Bản in
Sinh viên Việt chế tạo đạn nhiễu làm lá chắn chiến hạm
Sinh viên Học viện Kỹ thuật Quân sự chế tạo thành công hệ thống Module phóng đạn rải nhiễu PK-10, tăng cường khả năng phòng thủ cho các tàu chiến hải quân.

Hệ thống phóng đạn rải nhiễu này khá phức tạp thường phải nhập khẩu từ nước ngoài. Tuy nhiên, gần đây, các sinh viên của Học viện Kĩ thuật Quân sự đã tiến hành đề tài nghiên cứu chế tạo module phóng đạn rải nhiễu cho hệ thống phóng mồi bẫy PK-10 trang bị trên các tàu chiến của Hải quân Việt Nam. Thông tin này được tiết lộ trên bài viết của báo Quân đội Nhân dân.

Phóng các loại đạn rải nhiễu gây mất đường ngắm của các loại vũ khí chống tàu (như tên lửa) dẫn đường bằng radar hay quang học có ý nghĩa cực kỳ quan trọng trong việc đảm bảo sự sống còn của tàu chiến khi hoạt động tác chiến trên biển. Gây nhiễu làm chệch mục tiêu được xem là chốt chặn cuối cùng để tàu chiến thoát khỏi sự công kích của tên lửa chống hạm khi mọi nỗ lực đánh chặn bất thành.

PK-10 là hệ thống mồi bẫy được thiết kế bởi Tập đoàn Tên lửa Chiến dịch – Chiến thuật (KTRV) Nga, dùng để chống lại các loại vũ khí chống tàu dẫn đường bằng radar hay quang-điện.

Hệ thống được bố trí ở hai bên mạn tàu, mỗi module phóng được trang bị từ 2-4 ống phóng đối với các tàu chiến cỡ nhỏ hoặc 8-16 ống phóng đối với tàu chiến trung bình hoặc cỡ lớn.

PK-10 có thể phóng loại đạn gây nhiễu radar A3-SR-50 hoặc đạn gây nhiễu quang điện A3-SO-50/A3-SOM-50. Mỗi ống phóng có đường kính 120mm, dài 1.220mm, trọng lượng 25kg.

Hệ thống được điều khiển từ xa thông qua một trạm điều khiển bên trong tàu. Hệ thống có thể phòng cùng lúc nhiều loại đạn gây nhiễu khác nhau để đối phó với các vũ khí có cơ chế dẫn đường khác nhau. Hiện tại hệ thống PK-10 đang được trang bị trên tàu tên lửa cao tốc Project 1241.8 Molnyia, Project 1241RE, TT-400TP, Svetlyak của Hải quân Nhân dân Việt Nam.

Việc nghiên cứu chế tạo thành công module phóng đạn rải nhiễu PK-10 là một bước đột phá lớn của ngành công nghiệp quốc phòng Việt Nam trong việc từng bước làm chủ công nghệ để chế tạo các thiết bị liên quan cho hoạt động gây nhiễu bảo vệ tàu chiến.

Hình ảnh đồ họa Module PK-10.

Từ cơ sở thành công của hệ thống PK-10 có thể tiến đến chế tạo module phóng đạn rải nhiễu cho hệ thống PK-16 đang được sử dụng trên tàu hộ vệ tên lửa Gepard-3.9. Một khi đã làm chủ được công nghệ có thể tiến đến việc sản xuất các loại đạn gây nhiễu mới phù hợp với sự biến đổi không ngừng của các loại vũ khí tấn công dẫn đường từ xa.

Được biết, đề tài này của sinh viên Học viện Kỹ thuật quân sự là một trong 151 đề tài nghiên cứu của học viên, sinh viên tham dự Hội nghị Tuổi trẻ sáng tạo khoa học của Học viện Kỹ thuật quân sự (KTQS).

Đại tá, PGS.TS Mai Quang Huy, Phó chủ nhiệm Khoa Vũ khí cho biết, năm 2014, Khoa Vũ khí có 12 đề tài nghiên cứu của học viên tham dự Hội nghị TTSTKH của Học viện. Số lượng đề tài so với các năm trước có giảm hơn, nhưng chất lượng vẫn được giữ vững và có mặt được nâng lên đáng kể.

Trong đó có một số đề tài mang tính thực tiễn cao như: Nghiên cứu thiết kế chế tạo module phóng đạn rải nhiễu PK10 cho tàu hải quân; Tính toán, thiết kế cơ cấu phát hỏa cho súng ngắn bắn dưới nước 4 nòng tự động bắn phát một; Tính toán thiết kế cơ cấu tách rải nhiễu của tên lửa rải nhiễu PK10; Nghiên cứu và chế tạo thỏi nhiên liệu tên lửa dùng cho tên lửa mô hình Aerotech RMS được đánh giá cao về phương pháp nghiên cứu và tính ứng dụng trong thực tiễn.

PK-10 do Nga sản xuất gắn trên tàu chiến.

PK-10 được kích hoạt tạo ra màn chắn cho tàu chiến.

Tàu tên lửa Molniya của hải quân Việt Nam được trang bị PK-10.

Tuần dương hạm Moskva khổng lồ của Hạm đội Biển Đen (Nga) sử dụng PK-10 làm lá chắn cuối cùng.