|
|||
Đó là khẳng định của các chuyên gia, các nhà khoa học tại Hội thảo “Quản lý và thương mại hóa tài sản trí tuệ trong trường đại học, viện nghiên cứu” do Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KH&CN) tổ chức mới đây tại Hà Nội. SHTT chưa được chú trọng Theo đánh giá của các chuyên gia, trong những năm qua, mặc dù các vấn đề về SHTT đã được đề cập khá nhiều song việc triển khai, quản lý SHTT trong các trường đại học, viện nghiên cứu còn nhiều bất cập. Tại các trường đại học, vẫn thiếu những công trình, sản phẩm khoa học có tính ứng dụng cao, tài sản trí tuệ chưa được quản lý và khai thác hợp lý. Việc quản lý TSTT tại các trường đại học yếu còn thể hiện ở việc nhiều sáng chế được tạo ra từ trường nhưng trường lại không đăng ký hoặc quản lý mà lại để cho các cá nhân trong trường đăng ký xác lập quyền và tự động khai thác. Mặc dù Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Quy định về việc quản lý hoạt động sở hữu trí tuệ trong các cơ sở giáo dục đại học (theo Quyết định số 178/2008/QĐ-BKHCN) nhưng cho đến nay hoạt động sở hữu trí tuệ trong trường đại học vẫn chưa được cải thiện là bao. Các viện nghiên cứu được xem là những cơ sở chuyên về nghiên cứu để tạo ra những kết quả có thể ứng dụng vào thực tế thì tình trạng quản lý và khai thác tài sản trí tuệ cũng chưa đạt được yêu cầu. Không có nhiều sáng chế tiêu biểu của các viện nghiên cứu được bảo hộ độc quyền và khai thác thương mại thành công. Theo ông Nguyễn Văn Bảy, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Đào tạo (Cục SHTT), hoạt động nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ tại các trường đại học, viện nghiên cứu còn nhiều hạn chế do nhiều nguyên nhân như chưa có các bộ phận chuyên trách theo dõi, tư vấn và hướng dẫn bảo đảm quyền lợi cho những người nghiên cứu; nhiều sản phẩm trí tuệ chưa được đăng ký bảo hộ độc quyền hoặc nếu có đăng ký thì việc quản lý, khai thác thương mại cũng không đáng kể. Tuy nhiên, nguyên nhân sâu xa là do nhận thức về sở hữu trí tuệ tại các viện trường chưa cao, các giảng viên và các nhà khoa học vẫn chưa hiểu rõ về giá trị của quyền SHTT. “Những hạn chế này làm cho việc chuyển giao công nghệ trong trường đại học, viện nghiên cứu gặp không ít khó khăn, không khuyến khích được sự sáng tạo, điều này đôi khi đã khiến các trường đại học, viện nghiên cứu không giữ chân được nhân tài” ông Bảy nhấn mạnh. Nhận thức về SHTT tại các trường đại học, viện nghiên cứu chưa cao thể hiện ở việc số lượng sáng chế đăng ký, được cấp bằng và duy trì hiệu lực rất khiêm tốn. Theo số liệu thống kê của cục SHTT, trong giai đoạn 2003 -6/2012 trong tổng số 600 đơn từ trường đại học, viện nghiên cứu chỉ có 91 văn bằng được cấp, trong đó chỉ còn 38 văn bằng đang còn hiệu lực. Đặc biệt, các viện nghiên cứu hầu như không nộp phí duy trì hiệu lực. Năm 2009 chỉ có 1 trong tổng số 8 văn bằng được cấp còn hiệu lực; năm 2010 cũng chỉ có 1 trong tổng số 12 văn bằng còn hiệu lực do nộp phí duy trì.
Cần giải pháp đồng bộ TS Lê Thị Thu Hà, Khoa kinh tế và Kinh doanh quốc tế (Đại học Ngoại thương Hà Nội) cho hay, số liệu về đơn đăng ký sáng chế trong những năm qua ở Việt Nam vẫn tăng đều hàng năm khoảng 10%. Tuy nhiên, số lượng đơn đăng ký sáng chế do người Việt Nam nộp chỉ chiếm khoảng 6 - 8% mà nguyên nhân là bởi các trường, viện nghiên cứu đang phụ thuộc quá nhiều vào nguồn kinh phí của nhà nước, chưa huy động được nguồn tài chính khác, đặc biệt là của doanh nghiệp. “Cần xây dựng mối quan hệ hợp tác giữa các trường đại học với doanh nghiệp nhằm nắm bắt nhu cầu thực tiễn, tạo điều kiện cho việc phát triển thị trường khoa học - công nghệ; thành lập văn phòng chuyển giao công nghệ và bộ phận quản lý tài sản trí tuệ ở các trường; phân bổ lợi ích hợp lý từ nguồn thu được từ khai thác thương mại tài sản trí tuệ” TS Hà khẳng định. Nhiều chuyên gia cũng cho rằng, để thúc đẩy thương mại hóa tài sản trí tuệ, các nhà nghiên cứu, viện, trường cần cung cấp các kết quả nghiên cứu, sáng chế đáp ứng đáp ứng yêu cầu đổi mới công nghệ của các doanh nghiệp; phối hợp với các doanh nghiệp khai thác kết quả nghiên cứu, sáng chế. Các trường đại học, viện nghiên cứu cũng có thể khai thác tài sản trí tuệ bằng cách chuyển giao các kết quả nghiên cứu của mình phục vụ nhu cầu thực tế của địa phương hoặc hợp tác với địa phương theo hình thức thực hiện các nhiệm vụ KH&CN dưới sự “đặt hàng” của địa phương và sự hỗ trợ từ nhà nước tạo thành mô hình liên kết 3 chiều nhà nghiên cứu- nhà nước- doanh nghiệp, địa phương. Theo ông Bảy, để thúc đẩy nghiên cứu, khai thác và quản lý hoạt động SHTT trong thời gian tới tại các trường đại học, viện nghiên cứu tại Việt Nam thì các viện nghiên cứu, trường đại học cần nâng cao nhận thức về vai trò của SHTT trong toàn bộ các hoạt động đào tạo, nghiên cứu. Trên cơ sở đó các trường đại học, viện nghiên cứu cần ban hành các văn bản và cơ chế quản lý tài sản trí tuệ phù hợp với điều kiện của đơn vị mình. |