Sở hữu trí tuệ như công cụ hữu hiệu
Chương trình Hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ giai đoạn 2011 - 2015 được phê duyệt theo Quyết định số 2204/QĐ-TTg ngày 06/12/2010 của Thủ tướng Chính phủ trên cơ sở tiếp tục duy trì và phát huy các kết quả triển khai của Chương trình giai đoạn 2005 - 2010 và bổ sung vào một số nội dung cho phù hợp với định hướng và yêu cầu phát triển KH&CN giai đoạn 2011 - 2015. Điều này đã tạo ra những chuyển biến tích cực và có tác động rõ rệt đối với đời sống xã hội tại Việt Nam. Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ (SHTT) Tạ Quang Minh nhận định, chương trình tiếp tục được triển khai nhằm tiếp tục nâng cao nhận thức của các tổ chức, cá nhân về bảo hộ sở hữu trí tuệ; góp phần nâng cao khả năng cạnh tranh cho các sản phẩm, dịch vụ Việt Nam.
Chương trình với 8 nội dung chính gồm: tuyên truyền, đào tạo về sở hữu trí tuệ, hỗ trợ quản lý hoạt động sở hữu trí tuệ; thành lập và đưa vào hoạt động các tổ chức hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ; hỗ trợ xác lập, khai thác, bảo vệ và phát triển tài sản trí tuệ; hỗ trợ xây dựng và áp dụng các quy trình quản lý kết quả, sản phẩm nghiên cứu khoa học nhằm nâng cao giá trị tài sản trí tuệ; hỗ trợ khai thác thông tin KH&CN, sở hữu trí tuệ; hỗ trợ áp dụng các sáng chế nước ngoài không được bảo hộ tại Việt Nam; hỗ trợ triển khai các chương trình, hoạt động về bảo đảm thực thi quyền sở hữu trí tuệ và hỗ trợ hợp tác quốc tế về sở hữu trí tuệ.
Báo cáo của các Sở KH&CN cho biết, đến nay đã có 28 tỉnh/thành phê duyệt và thực hiện chương trình riêng, sử dụng nguồn kinh phí địa phương và kinh phí huy động từ các nguồn khác để xây dựng và phát triển tài sản trí tuệ cho các sản phẩm, dịch vụ của mình gồm: Hà Nội, Bến Tre, Bình Định, Bình Phước, Bình Thuận, TP Hồ Chí Minh, Nam Định, Phú Yên, Ninh Bình, Vĩnh Long, Vĩnh Phúc, Yên Bái… Tính đến hết tháng 8/2013, 34 dự án trung ương quản lý đã được đánh giá và nghiệm thu gồm 16 dự án xây dựng, quản lý và phát triển chỉ dẫn địa lý; 9 dự án tạo lập, quản lý và phát triển nhãn hiệu chứng nhận; 8 dự án tạo lập, quản lý và phát triển nhãn hiệu tập thể... Ngoài ra, có 61 dự án do trung ương ủy quyền cho địa phương quản lý đã kết thúc, việc đánh giá, nghiệm thu các dự án này do Sở KH&CN cấp tỉnh, thành phố tổ chức.
Đánh giá hiệu quả chương trình, Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Quốc Khánh nhận định, sau gần 3 năm thực hiện, với sự nỗ lực của Bộ KH&CN, các bộ, ban ngành và sự tham gia tích cực của các địa phương, chương trình đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận, tạo ra một hướng đi mới là sử dụng sở hữu trí tuệ như công cụ hữu hiệu để phát triển KT - XH. Các dự án được triển khai đã tác động tích cực tới cộng đồng, địa phương và doanh nghiệp, qua đó góp phần nâng cao hiệu quả của hệ thống sở hữu trí tuệ Việt Nam.
Theo thống kê của Cục SHTT, chỉ tính riêng số lượng đơn đăng ký sở hữu công nghiệp, đặc biệt là đơn đăng ký nhãn hiệu của nhiều địa phương đã tăng lên rõ rệt. Ví dụ tại tỉnh Thái Nguyên, năm 2009 chỉ có 30 - 35 đơn/năm thì năm 2012, con số là 60 - 63 đơn/năm. Năm 2009, tỉnh Quảng Ninh có 65 đơn thì năm 2012 con số là 120 đơn, ngay như tỉnh Bình Phước, một tỉnh mới mới tách lập, năm 2012 có 55 đơn vị xác lập quyền sở hữu công nghiệp, tăng gấp 3 lần so với năm 2011 và 5 lần so với giai đoạn 2009 - 2010.
Hiệu quả thiết thực
Theo Phó giám đốc Sở KH&CN Sơn La Nguyễn Minh Đức, trong khuôn khổ chương trình, Sở KH&CN Sơn La được Bộ KH&CN giao triển khai thực hiện dự án xây dựng chỉ dẫn địa lý Yên Châu cho quả xoài tròn Yên Châu; dự án quản lý và phát triển chỉ dẫn địa lý Mộc Châu cho sản phẩm chè Shan Tuyết; dự án quản lý và phát triển nhãn hiệu tập thể Mật ong Sơn La… Dẫn chứng cho thấy, năm 2008, xoài tròn Yên Châu có giá bán trên thị trường là 15.000 đ/kg, tuy nhiên sau khi được công nhận là sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý (năm 2012 - 2013) đã có giá từ 35.000 đ – 40.000 đ/kg, tăng gấp 2,7 lần so với năm 2008. Chè Shan Tuyết Mộc Châu, giá bán chè thành phẩm năm 2010 là 50.000 đ - 53.000 đ/kg nhưng sau khi sản phẩm được mang chỉ dẫn địa lý đã có giá từ 73.000 đ - 75.000 đ/kg, tức là gấp 1,5 lần so với năm 2010. Còn mật ong Sơn La có giá bán năm 2010 là 70.000 đ - 90.000 đ/kg thì sau khi sản phẩm mang nhãn hiệu tập thể (2013) đã có giá bán từ 120.000 đ - 150.000 đ/kg, tức là tăng gấp 2,7 lần so với năm 2010.
Đối với các sản phẩm nông nghiệp, thủy sản và thủ công mỹ nghệ, theo số liệu của Bộ NN và PTNT, tính đến 8/2013, chương trình đã và đang bảo hộ, quản lý và phát triển tài sản trí tuệ cho 93 lượt sản phẩm. Hầu hết các sản phẩm nổi tiếng của Việt Nam như nước mắm Phú Quốc, thanh long Bình Thuận, hoa Đà Lạt, cà phê Buôn Mê Thuật, cam Vinh, chiếu cói Nga Sơn, vải thiều Lục Ngạn, bưởi Đoan Hùng, hồi Lạng Sơn… khi được hỗ trợ bảo hộ đã tăng lên đáng kể, điều này đã tạo nên thu nhập cho người dân, tăng giá trị cho từng sản phẩm, lợi thế cạnh tranh trên thị trường và phát triển bền vững nông thôn.
Ngoài ra, các dự án thuộc chương trình đã tác động tích cực và tạo ra những giá trị, hiệu quả cụ thể, nhận thức của xã hội về SHTT được nâng cao; kết nối được các hộ nông dân từ hoạt động sản xuất đơn lẻ thành mô hình tập trung, chặt chẽ và chuyên canh sản phẩm; tăng giá bán sản phẩm; định hướng người tiêu dùng sử dụng những sản phẩm có chất lượng…
Với gần 3 năm triển khai tuy thời gian chưa dài nhưng có thể nhận định, các đơn vị chủ trì thực hiện dự án thuộc chương trình đã có sự dịch chuyển lớn. Nếu như đơn vị chủ trì thuộc chương trình giai đoạn 2005 - 2010 chủ yếu là các Sở KH&CN chiếm trên 80% thì trong giai đoạn này, đã có sự đa dạng về loại hình và đến từ nhiều lĩnh vực, cơ quan, đơn vị khác nhau. Điều này cho thấy sự lan tỏa nhanh, mạnh của chương trình đối với các ngành nghề, lĩnh vực của xã hội. Bên cạnh đó, công tác tổ chức chương trình đã bảo đảm được sự cân đối, đa dạng, triển khai đồng đều theo các nội dung chương trình đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
|