|
|||
Ông Vũ Ngọc Hoan - Quyền Cục trưởng Cục Bản quyền tác giả Việt Nam - cho biết: “Chúng ta đã đạt được những bước tiến khá dài trong công cuộc bảo hộ bản quyền chương trình máy tính trong những năm qua, bảo vệ được quyền lợi cho chủ sở hữu nước ngoài đồng thời bảo vệ quyền lợi cho cá nhân, tổ chức trong nước. Công tác tuyên truyền pháp luật về quyền tác giả được thực hiện thường xuyên, liên tục với nhiều hình thức đa dạng, phong phú và dành cho nhiều đối tượng khác nhau, nhằm tăng cường hiểu biết về quyền tác giả đối với chương trình máy tính”. Ông Hoan cũng tiết lộ thêm, theo đánh giá từ kết quả nghiên cứu của Liên minh phần mềm (BSA), Việt Nam đã giảm khoảng 11% tỷ lệ vi phạm quyền tác giả đối với chương trình máy tính. Tuy tỷ lệ vi phạm bản quyền phần mềm vẫn còn cao hơn nhiều so với mức trung bình trong khu vực, song mức giảm này là một con số ấn tượng, thể hiện quyết tâm cao của Chính phủ. Được biết, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đang chuẩn bị báo cáo tổng kết 5 năm thực hiện Chỉ thị số số 36/2008/CT-TTg về việc tăng cường quản lý và thực thi bảo hộ quyền tác giả, quyền liên quan của Thủ tướng Chính phủ; trong đó nêu bật những kết quả đã đạt được trong việc bảo hộ quyền tác giả đối với chương trình máy tính. Đặc biệt, vụ kiện ra tòa đầu tiên do vi phạm bản quyền phần mềm của Lạc Việt và Microsoft vào cuối năm 2013 đã đánh dấu bước tiến mới trong công cuộc bảo hộ bản quyền phần mềm tại Việt Nam, đó là chuyển từ xử lý hành chính ra tòa án.
Theo ông Vũ Minh Trí - Tổng giám đốc Microsoft Việt Nam - phát triển công nghiệp phần mềm ở nước ta có những thuận lợi bởi thị trường công nghệ thông tin trên thế giới ngày càng tăng; yêu cầu đầu tư ban đầu không lớn; con người có khả năng tiếp thu nhanh công nghệ này; cộng đồng người Việt ở nước ngoài có nhiều chuyên gia kinh nghiệm trong lĩnh vực công nghiệp phần mềm, có nguyện vọng hợp tác và đầu tư tại Việt Nam. Song, vấn nạn vi phạm bản quyền phần mềm chính là nguyên nhân chủ yếu cản trở sự phát triển. Tình trạng ăn cắp phần mềm thực sự đã làm nản lòng các hãng lớn và ngăn cản việc mở rộng kinh doanh. Chính vì vậy, sự vào cuộc của các cơ quan chức năng đã giúp mang lại những tín hiệu khả quan trong cuộc chiến chống vi phạm bản quyền, đồng thời giúp các công ty lạc quan hơn với tình hình phát triển kinh doanh, có thêm động lực để nghiên cứu và sáng tạo ra những sản phẩm phần mềm mới phục vụ tốt hơn cho công việc và cuộc sống của người dùng. Là doanh nghiệp phần mềm trong nước, ông Hà Thân - Tổng giám đốc Lạc Việt - ước tính bị thiệt hại khoảng 50 triệu USD vì nạn ăn cắp bản quyền đối với phần mềm từ điển Lạc Việt kể từ năm 1995 tới nay. Đánh giá về chặng đường 10 năm chiến dịch chống vi phạm bản quyền phần mềm của Việt Nam, ông Tarun Sawney - Giám đốc phụ trách Công tác chống vi phạm bản quyền khu vực Châu Á-Thái Bình Dương của BSA - khẳng định: “Với tỷ lệ vi phạm bản quyền phần mềm giảm 11 điểm, từ 92% năm 2004 xuống còn 81% năm 2011, Việt Nam được đánh giá là một quốc gia có những bước tiến mạnh mẽ và khả quan nhất trong cuộc chiến chống vi phạm bản quyền phần mềm. Có được những thành tựu này chính là nhờ những nỗ lực to lớn của các cơ quan chính phủ Việt Nam, các tổ chức và các doanh nghiệp phần mềm máy tính”.
|