá nên cây nho ngày càng không chống chịu được vơí điều kiện khắc nghiệt của môi trường, năng suất và phẩm chất giảm dần, dịch hại phát triển mạnh. Nông dân còn lúng túng trong việc áp dụng thành thạo quy trình canh tác và công nghệ sau thu hoạch để nâng cao hiệu quả kinh tế của cây nho. Vì vậy, công tác chuyển giao tiến bộ kỹ thuật phát triển cây nho dựa trên những kết quả nghiên cứu nhiều năm về giống, các biện pháp kỹ thuật canh tác, bảo vệ thực vật nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế cho người trồng nho, nhân nhanh giống nho mới là việc làm cần thiết.

Trước thực trạng này, Ninh Thuận đã và đang triển khai nhiều giải pháp khôi phục phát triển nghề trồng nho theo hướng an toàn, bền vững. Các cơ quan chức năng cũng nghiên cứu ứng dụng công nghệ bảo quản nho tươi nhằm kéo dài thời gian bảo quản đáp ứng nhu cầu thị trường tiêu thụ, đảm bảo phẩm chất đạt tiêu chuẩn vệ sinh thực phẩm; áp dụng quy trình chế biến vang nho sau thu hoạch góp phần nâng cao trình độ sản xuất của nông dân trồng nho; chuyển giao trực tiếp tiến bộ kỹ thuật về giống, kỹ thuật canh tác, bảo quản nho tươi và chế biến sản phẩm vang nho cho nông dân trồng nho và các cơ sở dịch vụ thương mại kinh doanh tiêu thụ quả nho; áp dụng các biện pháp thâm canh cây nho bằng các chế phẩm hữu cơ sinh học, phòng trừ dịch hại tổng hợp nhằm giảm dư lượng chất hoá học trên nho và tồn lưu trong đất; đồng thời chuyển giao các tiến bộ kỹ thuật đã được kết luận từ kết quả nghiên cứu khoa học khẳng định cho sự thành công của nghề trồng và chế biến nho.

Nhiều hộ nông dân trong tỉnh Ninh Thuận đã áp dụng quy trình thâm canh nho, tạo ra những sản phẩm an toàn, chất lượng; hình thành tập quán canh tác áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật và đưa các sản phẩm nho vào các siêu thị Coop Mart, Metro… tại Tp. Hồ Chí Minh, Hà Nội...

Gia đình ông Nguyễn Văn Mọi (Ba Mọi), ở thôn Hiệp Hòa, xã Phước Thuận, huyện Ninh Phước từ bỏ lối canh tác truyền thống, mạnh dạn áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất bằng cách đưa các chế phẩm sinh học và phân vi sinh vào thay thế các loại thuốc sâu, phân bón hóa học, thực hiện sản xuất nho theo tiêu chuẩn VietGap. Trang trại nho Ba Mọi ở xã Phước Thuận, huyện Ninh Phước đã được cấp giấy chứng nhận Việt GAP từ năm 2010 đến nay.

Chắp cánh thương hiệu

Ông Lê Kim Hùng cho biết: năm 2010, Sở KH&CN Ninh Thuận đã xây dựng dự án “Đăng ký và bảo hộ chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm nho Ninh Thuận” và đến tháng 2/2012 Cục Sở hữu Trí tuệ đã có Quyết định số 194 ngày 17/2/2012 cấp giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm nho Ninh Thuận. Việc các sản phẩm nho được chứng nhận “chỉ dẫn địa lý” đã góp phần nâng cao vị thế nho Ninh Thuận trên thị trường.

Ngoài ra, tại Ninh Thuận đã thành lập Hiệp Hội nho để quản lý và phát triển chỉ dẫn địa lý nho Ninh Thuận. Công việc này nhằm mở rộng cơ hội cho Hiệp Hội nho tìm hiểu thị trường của sản phẩm, từ đó nâng cao hiệu quả kinh tế của ngành sản xuất nho, mang lại lợi ích cho người trồng nho, góp phần phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn của vùng chỉ dẫn địa lý đã được đăng bạ.

Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Quốc Khánh cho biết: Với những giá trị kinh tế lớn mà cây nho mang lại cho tỉnh Ninh Thuận nói chung và cho người dân nói riêng, trong giai đoạn 2004-2006, Bộ KH&CN đã hỗ trợ tỉnh Ninh Thuận nhiều nhiệm vụ KH&CN cấp nhà nước để phát triển cây nho như:  Dự án sản xuất nho an toàn NH 01-48; dự án xây dựng mô hình ứng dụng tiến bộ kỹ thuật phát triển cây nho để có hiệu qủa kinh tế. Kết quả của các  dự án này đã nhân rộng được diện tích 150 ha nho xanh NH 01-48 theo hướng an toàn;xây dựng được quy trình sản xuất nho an toàn; sản xuất ra sản phẩm nho chất lượng đạt tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm cung cấp cho các siêu thị lớn trong nước.

Bên cạnh đó, theo Đề án: “Phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn tỉnh Ninh Thuận giai đoạn 2011 – 2020” của tỉnh Ninh Thuận, trong thời gian tới sẽ tiếp tục xác định nho là cây trồng chủ lực của tỉnh, phát triển đạt diện tích 2.000 ha, sản lượng 41 ngàn tấn vào năm 2015 và 2.500 ha, sản lượng 60 ngàn tấn vào 2020. Tập trung phát triển cây nho tại các vùng thích nghi cao; đầu tư quy hoạch vùng trồng nho gắn với cơ sở hạ tầng thuộc Dự án an toàn sản phẩm nho Ninh Thuận, đảm bảo đến 2015 có 30% sản lượng nho sản xuất đạt các tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm, xây dựng thương hiệu và các liên kết hợp tác theo chuỗi ngành hàng giữa người trồng nho, nhà chế biến, nhà tiêu thụ để nâng cao năng suất chất lượng, đáp ứng nhu cầu và thị hiếu người tiêu dùng.

Hiện Sở KH&CN tỉnh đang phối hợp với Hiệp hội Nho thực hiện dự án cấp Trung ương giai đoạn 2 (2013 -2014) dự án "Quản lý và phát triển chỉ dẫn địa lý Ninh Thuận cho sản phẩm nho" nhằm triển khai công tác quản lý, tìm kiếm thị trường và đẩy mạnh quảng bá dấu hiệu nhận biết các sản phẩm nho Ninh Thuận; tiếp tục mở rộng vùng chỉ dẫn địa lý ra các vùng trồng nho trên toàn tỉnh; xúc tiến, quảng bá, xác lập vị thế và uy tín của các sản phẩm nho mang nguồn gốc xuất xứ sản xuất tại Ninh Thuận. Đây là cơ hội tốt nhằm tiếp tục quảng bá, tăng cường các cơ hội cho sản phẩm nho Ninh Thuận vươn ra thị trường trong nước và quốc tế.

Từ ngày 17-19/7 sẽ diễn ra Lễ hội nho và Vang Ninh Thuận lần thứ nhất. Đây là dịp tôn vinh giá trị kinh tế của nho Ninh Thuận, động viên người trồng nho và chế biến các sản phẩm sau nho, nâng cao thu nhập cho người nông dân, góp phần giảm nghèo, phát triển nông nghiệp bền vững, củng cố thương hiệu Ninh Thuận, du lịch Ninh Thuận và nho Ninh Thuận. Lễ hội này nhằm đạt được mục đích tôn vinh giá trị cây nho và quảng bá giá trị kinh tế thực của nó, cũng là một điều kiện tốt cho việc thực hiện các tiêu chí xây dựng nông thôn mới ở những vùng trồng nho.

Ánh Tuyết