Bản in
Tháo gỡ những khó khăn trong việc định giá, quản lý tài sản trí tuệ
“Việc chuẩn bị ban hành Thông tư hướng dẫn định giá đối với tài sản trí tuệ sử dụng ngân sách Nhà nước có thể sẽ tạo ra một bước đột phá mới, có ảnh hưởng lớn đến hoạt động Sở hữu trí tuệ nói chung và việc quản lý tài sản trí tuệ nói riêng”. Ông Phạm Hồng Quất - Phó Cục trưởng Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp KH&CN cho biết tại Hội thảo “Kỹ thuật xác định giá trị tài sản trí tuệ” được tổ chức mới đây tại Hà Nội.

- Ông có thể cho biết nội dung chính  hội thảo tập trung vào những vấn đề mấu chốt nào?

Ông Phạm Hồng Quất- Phó Cục trưởng Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp KH&CN: Nội dung tập trung vào việc tìm ra những cơ sở, căn cứ khoa học và thực tiễn để đưa vào Thông tư hướng dẫn định giá tài sản trí tuệ có sử dụng ngân sách Nhà nước, nhằm tạo một hành lang pháp lý cụ thể và đầy đủ, đặc biệt vào thời điểm Luật KH&CN sẽ có hiệu lực vào đầu năm 2014. Đây được xác định như là một văn bản mang tính then chốt nhằm tháo gỡ những nút thắt, những khó khăn trong việc các cơ quan quản lý tài sản trí tuệ thuộc sở hữu Nhà nước.

- Hiện nay, tài sản trí tuệ vốn đã khó xác định, để thẩm định nó còn khó hơn nữa. Vậy theo ông làm thế nào để có thể triển khai việc định giá và thẩm định tài sản trí tuệ một cách hiệu quả nhất?

Trước tiên,  tại điều 41, 43 trong Luật KH&CN có hai căn cứ pháp lý vô cùng quan trọng nêu rõ nhà nước thống nhất giao quyền sở hữu cho các tổ chức chủ trì hoặc các doanh nghiệp KH&CN có toàn quyền quyết định giá trị hàng hoá đó để đem đi liên doanh, liên kết thành lập các công ty mới.

Thứ 2, Thông tư  hướng dẫn định giá đối với tài sản trí tuệ sử dụng ngân sách Nhà nước  cùng các Nghị định, hướng dẫn sẽ đưa ra các kỹ thuật, những quy trình, thủ tục cụ thể giúp cho các viện, trường, các cơ quan quản lý kết quả  thực hiện việc giao quyền, định giá và thương mại hoá một cách bài bản, thống nhất, tránh thất thoát tài sản Nhà nước, đồng thời, giúp các nhà khoa học có thể khai thác những lợi ích đạt được.

Song song với hai văn bản Nghị định và Thông tư hướng dẫn về vấn đề chuyển giao quyền và định giá, Bộ KH&CN còn có một số chương trình Quốc gia đi kèm và hỗ trợ như Chương trình 68 (Chương trình hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ) sẽ giúp hình thành các văn phòng SHTT tại các viện, các trường.

Vừa qua, Cục được Bô giao chủ trì và triển khai Chương trình phát triển thị trường công nghệ mới được Thủ tướng ký quyết định. Chương trình này sẽ giúp cho họ hình thành hệ thống tổ chức TLO
(Các văn phòng, trung tâm về chuyển giao công nghệ). Đó sẽ là nơi tư vấn tốt nhất về thị trường, về đàm phán và định giá các tài sản trí tuệ.

- Chức năng và vai trò của các văn phòng đó đã rõ ràng rồi, còn về số lượng thì các văn phòng có đủ để đáp ứng được nhu cầu thực tiễn ở Việt Nam hiện nay không, thưa ông?

Phải thú thực là các văn phòng SHTT và các tổ chức TLO mới manh nha hình, chứ chưa trở thành một hệ thống và cũng chưa thực sự là những văn phòng có năng lực để hội nhập quốc tế.

Như tôi đã đề cập trong hội thảo, hiện nay có một tổ chức gồm hơn 250 trường đại học lớn đã thành lập hiệp hội các văn phòng TLO rất lớn tạo ra các giá trị khổng lồ, nắm trong tay rất nhiều doanh nghiệp lớn. Đáng tiếc là hiện giờ Việt Nam vẫn chưa tham gia tổ chức này.

Hy vọng rằng với cú hích về mặt pháp lý cũng như về mặt hỗ trợ kỹ thuật, những tổ chức của chúng ta sẽ đủ tầm để tham gia sân chơi này.

- Số lượng ít như vậy, nhưng nhu cầu trên cả nước về xác định, thẩm định tài sản trí tuệ lại khá lớn. Vậy theo ông chúng ta sẽ giải quyết vấn đề này như thế nào?

Chúng tôi sẽ tận dụng tối đa tất cả các doanh nghiệp về thẩm định giá hiện có. Mặc dù hiện nay chúng ta quen với thẩm định giá hữu hình nhiều hơn nhưng phần nào, họ cũng đã có nghiệp vụ về thẩm định giá tài sản nói chung, trong đó có tài sản vô hình. Tài sản trí tuệ là một nhóm loại trong đó và có thể giúp cho các trường ước tính các giá trị cơ bản.

Thứ 2, chúng tôi cũng sẽ tận dụng các đơn vị sự nghiệp mà chính Bộ KH&CN đã lập ra trước đây như Viện Khoa học SHTT, Viện đánh giá khoa học và định giá công nghệ. Những đơn vị này sẽ là những đơn vị nòng cốt về phía Bộ KH&CN, còn các Bộ, ngành khác cũng hoàn toàn có thể đặt ra các tổ chức tương tự để hỗ trợ hệ thống quản lý tài sản trí tuệ Nhà nước.

- Ở phía góc độ Cục, ông đã thấy được những khó khăn lớn nào mà Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp KH&CN sẽ phải giải quyết khi bắt đầu triển khai Thông tư này?

Đối tượng chính của Thông tư này là các viện, các trường, các uỷ ban nhân dân và các bộ, ngành. Bởi vậy nên những nhà khoa học, nhà quản lý khoa học vẫn chưa quen với thị trường, với những khái niệm thuộc về kinh tế thị trường. Bởi thế, chúng tôi sẽ phải đối mặt với các thách thức cần làm rõ những khái niệm, nghiệp vụ, cách triển khai như thế nào với những đối tượng đó.

- Ông kỳ vọng như thế nào về tác động của Thông tư này đối với sự phát triển của thị trường KHCN cũng như các doanh nghiệp KHCN?

Tôi cho rằng nếu chúng ta tháo gỡ được về mặt pháp lý và mặt hệ thống tổ chức thực hiện thì chúng ta sẽ tạo ra được bước đột phá lớn. Các viện, trường, các nhà khoa học sẽ có nhiều thuận lợi hơn, thu nhập khá hơn nhờ việc được giao quyền cho sở hữu tài sản trí tuệ do chính mình tạo ra. Đồng thời còn góp phần thúc đẩy sự phát triển của doanh nghiệp KH&CN, doanh nghiệp khởi nghiệp, doanh nghiệp vừa và nhỏ ở các địa phương…

Tôi cho rằng mục tiêu đặt giá trị giao dịch công nghệ từ 15-17% từ nay đến 2015 là hoàn toàn có thể đạt được nếu chúng ta thực sự sự nỗ lực về mặt thực hiện cũng như về mặt cơ chế pháp lý.

Xin cảm ơn ông!

Mai Ly