|
|||
Tuy nhiên theo nhận định của các chuyên gia, việc chuyển biến này chưa thực sự mạnh mẽ, vẫn còn ở mức độ khiêm tốn, thực tế vi phạm SHTT còn nhiều, tinh vi và phức tạp, vụ việc xâm phạm sở hữu công nghiệp ngày càng tăng. Vậy làm thế nào để đẩy mạnh thực thi quyền SHTT, đảm bảo quyền SHTT ở Việt Nam? Để giải đáp phần nào câu hỏi này, mới đây, tại Hà Nội, Bộ Khoa học và Công nghệ đã phối hợp cùng Phòng thương mại Hoa Kỳ, Đại sứ quán Hoa kỳ tại Việt Nam tổ chức Tọa đàm thực thi quyền SHTT nhằm đánh giá xu hướng thực thi quyền sở SHTT tại Việt Nam. Thực thi quyền SHTT hiệu quả- động lực mãnh mẽ cho sự phát triển KTXH Phát biểu tại buổi tọa đàm, Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Quốc Khánh cho rằng, SHTT đang đóng một vai trò quan trọng trong đời sống kinh tế-xã hội. Thực tế đã chứng minh quốc gia nào có một chính sách bảo hộ, thực thi quyền SHTT hiệu quả, nghĩa là quyền sở hữu trí tuệ được tôn trọng và bảo vệ ở mức cao sẽ là một động lực mạnh mẽ cho sự phát triển kinh tế xã hội, góp phần bảo vệ hoạt động cạnh tranh lành mạnh cho các doanh nghiệp và thúc đẩy sức sáng tạo trong cộng đồng. Vấn đề bảo đảm hiệu lực đối với các đối tượng sở hữu trí tuệ được bảo hộ đang là vấn đề quan ngại chung đối với các doanh nghiệp trong nước và quốc tế. Nhanh chóng nâng cao hiệu lực và hiệu quả của các biện pháp thực thi quyền SHTT, gồm cả biện pháp dân sự, hình sự, hành chính, hải quan đáp ứng các chuẩn mực quốc tế cũng là yêu cầu cấp bách trong tham gia các sân chơi chung về thương mại quốc tế trong xu hướng toàn cầu hóa hiện nay. Chia sẻ tại Phiên thảo luận: Xu hướng thực thi quyền SHTT- Quan điểm của Chính phủ, ông Nguyễn Văn Thủy- Đội trưởng Đội Kiểm soát bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ thuộc Cục Điều tra chống buôn lậu- Tổng cục Hải quan cho biết: Việt Nam là quốc gia có biên giới đường bộ và đường biển dài nên tình hình buôn bán, vận chuyển hàng giả, hàng nhái diễn ra khá phức tạp. Do đó, ngành Hải quan coi việc chống hàng giả, hàng nhái và bảo vệ quyền SHTT là một trong những nhiệm vụ trong tâm của toàn ngành. Để đảm bảo kiểm soát hàng hóa qua biên giới, trong đó có việc ngăn chặn hàng giả hàng nhái, cơ quan Hải quan đã phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng như Công an, Quản lý thị trường, Thanh tra KH&CN. Bên cạnh đó, Hải quan Việt Nam thường xuyên trao đổi, chia sẻ thông tin với Hải quan các nước, từ đó nắm bắt các thông tin về doanh nghiệp, hàng hóa xuất nhập khẩu. Đồng thời, ngành Hải quan còn áp dụng các biện về quản lý rủi ro để phân tích, phát hiện, xử lý và bắt giữ các đối tượng, sản phẩm vi phạm về quyền SHTT. Phiên thảo luận tại tọa đàm Tiếp tục hoàn thiện cơ chế về quyền SHTT Thực tế cho thấy tình trạng xâm phạm quyền SHTT còn rất đánh lo ngại, thậm chí ngày càng tinh vi và phức tạp hơn, các vụ việc cạnh tranh không lành mạnh ngày càng nhiều hơn và các vụ việc vi phạm quyền SHTT trong lĩnh vực công nghệ số internet ngày càng tăng đáng kể và điều này thực sự là gánh nặng của các cơ quan thực thi quyền của Việt Nam. Trong bối cảnh thương mại toàn cầu và trong bối cảnh chúng ta đang tiến hành các đàm phán song phương và đa phương hiệp định TPP thì vấn đề thực thi quyền SHTT trở nên là vấn đề được rất nhiều người quan tâm và quan trọng hơn bao giờ hết. Theo Bà Nguyễn Như Quỳnh- Phó Chánh Thanh tra Bộ KH&CN, để giải quyết những vấn đề đặt ra, cần phải tiếp tục hoàn thiện cơ sở pháp lý, hoàn thiện cơ chế để hoàn thiện thực thi quyền SHTT pháp luật; Cần tăng cường sự phối hợp giữa các cơ quan thực thi quyền SHTT vì đây là một điểm rất yếu của hệ thống thực thi quyền SHTT Việt Nam. Bên cạnh đó, tiếp tục áp dụng các biện pháp khác nhau để nâng cao nhận thức của cộng đồng về vai trò của SHTT, pháp lệnh thực thi quyền SHTT đồng thời cần thiết tiếp tục nâng cao vai trò của cơ quan thực thi, năng lực của cơ quan thực thi; cũng tiếp tục gắn kết với chủ thể, và nâng cao vai trò Hợp tác quốc tế về SHTT. Cũng theo Thứ trưởng Trần Quốc Khánh: bảo vệ và thực thi hiệu quả quyền SHTT là một nội dung quan trọng được nhiều quốc gia quan tâm, đưa ra tại các cuộc đàm phán thương mại song phương và đa phương. Bởi vậy, với Việt Nam, đây không chỉ là yêu cầu của quốc tế mà còn là điều kiện cần thiết cho sự phát triển bền vững của nền kinh tế. Nhận thức rõ điều này, chính phủ Việt Nam đã và đang nỗ lực hoàn thiện cơ chế, chính sách pháp luật về bảo hộ và thực thi quyền SHTT. Tuy nhiên, trong quá trình thực tiễn triển khai còn tồn tại nhiều khó khăn trong công tác quản lý và cũng từ nhận thức của cộng đồng về vấn đề này còn hạn chế. Thứ trưởng nhấn mạnh, Việt Nam đã gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới với nhiều thách thức và cơ hội, một trong những thách thức đó là phải thực hiện tốt các cam kết bảo hộ và thực thi quyền SHTT, bên cạnh đó cả Việt Nam và Hoa Kỳ cũng đang tham gia vào quá trình đàm phán gia nhập “Hiệp định đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương” (HIệp định TPP) và nhiều hiệp định song phương và đa phương khác. Để thực hiện đầy đủ, có hiệu qua các cam kết với WTO và đẩy nhanh quá trình đàm phán Hiệp định TPP, bên cạnh những chính sách, biện pháp đang tiến hành, rất cần đến sự hỗ trợ, hợp tác và chia sẻ kinh nghiệm từ các nước, đặc biệt là các nước phát triển như Hoa Kỳ. Ông Peter N. Fowler, Tuỳ viên chuyên trách Sở hữu Trí tuệ khu vực Đông Nam Á của Chính phủ Hoa Kỳ cho biết, có một khuôn khổ pháp lý mạnh mẽ và môi trường thực thi sở hữu trí tuệ là điều rất quan trọng đối với sự tăng trưởng và đa dạng hóa nền kinh tế của Việt Nam, đối với sự sức hấp dẫn của nó với đầu tư nước ngoài liên quan đến công nghệ và phụ thuộc vào sở hữu trí tuệ, và khả năng cạnh tranh của Việt Nam trong Cộng đồng Kinh tế ASEAN và trên toàn cầu. Bài, ảnh: Diệu Huyền
|