Bản in
Doanh nghiệp mong muốn được tiếp cận gần SHTT
Sau khi gia nhập WTO, vấn đề phát triển tài sản trí tuệ và thực thi quyền SHTT ngày càng tỏ rõ vai trò quan trọng. Tuy nhiên, hiện công tác này vẫn chưa được thực hiện một cách đồng bộ, nhiều giải pháp. Một bộ phận không nhỏ các doanh nghiệp, đặc biệt là khối ngành kinh doanh và dịch vụ còn chưa thật sự quan tâm đến việc phát triển tài sản trí tuệ và còn chưa gặp nhiều thuận lợi khi cần tiếp cận mảng này.

Đó là chia sẻ của ông Trần Anh Khiêm, Giám đốc kinh doanh  Công ty TNHH Công nghệ thiết bị y tế Bắc Việt- Đơn vị có nhiều sáng chế và kiểu dáng được bảo hộ. 

Chú trọng đầu tư KH&CN

Công ty Bắc Việt được thành lập năm từ 2005, lĩnh vực hoạt động chính của Công ty là đơn vị sản xuất và kinh doanh trang thiết bị y tế. Sau gần 10 năm hình thành và phát triển, bằng những quyết tâm và nỗ lực không ngừng nghỉ, Bắc Việt đã vươn lên trở thành một đơn vị hàng đầu tại Việt Nam trong lĩnh vực nghiên cứu chế tạo, sản xuất trang thiết bị y tế, đặc biệt là các sản phẩm, các cấu kiện thuộc hệ thống khí y tế trung tâm.

Trang thiết bị y tế (TBYT) có vai trò hết sức quan trọng trong hoạt động khám chữa bệnh tại các bệnh viện và cơ sở y tế, tuy nhiên một thực trạng đáng buồn là hơn 80% TBYT dùng trong các cơ sở y tế hiện đều phải nhập khẩu. Trong khi đó, TBYT sản xuất trong nước vẫn luẩn quẩn với những mặt hàng đơn giản, thông thường, thiếu hàm lượng chất xám nên giá trị không cao.

Theo điều tra của Viện Trang thiết bị và công trình y tế, cả nước hiện có khoảng 1.000 bệnh viện ở các tuyến, hầu hết trang thiết bị y tế sử dụng trong các cơ sở khám chữa bệnh này đều là hàng nhập khẩu. Bởi vậy mỗi năm cả nước phải bỏ ra hàng ngàn tỷ đồng cho việc nhập khẩu các loại máy móc và TBYT.

Trước thực trạng đó, Bắc Việt đã tập trung đầu tư nghiên cứu và ứng dụng khoa học công nghệ, đưa ra những giải pháp tối ưu dựa trên cơ sở các sáng chế tự có để sản xuất và lắp đặt hệ thống khí y tế trung tâm. Hiện nay, các sản phẩm, các cấu kiện, các thiết bị… thuộc hệ thống khí y tế trung tâm do Bắc Việt sản xuất được đánh giá là có chất lượng tương đương và hoàn toàn thay thế được hàng nhập khẩu. Sử dụng sản phẩm do Bắc Việt sản xuất sẽ nâng cao năng lực phục vụ của các bệnh viện, giảm đáng kể chi phí đầu tư ban đầu, ngoài ra sẽ thúc đẩy phát triển năng lực sản xuất trang thiết bị y tế trong nước, nâng cao trình độ ứng dụng khoa học kỹ thuật Việt Nam.

Tính tới thời điểm hiện tại, Công ty Bắc Việt đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp 23 văn bằng bảo hộ, trong đó có 7 văn bằng bảo hộ sáng chế, 16 văn bằng bảo hộ nhãn hiệu và kiểu dáng công nghiệp. Ngoài ra, Công ty Bắc Việt cũng đã ký một vài hợp đồng chuyển giao công nghệ từ phía đối tác Nhật Bản để sử dụng công nghệ của họ trong hoạt động sản xuất của mình.

Với những nghiên cứu và ứng dụng khoa học công nghệ trong hoạt động sản xuất, ngày 16/11/2012, Công ty Bắc Việt đã được Sở Khoa học & Công nghệ Hà Nội cấp Giấy chứng nhận Doanh nghiệp Khoa học & Công nghệ.

Mong muốn được tiếp cận SHTT

Ông Trần Anh Khiêm cho rằng, sau 5 năm thực hiện Chương trình hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ, do Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì (Chương trình 68 giai đoạn 2005-2010), nhìn chung chương trình đã đạt được một số thành tựu đáng kể, các Doanh nghiệp đã tự nâng cao nhận thức trong việc bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, từ đó chủ động xây dựng, khai thác phát triển và bảo vệ tài sản trí tuệ của mình. Ngoài ra, thông qua việc xác lập, khai thác, bảo vệ và phát triển tài sản trí tuệ, Doanh nghiệp đã bước đầu định hình được việc sử dụng công cụ sở hữu trí tuệ để nâng cao giá trị và tính cạnh tranh trên thị trường, đặc biệt giai đoạn này nhìn thấy rõ nhất, đó là một số doanh nghiệp và một số sản phẩm trong lĩnh vực nông nghiệp.

Chương trình 68 giai đoạn 2011-2015, tiếp tục triển khai theo chiều sâu và diện rộng các nội dung hỗ trợ phát triển TSTT đã triển khai trong giai đoạn 2005-2010, đồng thời mở ra những hoạt động mới, những hướng đi mới, tạo điều kiện hỗ trợ ngày một thiết thực hơn từ phía Nhà nước đối với địa phương, với tổ chức và cá nhân trong hoạt động xác lập, khai thác, quản lý, bảo vệ và phát triển tài sản trí tuệ.

Theo quyết định 761/QĐ-BKHCN ngày 09/4/2013, Công ty Bắc Việt cũng có 2 sáng chế được đưa vào danh mục các dự án thuộc chương trình hỗ trợ tài sản trí tuệ để tuyển trọn thực hiện trong 2 năm 2014-2015. Tuy nhiên, việc thực hiện cụ thể như thế nào thì vẫn phải chờ các hướng dẫn tiếp theo. Công ty Bắc Việt mong tiếp tục nhận được sự quan tâm và hỗ trợ từ phía Bộ KH&CN và Cục SHTT để các sáng tạo được bảo hộ, hướng dẫn khai thác một cách hiệu quả. Ông Khiêm chia sẻ.

Tuy nhiên, ông Trần Anh Khiêm cũng cho rằng, căn cứ thông tư 03/2011/TT-BKHCN hướng dẫn tuyển chọn và quản lý dự án thuộc chương trình hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ giai đoạn 2011-2015, dự án được tuyển chọn thuộc chương trình phải đáp ứng các tiêu chí: Tính thống nhất, tính bao quát và điển hình, tính khả thi, tính hiệu quả, trong đó rất chú trọng tới khả năng sử dụng chung, sử dụng cho nhiều doanh nghiệp hoặc nhiều địa phương.

Cũng theo quy định tại thông tư này, hồ sơ thủ tục cho việc đăng ký chủ trì dự án khá phức tạp, sau khi được xét duyệt, Doanh nghiệp phải ký hợp đồng với cơ quan quản lý nhà nước để chủ trì thực hiện dự án. Ngoài ra theo quy định Thông tư liên tịch số 112/2011/TTLT - BTC - BKHCN, nếu dự án không được nghiệm thu thì đơn vị chủ trì sẽ bị thu hồi kinh phí thực hiện.

Như vậy nhìn chung quy định tại thông tư 03/2011/TT-BKHCN sẽ phù hợp hơn khi áp dụng cho đối tượng sở hữu chung hoặc sở hữu nhà nước như chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu tập thể, hoặc tài sản trí tuệ được nghiên cứu từ nguồn vốn nhà nước. Còn đối với khối doanh nghiệp và cá nhân ngoài Nhà nước, chương trình này rất khó tiếp cận và chưa thấy lợi ích rõ ràng khi tham gia chương trình này.

Theo ông Khiêm, để khắc phục vấn đề này, đề nghị các cơ quan chức năng xem xét, mở rộng đối tượng được hỗ trợ tài chính, giảm bớt các giấy tờ thủ tục trong hồ sơ đăng kí. Như vậy nhìn chung, Chương trình ưu tiên hỗ trợ các đối tượng sở hữu chung hoặc sở hữu nhà nước như chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu tập thể, hoặc tài sản trí tuệ do đối tượng hưởng lợi là cộng đồng, người dân. Còn đối với khối doanh nghiệp và cá nhân ngoài Nhà nước, vẫn chưa được xem là đối tượng ưu tiên hỗ trợ từ chương trình. Để khắc phục vấn đề này, đề nghị các cơ quan chức năng xem xét, mở rộng đối tượng được hỗ trợ tài chính, đơn giản hóa các thủ tục để các doanh nghiệp có thể tham gia Chương trình một cách thuận lợi và dễ dàng hơn.

Ông Trần Anh Khiêm cho biết, trong thời gian tới, Bắc Việt sẽ tiếp tục tập trung đầu tư nghiên cứu và đổi mới công nghệ, sẵn sàng bỏ tiền để nhận chuyển giao công nghệ tiên tiến từ nước ngoài… nhằm sản xuất ra sản phẩm có chất lượng tương đương hoặc cao hơn so với hàng nhập khẩu. Sau khi sản xuất, sản phẩm sẽ được gửi đi kiểm định tại các đơn vị kiểm danh tiếng ở nước ngoài để thẩm định và khẳng định chất lượng, đồng thời cấp chứng nhận hợp chuẩn theo quy chuẩn quốc tế… xây dựng các chính sách sau bán hàng, chính sách cạnh tranh và phát triển thị trường.

Để có thể nâng cao giá trị và khả năng cạnh tranh của sản phẩm nói chung và tài sản trí tuệ nói riêng, việc chỉ sử dụng công cụ sở hữu trí tuệ như Chương trình 68 là chưa đủ, cần phải sử dụng đồng thời nhiều biện pháp khác như: Nghiên cứu kỹ thị trường để  xây dựng chiến lược kinh doanh phù hợp với doanh nghiệp; Thiết kế ra những sản phẩm phù hợp với nhu cầu của người tiêu dùng; Áp dụng khoa học công nghệ tiên tiến trong quá trình sản xuất; Xây dựng chiến lược thương hiệu phù hợp, Hỗ trợ áp dụng hệ thống quản lý chất lượng, hỗ trợ xúc tiến thương mại, hỗ trợ tạo lập thị trường…

 Bài, ảnh: Hoàng Anh