|
|||
Cây hạt dẻ hay còn có tên gọi khác theo địa phương là cây “Mác lịch”, hạt dẻ Trùng Khánh rất đặc biết và khác so với hạt dẻ ở các địa phương khác, quả to đều (gấp 5-6 lần hạt dẻ rừng), có hình dáng hơi tròn (kích thước ba chiều gần bằng nhau); vỏ hạt màu nâu sẫm, rất bóng, trên vỏ có lớp lông tơ màu trắng nhạt, vỏ lụa mỏng, dễ bóc, nhân hạt có màu vàng tơ, có mùi vị thơm ngon và bùi ngậy. Theo Cục Sở hữu trí tuệ đánh giá về chất lượng, hạt dẻ Trùng Khánh có sự khác biệt rõ ràng so với các loại dẻ trồng ở các vùng khác thông qua các chỉ tiêu như: Hàm lượng nước trong nhân hạt dẻ (48,72% - 52,89%); hàm lượng gluxit trong nhân hạt dẻ (36,63% - 43,41%); hàm lượng glucoza trong nhân hạt dẻ (0,73% - 1,41%); hàm lượng lipit trong nhân hạt dẻ (1,51% - 2,16%); hàm lượng protein trong nhân hạt dẻ (3,09% - 3,94%). Lãnh đạo Cục SHTT và các Sở, ban, ngành kiểm tra chất lượng hạt dẻ Chất lượng đặc biệt của hạt dẻ Trùng Khánh có được và khác với sản phẩm của các địa phương khác là nhờ điều kiện tự nhiên đặc thù của khu vực địa lý. Khu vực địa lý bao gồm các xã: Đình Minh, Chí Viễn, Khâm Thành, Phong Châu thuộc huyện Trùng Khánh, tỉnh Cao Bằng. Ngoài yếu tố tự nhiên, phương pháp sản xuất và canh tác của người dân địa phương như phương pháp trồng và chăm sóc cây dẻ, kỹ thuật thu hái và bảo quản hạt dẻ cũng góp phần tạo nên chất lượng đặc thù của hạt dẻ Trùng Khánh. Phát biểu tại buổi Lễ, ông Trần Hữu Nam – Phó Cục trưởng Cục SHTT nhấn mạnh sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý phải có nguồn gốc từ khu vực, địa phương, vùng lãnh thổ hoặc nước tương ứng với chỉ dẫn địa lý. Hiện nay cả nước có 35 sản phẩm đã được đăng ký bảo hộ chỉ dẫn địa lý và sản phẩm hạt dẻ Trùng Khánh là một trong những sản phẩm đã được mang chỉ dẫn địa lý có danh tiếng, chất lượng và đặc tính chủ yếu do điều kiện địa lý của khu vực, địa phương, vùng lãnh thổ với chỉ dẫn địa lý đó quyết định. Sản phẩm hạt dẻ Trùng Khánh Việc đăng ký bảo hộ chỉ dẫn địa lý cho hạt dẻ Trùng Khánh sẽ đem lại những cơ hội về kinh doanh, thương mại, có ý nghĩa quan trọng, góp phần thúc đẩy quá trình văn minh hóa nông thôn và duy trì văn hóa truyền thống của các vùng, khu vực, quốc gia. Đồng thời thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội ở vùng nông thôn, vùng khó khăn, vùng núi, cải thiện và nâng cao đời sống văn hóa, xã hội của người dân tại địa phương có sản phẩm được đăng ký. Tin, ảnh: Hoàng Kiều (Trung tâm Tin học và Thông tin KHCN Cao Bằng)
|