|
|||
Tuy nhiên theo các chuyên gia về SHTT, ở nước ta xã hội cũng như các đơn vị sáng tạo hay người dân còn chưa nhận thức đầy đủ và chính xác về hoạt động này, từ những khái niệm cơ bản cũng như những con số thống kê hay mục đích và cách tiếp cận quyền SHTT. Giảm chi phí và rủi ro Theo Cục trưởng Cục SHTT (Bộ KH&CN), trong năm 2013, đáng mừng là các đối tượng SHTT của Việt Nam về đăng ký, xác lập quyền bảo hộ đã tăng lên. Trong đó, đối tượng quan trọng là đơn sáng chế của người Việt Nam lần đầu tiên đã vượt ngưỡng 400 đơn, trong tổng số hơn 4.000 đơn nộp tại Việt Nam. Về giải pháp hữu ích, có 227 đơn của người Việt Nam trong hơn 600 đơn được nộp; 59 văn bằng bảo hộ đã được cấp cho người Việt Nam trong hơn 1.200 văn bằng. Ngoài ra, hoạt động đăng ký ở nước ngoài cũng được mở rộng với 115 đơn, gồm 12 sáng chế, 103 nhãn hiệu. Tuy nhiên, ông Nguyễn Văn Bảy, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và đào tạo, Cục SHTT, lưu ý: Nhiều khi các số liệu không thể hiện bản chất của vấn đề. Những số liệu trên có thể không đầy đủ. Đơn đăng ký có thể được nộp theo nhiều cách thức, qua hệ thống hợp tác sáng chế của Tổ chức SHTT thế giới (WIPO) hoặc nộp trực tiếp tới từng nước. Với cách thức thứ hai thì việc có số liệu cụ thể và tra cứu là không dễ dàng. Còn nếu qua WIPO, một đơn có thể được nộp cho rất nhiều nước cùng một lúc và Cục SHTT có thể có số liệu thống kê không mấy khó khăn. Với đăng ký nhãn hiệu, tương tự, việc nộp đơn cũng có thể thực hiện theo Thỏa ước Madrid do WIPO quản lý. Đơn nộp tới đây sẽ tự động được gửi cùng lúc tới hệ thống SHTT của hơn 50 nước để được xem xét bảo hộ. Với cách thức này, đơn đăng ký còn được Cục đánh giá sơ bộ xem có bị trùng lặp, có bảo đảm để được chấp nhận hay không, trước khi gửi đi đăng ký. Như vậy, người nộp đơn có thể giảm thiểu được rất nhiều chi phí và rủi ro. Ngoài ra, ông Nguyễn Văn Bảy lưu ý thêm, nếu như có thống kê năm nào đó không có đơn nào được nộp, thì đó hoàn toàn có thể là kết quả hoạt động sáng tạo của các năm trước đó chứ không phải năm tiến hành thống kê. Với khái niệm "bị mất" quyền bảo hộ, Phó Cục trưởng Cục SHTT Hoàng Văn Tân cũng phân tích một số điểm chưa thấu đáo về vấn đề này. Theo đó, chưa thể gọi là "bị mất" khi quyền bảo hộ chưa được đăng ký bởi về nguyên tắc, quyền này chỉ được xác lập sau khi được đăng ký. Ông Hoàng Văn Tân nêu ví dụ, ở Mỹ, nơi có hàng triệu Việt kiều, có thể xuất hiện nhiều nhãn hiệu được đăng ký rất giống hoặc bị trùng tại Việt Nam. Nhưng vì những nhãn hiệu đó chưa được người Việt Nam đăng ký ở Mỹ nên không thể gọi là bị mất. Cần được tiếp cận chính xác Cục SHTT cũng cho biết, thời gian qua, số đơn đăng ký xác lập quyền bảo hộ tăng lên song số vụ vi phạm và các vấn đề phải xử lý cũng tăng cao. Ông Nguyễn Văn Bảy cảnh báo, trong thời gian tới, khi các doanh nghiệp nhà nước đẩy mạnh cổ phần hóa, rất nhiều tranh chấp phức tạp có thể xảy ra. Ví dụ được đưa ra là Tổng Công ty Vinaconex với nhãn hiệu Vinaconex đã được bảo hộ. Tuy nhiên, khi cổ phần hóa, từng công ty có tư cách pháp nhân trong đó cũng lấy tên Vinaconex và thêm các con số 1, 2, 3. Vấn đề đặt ra là, công ty đó có mối quan hệ gì về SHTT với chủ sở hữu nhãn hiệu đó không? Nhãn hiệu đó có phải của công ty đó hay không? Điều này, theo ông Nguyễn Văn Bảy, nếu không xác định cẩn thận sẽ gây nên những tranh chấp phức tạp về sau. Các chuyên gia cũng lưu ý rằng, các doanh nghiệp, trước khi theo đuổi một dự án bảo hộ cần xem xét kỹ mục đích và cân nhắc kỹ lợi hại để không rơi vào tình trạng hao tổn về thời gian, tiềm lực và con người. Ông Trần Lê Hồng, Giám đốc Trung tâm Thông tin, Cục SHTT nhấn mạnh: Các vấn đề về quyền SHTT rất phức tạp, cần được tiếp cận chính xác, nếu không sẽ "lợi bất cập hại". |