|
|||
Đây là khẳng định của ông Tạ Quang Minh - Cục trưởng Cục Sở hữu Trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) khi trao đổi với phóng viên Chất lượng Việt Nam. Chương trình hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ còn gọi là Chương trình 68 đã có hơn 3 năm triển khai giai đoạn hai (2011- 2015), ông đánh giá thế nào về hiệu quả của Chương trình này, đặc biệt là đối với cộng đồng doanh nghiệp? Chương trình 68 được triển khai giai đoạn một từ 2005 - 2010, giai đoạn hai từ 2011 - 2015. Đến nay, chúng tôi đã có những hoạt động đánh giá ba năm triển khai của giai đoạn hai. Ghi nhận đầu tiên là thông qua các nội dung triển khai chương trình và các hoạt động tuyên truyền nâng cao nhận thức về sở hữu trí tuệ, nhận thức của cộng đồng và doanh nghiệp đã có sự chuyển biến rõ rệt. Điều này được minh chứng thông qua số lượng đơn đăng ký quyền sở hữu công nghiệp ngày càng tăng. Tính đến hết tháng 8/2013, Chương trình 68 đã tiếp nhận được 144 đề xuất và đã tư vấn, hỗ trợ đăng ký bảo hộ sáng chế cho 60 giải pháp kỹ thuật. Bên cạnh đó, các hoạt động hỗ trợ xác lập quyền sở hữu công nghiệp đã phát triển mạnh hơn, đặc biệt là quyền sở hữu công nghiệp đối với các đặc sản của địa phương thông qua chương trình hỗ trợ địa phương trong việc đăng ký, khai thác, phát triển các nhãn hiệu thực thể, nhãn hiệu chứng nhận, chỉ dẫn địa lý cho các sản phẩm đặc sản của các vùng miền. Chương trình hoàn thành công tác điều tra, khảo sát thực tế tại 4 địa phương: Lạng Sơn (sản phẩm hoa hồi, Thái Nguyên (sản phẩm chè), Bình Thuận (sản phẩm Thanh Long), và Kiên Giang (nước mắm Phú Quốc). Cục Sở hữu trí tuệ với tư cách là đơn vị quản lý nhà nước có giải pháp nào nhằm duy trì hiệu quả những bước phát triển đã đạt được của Chương trình 68 sau khi chương trình kết thúc? Sau khi kết thúc chương trình, Cục sẽ triển khai công tác tổng kết đánh giá, rút kinh nghiệm để tìm ra những mô hình tuyên truyền nâng cao nhận thức cộng đồng về sở hữu trí tuệ đã phát huy hiệu quả; những mô hình hỗ trợ trong việc xác lập khai thác, phát triển tài sản trí tuệ. Theo tôi, thời gian tới chúng ta cần tập trung khai thác vào các kết quả nghiên cứu, những sáng chế đã được bảo hộ của người Việt Nam, sáng chế của người nước ngoài bảo hộ tại Việt Nam; Hỗ trợ cả việc nhập, nhận chuyển giao những sáng chế các nghiên cứu mới của nước ngoài phục vụ phát triển kinh tế xã hội của đất nước. Nhận thức của cộng đồng và doanh nghiệp về quyền sở hữu trí tuệ đã có sự chuyển biến rõ rệt. Xin ông đánh giá về hoạt động quản lý nhà nước của lĩnh vực sở hữu trí tuệ hiện nay? Nội dung quản lý nhà nước về sở hữu trí tuệ trong Luật Sở hữu trí tuệ đã quy định rõ ràng trách nhiệm của các bộ, ngành liên quan. Trong thời gian vừa qua, Bộ Khoa học và Công nghệ phối hợp Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã triển khai công tác quản lý nhà nước về sở hữu trí tuệ đối với 3 lĩnh vực: Quyền sở hữu công nghiệp, quyền tác giả và quyền đối với giống cây trồng mới. Đến thời điểm này, các cơ quan ban ngành đã triển khai đồng bộ những giải pháp và thu được những kết quả đáng ghi nhận. Việt Nam hiện đã có đầy đủ các hệ thống quy định pháp luật làm hành lang để hoạt động sở hữu trí tuệ được tổ chức thực hiện đồng bộ trên toàn quốc. Chúng ta đã xây dựng được Luật sở hữu trí tuệ sửa đổi năm 2009 và các Nghị định kèm theo. Chúng ta cũng xây dựng được hệ thống các cơ quan quản lý từ trung ương tới địa phương. Ở trung ương, Cục Sở hữu trí tuệ - Bộ Khoa học và Công nghệ được giao quản lý về sở hữu công nghiệp. Cục Bản quyền tác giả - Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch được giao quản lý về quyền tác giả và các quyền liên quan. Cục Trồng trọt- Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn được giao quản lý các đối tượng giống cây trồng mới. Tại địa phương, các Sở Khoa học và Công nghệ đã thực hiện tham mưu giúp UBND tỉnh, thành phố trong công tác quản lý nhà nước về sở hữu trí tuệ trên địa bàn. Như ông vừa chia sẻ, hiện chúng ta đang có một hệ thống quản lý nhà nước về sở hữu trí tuệ rất chặt chẽ từ cấp Trung ương tới địa phương, song trên thực tế, công tác quản lý sở hữu trí tuệ trong những năm qua còn gặp rất nhiều khó khăn. Vậy theo ông nguyên nhân là do đâu? Công tác quản lý nhà nước hiện đang gặp rất nhiều khó khăn do nhận thức của xã hội, cộng đồng và các doanh nghiệp còn hạn chế mặc dù các cơ quan chức năng đã tổ chức nhiều hoạt động tuyên truyền, nâng cao nhận thức của xã hội và cộng đồng. Hiện nay, trên các cơ quan báo chí, truyền hình đều có những chương trình tuyên truyền về sở hữu trí tuệ. Các địa phương cũng có những chương trình sở hữu trí tuệ và cuộc sống nhưng hiệu quả vẫn chưa được rõ rệt. Một khó khăn nữa là nhân lực cho công tác quản lý nhà nước về sở hữu trí tuệ đang rất thiếu. Ngay cả Cục Sở hữu trí tuệ hiện cũng đang thiếu nguồn nhân lực đối với các cơ quan hỗ trợ Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ trong quản lý sở hữu trí tuệ. Đến nay, Việt Nam cũng chưa có các tổ chức đào tạo huấn luyện chuyên sâu về sở hữu trí tuệ như một số quốc gia đã có. Do vậy, việc đào tạo lực lượng thực thi trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ ở các cấp là vấn đề cấp bách hiện nay của ngành. Hiện nay Cục sở hữu trí tuệ đang lưu giữ một lượng sáng chế rất lớn. Ông có thể cho biết cụ thể hơn việc khai thác nguồn sáng chế này như thế nào? Thực tế thì trước đây chúng tôi lưu giữ những thông tin về sáng chế bằng những thiết bị như băng, đĩa, CD-Rom, bản giấy... nhưng hiện nay, thông tin này đã được số hóa. Cộng đồng và doanh nghiệp có thể khai thác trên mạng internet. Bên cạnh đó, để các đơn vị và cá nhân có thể khai thác tốt nhất những thông tin quý báu này, Cục đã thành lập một phòng đọc để những người có nhu cầu tìm hiểu có thể đến khai thác thông tin. Sắp tới, Cục Sở hữu trí tuệ sẽ mở dịch vụ tra cứu thông tin hoặc cử chuyên gia tư vấn đến những đơn vị cá nhân có yêu cầu. Cục cũng sẽ tổ chức các lớp tập huấn cho những đơn vị cá nhân. Trân trọng cảm ơn ông!
|