|
|||
Hạn chế chồng chất khó khăn Nguyên nhân chính là do chính sách đầu tư cho KH&CN hiện còn dàn trải, làm cho mỗi đề tài, dự án chỉ nhận được một khoản tiền rất nhỏ (14.000 tỷ đồng cho nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ mỗi năm chia cho đội ngũ 64.000 cán bộ) nên khó có thể triển khai đến kết quả hoàn thiện, đáp ứng yêu cầu ứng dụng và thương mại hóa. Ông Phạm Hồng Quất, Phó cục trưởng Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp KH&CN (Bộ KH&CN) nhận định, việc chậm thương mại hóa các tài sản trí tuệ phần lớn là do chính bản thân các tác giả nghiên cứu, sáng chế chưa chủ động khai thác thương mại sản phẩm của mình. Kết quả khảo sát tại các viện nghiên cứu, trường đại học cho thấy, sau khi hoàn thành đề tài, phần lớn các nhà nghiên cứu thường chuyển sang thực hiện các đề tài khác. Nghiên cứu đã được nghiệm thu thường không được chú ý khai thác các bước tiếp theo. “Từ năm 2005 đến hết năm 2011 chỉ có 153 hợp đồng chuyển nhượng quyền sở hữu sáng chế thành công và chỉ có 11 hợp đồng chuyển giao quyền sử dụng sáng chế thành công (li-xăng). Đặc biệt năm 2006, 2007 không có hợp đồng nào. Như vậy, mỗi năm số hợp đồng chuyển giao quyền sở hữu, quyền sử dụng được thực hiện thành công cũng chỉ khoảng 20-30 hợp đồng. So với yêu cầu 10% doanh nghiệp sản xuất (khoảng 13.000 doanh nghiệp) thực hiện đổi mới công nghệ mỗi năm, con số này còn quá khiêm tốn” ông Quất khẳng định. Doanh nghiệp là địa điểm chính để áp dụng khai thác tài sản trí tuệ nhưng Nghiên cứu của Bộ Khoa học và Công nghệ đã chỉ ra rằng, trình độ khoa học công nghệ và năng lực đổi mới trong doanh nghiệp còn thấp. Số lượng doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực khoa học - công nghệ còn rất ít. Số lượng nhà khoa học, chuyên gia làm việc trong các doanh nghiệp chỉ chiếm 0,025% trong tổng số lao động làm việc trong khu vực doanh nghiệp. Khoảng 80 - 90% máy móc và công nghệ sử dụng trong các doanh nghiệp của Việt Nam là nhập khẩu và 76% từ thập niên 1980 - 1990; 75% máy móc và trang thiết bị đã hết khấu hao. Tỉ lệ đầu tư đổi mới công nghệ của các doanh nghiệp Việt Nam chỉ đạt dưới 0,05% doanh thu. Trong khi đó, tỉ lệ đầu tư cho R&D/GDP tại một số quốc gia khác cao hơn rất nhiều: 3,57% tại Hàn Quốc, 1,7% tại Trung Quốc (năm 2009), Ấn Độ 0,76% (năm 2007). Đổi mới sáng tạo hay là chết “Chúng tôi cho rằng, câu khẩu hiệu không chỉ là “Đổi mới sáng tạo” mà phải là “Đổi mới sáng tạo hay là phá sản”, hay “Đổi mới sáng tạo hay là chết ". Vì vậy trong thời gian tới mong các nhà quản lý, khoa học cần dành sự quan tâm đặc biệt cho khoa học quyết liệt ứng dụng khoa học vào sản xuất kinh doanh. Tương lai của Việt Nam phụ thuộc rất nhiều vào hiệu quả của hoạt động đổi mới sáng tạo, làm sao để doanh nghiệp có khả năng tạo ra được những giải pháp mới bước vào thị trường", Bộ trưởng Nguyễn Quân bày tỏ. Thời gian qua, Việt Nam đã có nhiều chính sách và nỗ lực đầu tư để thúc đẩy hoạt động đổi mới công nghệ trong doanh nghiệp. Cùng với việc ban hành các Chương trình quốc gia với trọng tâm thúc đẩy nâng cao năng lực công nghệ của doanh nghiệp thông qua các hoạt động đổi mới quy trình và đổi mới sản phẩm công nghệ. Đồng thời đã nỗ lực hình thành thêm các kênh hỗ trợ tài chính theo hình thức Quỹ như Quỹ Phát triển KH&CN quốc gia, Quỹ Phát triển KH&CN của địa phương, Quỹ Phát triển KH&CN của doanh nghiệp, đặc biệt là Quỹ Đổi mới công nghệ quốc gia. Chương trình Đổi mới công nghệ quốc gia đến năm 2020 cũng đã được Chính phủ phê duyệt. Theo đó, mục tiêu đến năm 2015, số lượng doanh nghiệp thực hiện đổi mới công nghệ tăng trung bình 10%/năm, giai đoạn 2015–2020 tăng 15%, trong đó có 5% doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao; 100% doanh nghiệp sản xuất sản phẩm chủ lực, sản phẩm trọng điểm, sản phẩm quốc gia làm chủ và tạo ra được công nghệ tiên tiến để sản xuất sản phẩm; 30.000 kỹ sư, kỹ thuật viên và cán bộ quản lý doanh nghiệp nhỏ và vừa được đào tạo về quản lý công nghệ, quản trị công nghệ và cập nhật công nghệ mới và giai đoạn 2015 – 2020 đào tạo 80.000 lượt;… Các chuyên gia cho rằng để đổi mới công nghệ, Chính phủ và các cơ quan nhà nước đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế đang phát triển. Cần đảm bảo tính bền vững lâu dài của các chương trình, đề án tài chính phục vụ các hoạt động đổi mới công nghệ. Các quỹ đổi mới theo từng lĩnh vực cụ thể cần được hình thành để giải quyết các thách thức mang tính quốc gia. Việc đánh giá các dự án đổi mới một cách chi tiết là yếu tố quan trọng quyết định sự thành công. Cùng với đó, sở hữu trí tuệ phải được coi là định hướng chính cho các cơ chế tài chính đổi mới công nghệ để bắt kịp với các nước công nghệ tiên tiến; cần tăng cường các cơ chế phân phối của các Quỹ Đổi mới công nghệ thông qua việc liên tục giám sát và đánh giá các kết quả đổi mới; cần thiết lập các nền tảng quốc gia tích hợp hỗ trợ cả về tài chính lẫn kỹ thuật.
|