Bản in
Bắc Giang tiếp tục đẩy mạnh phát triển tài sản trí tuệ
Các dự án về bảo hộ, quản lý và phát triển tài sản trí tuệ đối với sản phẩm đặc thù của địa phương từ Chương trình 68 đã mang lại nhiều kết quả tích cực tại Bắc Giang như: Tạo được sự đồng thuận và quan tâm của các cấp, các ngành từ trung ương đến địa phương đối với việc nâng cao năng suất, chất lượng và mở rộng quy mô sản xuất của địa phương; tạo cơ hội huy động nguồn lực trong sản xuất; tạo công ăn việc làm và thu nhập cho hàng vạn hộ nông dân.

Đó là nhận định của ông Nguyễn Văn Xuất – Phó Giám đốc Sở KH&CN tỉnh Bắc Giang, Sở có nhiều sản phẩm được cấp văn bằng chỉ dẫn địa lý và đăng ký bảo hộ như: Vải thiều Lục Ngạn, gà đồi Yên Thế, mỳ Chũ…

Đẩy mạnh đăng ký bảo hộ các sản phẩm nông nghiệp

Nông sản Việt Nam, đặc biệt là các đặc sản ở các địa phương luôn được người tiêu dùng trong và ngoài nước ưa chuộng và đánh giá cao. Đây cũng là loại sản phẩm được coi là một trong những đối tượng ưu tiên của Chương trình 68 với mục đích đưa các nông sản Việt Nam đến với thị trường nước ngoài. Tuy nhiên, giá bán của các sản phẩm đó trên thị trường Việt Nam thường không tương xứng với chất lượng và tính đặc thù riêng của từng sản phẩm, mà người nông dân chủ yếu vẫn bán dưới dạng sản phẩm thô. Chính nhờ có sở hữu trí tuệ, mà cụ thể là xác định rõ chỉ dẫn địa lý, một số đặc sản của Việt Nam đã xây dựng được thương hiệu khá vững chắc, tăng sản lượng và giá bán sản phẩm, nâng cao tính cạnh tranh của sản phẩm, đặc biệt còn góp phần tạo cơ hội giúp các sản phẩm vươn ra các thị trường lớn như Mỹ, Pháp, Nhật…

Sản phẩm nông nghiệp đã được đăng ký bảo hộ chỉ dẫn địa lý của Bắc Giang cũng không nằm ngoài quy luật này. Sở KH&CN Bắc Giang có lẽ hơn ai hết cũng đã hiểu rõ được tác dụng tích cực của việc hỗ trợ xác lập đăng ký chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận đối với các sản phẩm nông nghiệp của địa phương. Điều này giúp lãnh đạo tỉnh có nhận thức rõ ràng và đúng đắn về vai trò của sở hữu trí tuệ và việc phát triển tài sản trí tuệ để có thể xây dựng cách thức cũng như mô hình quản lý phù hợp, nhằm phát huy được tiềm năng to lớn của các sản phẩm nông nghiệp nơi đây. Theo đó, việc xây dựng chỉ dẫn địa lý cho các sản phẩm là việc làm cần thiết để xác định tên tuổi và chỗ đứng trên thị trường trong và ngoài nước. Xây dựng chỉ dẫn địa lý là một chiến lược phối hợp đồng bộ tất cả các khâu trong sản xuất như: chọn giống, kỹ thuật chăm sóc, sử dụng phân bón, phòng trừ sâu bệnh và bảo quản sau thu hoạch…

Cho đến nay, Bắc Giang đã có tất cả 18 trên 22 sản phẩm được cấp văn bằng bảo hộ, trong đó, có một sản phẩm chỉ dẫn địa lý được bảo hộ là vải thiều Lục Ngạn, một sản phẩm được bảo hộ dưới hình thức nhãn hiệu chứng nhận là gà đồi Yên Thế và 16 sản phẩm đã được bảo hộ dưới hình thức nhãn hiệu tập thể. Đối với doanh nghiệp trước năm 2005, có 123 sản phẩm được cấp văn bằng bảo hộ, đến nay con số này đã lên đến 435 sản phẩm. Bắc Giang đã làm thủ tục đăng ký sản phẩm vải thiều tươi và được các nước chấp nhận đơn đối với chỉ dẫn địa lý vải thiều Lục Ngạn ở 5 nước: Trung Quốc, Lào, Campuchia, Hàn Quốc và Nhật Bản. Dự kiến đầu năm 2014, tỉnh sẽ đăng ký cho sản phẩm nhãn hiệu chứng nhận gà đồi Yên Thế tại 3 nước: Trung Quốc, Lào và Campuchia. Các sản phẩm khác sẽ được xem xét và từng bước có thể tiếp tục xin bảo hộ ở nước ngoài vào những năm sau. Sở KH&CN Bắc Giang đã xác định được các sản phẩm chủ lực cho địa phương, các huyện để có cơ hội đầu tư ứng dụng chuyển giao công nghệ nhằm mở rộng quy mô, tức là tạo ra khối lượng sản phẩm lớn và có chất lượng tốt. Ngoài ra, Sở cũng đã tập trung các nguồn lực để nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm cả về quy mô và chất lượng.

Để quản lý và phát triển tốt các sản phẩm đã được bảo hộ, theo ông Nguyễn Văn Xuất, cần tập trung tuyên truyền các quy định của pháp luật có liên quan, phổ biến để nâng cao nhận thức đối với vai trò, lợi ích và trách nhiệm của các chủ sở hữu và người tiêu dùng; quảng bá rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng, các ấn phẩm của Sở, của tỉnh để giúp người tiêu dùng biết và tiếp cận các sản phẩm đã được bảo hộ. Tiếp theo, cần đầu tư nghiên cứu thông qua các đề tài, dự án để nâng cao chất lượng sản phẩm; tăng cường kiểm tra, giám sát các sản phẩm đã được bảo hộ để chống lại các hành vi giả mạo, xâm phạm nguồn gốc, chất lượng sản phẩm.

Tích cực tham gia thực hiện Chương trình 68 thông qua các dự án

Trong thời gian qua, Bắc Giang là một trong những tỉnh rất tích cực tham gia thực hiện Chương trình 68, bởi vậy cũng đã huy động được sự quan tâm và hỗ trợ của các cấp, các ngành để đăng ký bảo hộ các sản phẩm, đặc biệt là sản phẩm nông nghiệp.

Ông Nguyễn Văn Xuất cho biết, trong những năm qua, Bắc Giang đã được Bộ KH&CN, trực tiếp là Cục SHTT hỗ trợ khá nhiều các dự án quan trọng như: Dự án “Xây dựng chỉ dẫn địa lý vải thiều Lục Ngạn” vào năm 2007-2008; “Quản lý và phát triển chỉ dẫn địa lý vải thiều Lục Ngạn” vào năm 2010-2011; “Xây dựng và quản lý nhãn hiệu chứng nhận gà đồi Yên Thế” vào năm 2010-2011; hai dự án tuyên truyền “Sở hữu trí tuệ và cuộc sống” năm 2009-2011; Dự án “Xây dựng quản lý và phát triển nhãn hiệu tập thể gạo thơm Yên Dũng” 2013-2014. Và mới đây nhất là dự án “Xây dựng quản lý và phát triển nhãn hiệu chứng nhận miến dong Sơn Động” sẽ được thực hiện năm 2014-2015. Ngoài ra, bằng nguồn ngân sách của các huyện, tỉnh đã tiến hành triển khai xây dựng và quản lý đối với một số dự án bảo hộ sản phẩm dưới hình thức nhãn hiệu tập thể như: Rau cần Hiệp Hòa, bưởi Diễn Lục Ngạn, cam Đường Canh Lục Ngạn, bưởi Diễn Lương Phong – Hiệp Hòa, miến dong Sơn Động.

Ông Nguyễn Văn Xuất khẳng định, các dự án về bảo hộ, quản lý và phát triển tài sản trí tuệ đối với sản phẩm đặc thù của địa phương từ Chương trình 68 đã mang lại nhiều kết quả tích cực: Tạo được sự đồng thuận và quan tâm của các cấp, các ngành từ trung ương đến địa phương đối với việc nâng cao năng suất, chất lượng và mở rộng quy mô sản xuất của địa phương; tạo cơ hội huy động nguồn lực trong sản xuất.

Có thể lấy ví dụ về nhãn hiệu chứng nhận gà đồi Yên Thế sau khi đăng ký bảo hộ đã được nguyên Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân trực tiếp chỉ đạo UBND tỉnh Bắc Giang phối hợp với UBND thành phố Hà Nội quản lý và cung cấp gà cho thành phố. Theo đó, vào dịp Tết nguyên đán năm 2013, tỉnh Bắc Giang đã cung cấp cho thành phố Hà Nội trên 3 triệu con gà. Thời điểm này, nhân dân Yên Thế đang tích cực chuẩn bị nguồn gà để cung cấp cho thành phố Hà Nội nhân dịp tết nguyên đán 2014 sắp tới. Ước tính số lượng từ 3,5-4,0 triệu con. Bên cạnh đó, các sản phẩm được đăng ký bảo hộ khác cũng đều đạt hiệu quả kinh tế cao. Chẳng hạn, vải thiều Lục Ngạn từ khi được đăng ký bảo hộ (17.017 ha) đã có giá bán cao hơn so với sản phẩm cùng loại không được bảo hộ từ 50-100%. Đặc biệt, vải thiều đã được bảo hộ và sản xuất theo hướng VietGap (6.700 ha trong tổng số 17.017 ha) lại có giá bán cao hơn đối với vải thiều chỉ đăng ký bảo hộ từ 23-28%. Như vậy, vải thiều đã bảo hộ và sản xuất theo hướng VietGap có giá trị kinh tế cao hơn so với vải thiều không được bảo hộ từ 73-128%.

Về hiệu quả xã hội, các dự án trên đã giúp tạo công ăn việc làm và thu nhập cho hàng vạn hộ nông dân trong tỉnh. Ở Yên Thế có trên 17.000 hộ chăn nuôi với tổng thu nhập từ việc bán gà lên đến 1.200-1.500 tỷ đồng hàng năm. Còn tại Lục Ngạn, tổng thu nhập của khoảng 30.000 hộ nông dân hàng năm từ 1.000-1.200 tỷ đồng nhờ sản phẩm vải thiều. Theo ông Nguyễn Văn Xuất, kết quả của Chương trình 68 đã góp phần thực hiện quy hoạch và mở rộng quy mô sản xuất đối với các sản phẩm. Vì quy mô sản xuất càng lớn cũng đồng nghĩa với việc tạo ra được khối lượng sản phẩm lớn để đáp ứng nhu cầu của khách hàng thu mua số lượng lớn và ổn định.

Phó Giám đốc Sở KH&CN Bắc Giang đánh giá các dự án của Chương trình 68 thực hiện tại địa phương đã thực sự góp phần ổn định và nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm; nâng cao hiệu quả lao động của người sản xuất; mang lại hiệu quả kinh tế; tạo cơ hội đầu tư ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật và mở rộng quy mô sản xuất để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm; góp phần mang lại lợi ích thiết thực trong việc phát triển bền vững kinh tế - xã hội.

Phương Ly