Nhiều kết quả nổi bật
-Cục trưởng có thể cho biết, những kết quả nổi bật đã đạt được trong 2 năm triển khai Chương trình 68 giai đoạn 2011- 2015?
Cục trưởng Tạ Quang Minh: Ngay sau khi Chương trình hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ giai đoạn 2011-2015 được phê duyệt theo Quyết định số 2204/QĐ-TTg ngày 06/12/2010 của Thủ tướng Chính phủ. Chương trình đã được triển khai khẩn trương theo đúng mục tiêu, nội dung với sự nỗ lực của Bộ KH&CN, Cục SHTT và sự phối hợp, tham gia tích cực của các Bộ, cơ quan, ban, ngành, địa phương, doanh nghiệp và cộng đồng.
Qua hơn 2 năm thực hiện, Chương trình đã đạt được một số kết quả nổi bật sau đây:
-Thành lập Bộ máy hoạt động và ban hành các văn bản hướng dẫn thực hiện Chương trình, đưa Chương trình vào triển khai ngay từ năm 2011
- Ban Chỉ đạo và Ban Thư ký Chương trình nhanh chóng được thành lập và hoạt động, Trưỏng Ban Chỉ đạo là Bộ trưởng Bộ KH&CN Nguyễn Quân, Trưởng Ban Thư ký là Cục trưởng Cục SHTT;
- Hệ thống văn bản hướng dẫn Chương trình được khẩn trương ban hành: Thông tư số Thông tư 03/2011/TT-BKHCN ngày 20/04/2011 của Bộ KH&CN hướng dẫn tuyển chọn và quản lý dự án thuộc Chương trình và Thông tư số 112/2011/TTLT/BTT-BKHCN ngày 02/8/2011 của liên Bộ Tài chính và Bộ KH&CN hướng dẫn quản lý tài chính đối với Chương trình;
Về tổ chức các hoạt động chung
Bên cạnh việc triển khai định kỳ và thường xuyên các hoạt động chung như tổ chức họp Ban Chỉ đạo, Ban Thư ký; hội thảo, hội nghị hướng dẫn tham gia Chương trình, hướng dẫn xây dựng và triển khai dự án, các hoạt động chung của Chương trình 68 đã có nhiều hoạt động thiết thực và nỗi bật như:
- Tổ chức giới thiệu các sản phẩm được bảo hộ tại các Hội chợ thương mại ở trong và ngoài nước: Hội chợ Thương mại quốc tế EXPO 2012 tại TP.Hồ Chí Minh từ 28/11 đến 01/12/2012 với gần 100 mặt hàng của 15 tỉnh/thành; Hội chợ Quốc tế tại Băng Cốc, Thái Lan với 15 sản phẩm được bảo hộ chỉ dẫn địa lý của Việt Nam được giới thiệu tại triển lãm này;
- Soạn thảo và gửi tài liệu hướng dẫn và tổ chức hội nghị khoa học (tại Lâm Đồng ngày 15/5/2012) về đăng ký bảo hộ sở hữu trí tuệ cho các đặc sản mang địa danh ở nước ngoài;
-Hỗ trợ đăng ký bảo hộ sáng chế cho các kết quả nghiên cứu khoa học của các viện nghiên cứu, trường đại học: Kết quả là qua hơn 2 năm, Chương trình đã tiếp nhận được 144 đề xuất và đã tư vấn, hỗ trợ đăng ký bảo hộ sáng chế cho 60 giải pháp kỹ thuật.
Về việc tuyển chọn, hỗ trợ các dự án
Qua hơn 2 năm triển khai, Chương trình đã nhận dược 579 đề xuất, phê duyệt cho tuyển chọn 325 dự án và có 212 dự án được hỗ trợ cho triển khai, trong đó:
- 110 dự án dự án xác lập, quản lý và phát triển tài sản trí tuệ đối với các sản phẩm đặc thù của địa phương mang địa danh;
- 80 dự án đào tạo, phổ biến kiến thức về sở hữu trí tuệ;
- 11 dự án dự án áp dụng sáng chế của Việt Nam và của nước ngoài không được bảo hộ tại Việt Nam, áp dụng kết quả nghiên cứu khoa học;
- 07 dự án xây dựng và vận hành ‘‘Tổ chức Sở hữu trí tuệ trong các trường đại học, viện nghiên cứu’’;
- 04 dự án khai thác thông tin và tăng cường thực thi quyền sở hữu trí tuệ.
Qua các dự án được phê duyệt, chúng ta có thể thấy:
- Cũng như Chương trình 68 giai đoạn 2005-2010, các dự án về bảo hộ, quản lý và phát triển tài sản trí tuệ đối với sản phẩm đặc thù của địa phương mang địa danh của giai đoạn này vẫn chiếm tỉ lệ cao nhất, chiếm 51,89%. Điều này cho thấy nhu cầu của xã hội đối với nội dung này vẫn rất cao, việc ưu tiên hỗ trợ các nội dung này là phù hợp với chủ trương, chính sách tăng cường các giải pháp phát triển nông nghiệp, nông thôn của Đảng và Nhà nước;
- Số lượng dự án áp dụng sáng chế, kết quả nghiên cứu khoa học đã tăng lên đáng kể, gấp gần 4 lần so với cả giai đoạn 2005-2010;
- Một số nội dung rất khó và chuyên sâu về sở hữu trí tuệ mà Chương trình 68 giai đoạn 2005-2010 chưa thể triển khai như khai thác thông tin sở hữu trí tuệ, tăng cường thực thi quyền sở hữu trí tuệ, xây dựng và vận hành tổ chức hoạt động sở hữu trí tuệ trong viện nghiên cứu đã được thực hiện trong giai đoạn 2011-2013.
-Một trong hai mục tiêu lớn của Chương trình 68 giai đoạn 2011-2015 là tiếp tục nâng cao nhận thức của các tổ chức, cá nhân về tạo lập, quản lý, bảo vệ và phát triển tài sản trí tuệ. Cục trưởng có thể cho biết kết quả cụ thể của mục tiêu này trong 2 năm qua?
Qua hơn 2 năm triển khai, Chương trình đã có tác động rất lớn trong việc nâng cao nhận thức của xã hội và cộng đồng về sở hữu trí tuệ, bên cạnh các hội nghị, hội thảo, tập huấn về sở hữu trí tuệ trong khuôn khổ các hoạt động chung, đã có 80 dự án về đào tạo, phổ biến kiến thức về khoa học, công nghệ và sở hữu trí tuệ thuộc Chương trình được hỗ trợ cho triển khai duy trì thường xuyên, liên tục và có chiều sâu trên các phương tiện thông tin đại chúng đã góp phần tạo chuyển biến tích cực nhận thức của các cấp, ngành và toàn xã hội về sở hữu trí tuệ, một số dự án tiêu biểu như:
- Dự án Chương trình “Sáng tạo Việt” được phát sóng trên kênh VTV3 từ ngày 15/01/2012 đến nay. Sau hơn 1,5 năm phát sóng, dự án được coi là sự đột phá về công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức về khoa học công nghệ và sở hữu trí tuệ. “Sáng tạo Việt” đã chuyển tải gần 200 tình huống về việc ứng dụng, bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, giới thiệu gần 100 sáng chế/giải pháp hữu ích tiêu biểu có giá trị ứng dụng, thương mại hóa cao, thu hút gần 200 đội chơi là những nhà sáng tạo trẻ ưu tú là sinh viên, giảng viên trẻ, và hơn 100 chuyên gia đến từ các bộ ngành, viện nghiên cứu, các trường đại học và các nhà doanh nghiệp trong lĩnh vực mà sáng chế/giải pháp hữu ích đề cập;
- Dự án “Nữ Trí thức với hoạt động sáng tạo” là một Chương trình tọa đàm truyền hình, phát trên sóng VTC đã tập hợp và tôn vinh được hầu hết các nữ trí thức tiêu biểu của Việt Nam, góp phần thực hiện chính sách bình đẳng giới trong khoa học và tạo động lực cho các nhà trí thức nữ tiếp tục các sáng tạo hữu ích cho xã hội;
- Tính đến hết tháng 8/2013, Chương trình đã hỗ trợ cho triển khai 78 lượt dự án tuyên truyền về sở hữu trí tuệ trên đài truyền hình của 49 địa phương, theo đó, có khoảng 2.280 số phát sóng nhằm tuyên truyền, phổ biến kiến thức về sở hữu trí tuệ trên đài truyền hình các tỉnh/thành. Đây là một kênh truyền tải và phương thức tuyên truyền rất hữu hiệu đưa sở hữu trí tuệ đến mọi miền của tổ quốc, mọi đối tượng, ngành nghề.
-Đối với mục tiêu thứ hai là góp phần nâng cao khả năng cạnh tranh của sản phẩm, dịch vụ của Việt Nam trong đó ưu tiên hỗ trợ các sản phẩm chiến lược, đặc thù, có tiềm năng xuất khẩu, chương trình đã đạt được những kết quả như thế nào?
Bảo hộ, quản lý và phát triển tài sản trí tuệ cho các sản phẩm đặc thù mang địa danh là một trong những đối tượng được ưu tiên của Chương trình. Qua hơn 2 năm, Chương trình đã phê duyệt hỗ trợ cho 110 dự án loại này, chiếm 51,89% tổng số dự án của Chương trình.
Các dự án về bảo hộ, quản lý và phát triển tài sản trí tuệ đã giúp nâng cao chất lượng và khả năng cạnh tranh của sản phẩm, góp phần phát triển bền vững kinh tế, xã hội. Các sản phẩm được bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ khi đưa ra thị trường đã được kiểm tra, quản lý chất lượng và đáp ứng các tiêu chuẩn về mẫu mã, tem nhãn theo quy định.
Một số ví dụ minh chứng:
- Sản phẩm nước mắm Phú Quốc đã được quản lý chặt chẽ hơn để bảo đảm chất lượng đặc thù vì sản phẩm hiện nay chỉ được sản xuất và đóng chai tại huyện đảo Phú Quốc (chấm dứt tình trạng đưa sản phẩm về TP. Hồ Chí Minh đóng chai);
- Với sản phẩm cà phê Buôn Ma Thuột, Công ty TNHH một thành viên 2/9 Đắk Lắk đã và đang cố gắng thoả thuận với tất cả các nhà rang xay cà phê lớn của thế giới để gắn logo chỉ dẫn địa lý Buôn Ma Thuột nổi tiếng của Việt Nam vào bao bì cà phê xuất khẩu.
- Sản phẩm cam Vinh đã tăng lên hơn 50% sau khi chỉ dẫn địa lý được đăng bạ và quản lý;
- Giá bán các sản phẩm chè Mộc Châu có bao bì mang chỉ dẫn địa lý cao hơn từ 1,7 đến 2 lần các sản phẩm cùng loại không có bao bì;
- Sản phẩm chè Tân Cương có bao bì mang chỉ dẫn địa lý có giá bán cao hơn khoảng 1,5 lần các sản phẩm cùng loại không có bao bì mang chỉ dẫn địa lý. Đặc biệt, hệ thống tem nhãn mang chỉ dẫn địa lý đã được Công ty Chè Hoàng Bình (một công ty chè lớn của tỉnh Thái Nguyên) sử dụng rất hiệu quả.
- Sản phẩm quả su su Sa Pa: Sau khi được bảo hộ, sản phẩm quả su su đã được các bạn hàng từ Trung Quốc yêu cầu đóng bao bì và gắn logo nhãn hiệu tập thể vào trước khi xuất khẩu, đây là tín hiệu rất tích cực vì từ trước đến nay, khách hàng Trung Quốc hầu như chỉ nhập khẩu sản phẩm thô, không cần nhãn mác.
Bưởi năm roi Bình Minh vừa được Cục SHTT cấp Giấy chứng nhận bảo hộ chỉ dẫn địa lý (ảnh Cục SHTT cung cấp)
Thực hiện cơ chế đặt hàng
-Các nội dung Chương trình 68 thuộc lĩnh vực sở hữu trí tuệ được coi là mới mà Việt Nam chưa có nhiều kinh nghiệm, một số nội dung còn khó ngay cả đối với cơ quan chuyên môn về sở hữu trí tuệ như định giá tài sản trí tuệ, xây dựng và triển khai mô hình chuyển giao tài sản trí tuệ. Chương trình 68 giai đoạn 2011-2015 đã và đang giải quyết những vấn đề này như thế nào?
Có thể nói, sở hữu trí tuệ là lĩnh vực đặc thù và khó với cộng đồng, doanh nghiệp. Hơn nữa, một số nội dung thực sự khó ngay cả đối với cơ quan chuyên môn về sở hữu trí tuệ (khai thác, áp dụng sáng chế và kết quả nghiên cứu khoa học, định giá tài sản trí tuệ, xây dựng mô hình chuyển giao tài sản trí tuệ ...). Việc tuyển chọn các loại dự án này thông qua phương thức tuyển chọn thông thường là khó khả thi. Vì vậy, Chương trình đã có những giải pháp kịp thời, phù hợp để có thể triển khai được các nhiệm vụ này theo nội dung phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ, cụ thể là:
- Xây dựng tài liệu và tổ chức các cuộc hội thảo khoa học, hướng dẫn triển khai riêng cho các nhóm nội dung này;
- Mời các chuyên gia trong từng lĩnh vực chuyên ngành để tư vấn về nội dung và phương án triển khai các dự án;
- Đã đổi mới công tác tuyển chọn loại dự án áp dụng sáng chế theo phương án tổ chức liên tục, nhiều đợt.
Với việc tăng cường các giải pháp để tuyển chọn các dự án thực hiện các nhiệm vụ chuyên ngành, đặc thù về sở hữu trí tuệ, việc triển khai các nhiệm vụ này đã đạt được những kết quả đáng kể, vượt bậc so với giai đoạn 2005-2010, trong đó:
- Tính đến hết tháng 8/2013, Chương trình đã phê duyệt cho triển khai 11 dự án áp dụng sáng chế, gấp gần 4 lần tổng số dự án của lĩnh vực này so với giai đoạn 2005-2010;
- 07 dự án xây dựng và vận hành Tổ chức Sở hữu trí tuệ trong các trường đại học và viện nghiên cứu: trong giai đoạn 2005-2010 chỉ có 1 dự án loại này được phê duyệt;
- 04 dự án khai thác thông tin và tăng cường thực thi quyền sở hữu trí tuệ: trong giai đoạn 2005-2010 không có dự án nào thuộc loại này được phê duyệt.
- Cục trưởng có thể cho biết những tồn tại trong 2 năm triển khai Chương trình 68 giai đoạn 2011- 2015 là gì và biện pháp khắc phục trong thời gian tới để Chương trình đạt được kết quả tốt nhất?
Có thể nói, với sự nỗ lực của Bộ Khoa học và Công nghệ, Cục Sở hữu trí tuệ và sự phối hợp tích cực của các cơ quan ban nghành, địa phương và cộng đồng, Chương trình đã và đang được triển khai theo đúng mục tiêu, nội dung tại Quyết định số 2204/QĐ-TTg ngày 06/12/2010 của Thủ tướng Chính phủ và đạt được những kết quả rất đáng ghi nhận.
Tuy nhiên, Chương trình vẫn còn một số tồn tại, cụ thể là:
- Chương trình vẫn chưa phát huy hết tiềm năng, thế mạnh và tầm quan trọng của mình. Một số nội dung quan trọng chưa triển khai được như mong muốn như: hỗ trợ áp dụng sáng chế, khai thác thông tin sở hữu trí tuệ, định giá tài sản trí tuệ, hỗ trợ giống cây trồng mới, tăng cường hiệu quả thực thi quyền sở hữu trí tuệ;
- Chương trình thiếu cơ chế cụ thể về việc dành thời gian và phụ cấp để có thể huy động và tạo điều kiện thuận lợi cho sự tham gia của các cơ quan, chuyên gia để thực hiện các nội dung có chuyên môn sâu về sở hữu trí tuệ.
- Đối với việc hướng dẫn sử dụng tem nhãn, bao bì sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu chứng nhận và nhãn hiệu tập thể: một số văn bản được xây dựng và ban hành chưa sát với thực tiễn hoạt động sản xuất, kinh doanh sản phẩm nên tính khả thi chưa cao;
- Thiếu các chuyên gia có các chuyên môn sâu về hỗ trợ bảo hộ, quản lý và phát triển tài sản trí tuệ cộng đồng.
Cơ chế tài chính của chương trình còn một số tồn tại
- Các nội dung được chi hỗ trợ từ Chương trình chủ yếu là hoạt động chuyên môn phục vụ công tác xác lập, quản lý và phát triển đối tượng sở hữu trí tuệ, trong khi để phát triển tài sản trí tuệ còn rất nhiều công việc khác cần được hỗ trợ mạnh hơn nữa như trang thiết bị để phục vụ hoạt động chuyên môn, các hoạt động hỗ trợ xúc tiến thương mại cho các tài sản trí tuệ;
- Chưa có cơ chế rõ ràng để đặt hàng, mua tài sản trí tuệ có giá trị để nhân rộng, áp dụng cho cộng đồng.
Để khắc phục, Cục SHTT đề xuất và thực hiện các giải pháp sau :
Tiếp tục hoàn thiện cơ chế quản lý Chương trình
- Tiếp tục đẩy mạnh việc thông tin truyên truyền về Chương trình và sở hữu trí tuệ;
- Đánh giá hiệu quả các dự án đã kết thúc, từ đó đưa ra phương án khắc phục những nhược điểm; phổ biến, nhân rộng và duy trì kết quả các dự án;
- Quy định tạo điều kiện về bố trí thời gian, chế độ phụ cấp để các chuyên gia về sở hữu trí tuệ tham gia thực hiện các nội dung của Chương trình đòi hỏi chuyên môn sâu, cần sự phối hợp của nhiều địa phương, đơn vị như: Đào tạo, tập huấn về sở hữu trí tuệ; quản trị tài sản trí tuệ; kiểm soát sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý.
-Kiện toàn công tác quản lý tài chính đối với Chương trình
- Áp dụng thực hiện cơ chế đặt hàng nhiệm vụ KH&CN và khoán kinh phí theo kết quả đầu ra;
- Giảm dần mức hỗ trợ từ Ngân sách Nhà nước, tiến tới mức hỗ trợ tối thiểu và mức huy động tối đa từ các nguồn khác để thực hiện Chương trình và các dự án cùng loại do Trung ương quản lý có các nội dung tương tự sẽ được hỗ trợ theo mức giảm dần tương ứng với thời điểm sẽ thực hiện chúng.
|