Bản in
Nên khởi kiện khi bị xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ
Theo thông lệ ở các nước trên thế giới thì tòa án phải đóng vai trò rất quan trọng trong việc xử lý các vi phạm về sở hữu trí tuệ (SHTT), nhưng ở Việt Nam thì ngược lại, vai trò của tòa án hiện rất mờ nhạt so với các cơ quan hành chính. Vì vậy, việc tăng cường vai trò của tòa án được xem là một trong những giải pháp mạnh mẽ và có hiệu quả trong việc giải quyết xâm phạm quyền SHTT.

Còn nhiều bất cập

Theo đánh giá của các chuyên gia, bất cập khá rõ trong thực thi quyền SHTT hiện nay là thiếu sự thiếu đồng bộ và chồng chéo, nhiều tầng nấc xử lý khiến hiệu lực thực thi bị phân tán, phức tạp. Hiện có tới 6 cơ quan được giao trách nhiệm bảo đảm thực thi về SHTT là Ủy ban nhân dân các cấp, Thanh tra (Bộ VH,TT&DL, Bộ NN&PTNT, Bộ KH&CN, Sở KH&CN); quản lý thị trường, công an kinh tế; hải quan; tòa án. Mặc dù thẩm quyền của mỗi cơ quan đã được quy định rõ nhưng vẫn có hiện tượng chồng chéo. Thực tế này không chỉ khiến các chủ thể quyền SHTT lúng túng khi muốn liên hệ mà còn khiến các cơ quan này nảy sinh tâm lý đùn đẩy, chờ đợi nhau hoặc mạnh ai nấy làm.

Mỗi năm các cơ quan chức năng phát hiện tới hàng nghìn vụ vi phạm quyền sở hữu trí tuệ nhưng phần lớn được xử lý bằng các biện pháp hành chính, số vụ được đưa ra xét xử tại tòa án không đáng kể. Các biện pháp và chế tài xử lý hành chính chưa phù hợp với tình hình thực tế, chưa đủ sức răn đe đối tượng vi phạm nên tình trạng sản xuất, buôn bán hàng giả và xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ ngang nhiên tồn tại và ngày càng mở rộng với thủ đoạn tinh vi và phức tạp.

Lý giải thực trạng này, Luật sư Lê Quang Vinh, Giám đốc Bộ phận Sở hữu trí tuệ, Công ty Luật BROSS & Partners cho rằng, các chủ SHTT vẫn chưa có ý thức rõ ràng về quyền và lợi ích chính đáng của mình để khởi kiện bên vi phạm. Đồng thời, quá trình giải quyết tranh chấp liên quan đến xâm phạm SHTT thường kéo dài nhiều tháng thậm chí kéo dài hàng nhiều năm, gây ảnh hưởng hoạt động kinh doanh của chủ thể.

“Tâm lý không muốn khởi kiện do e ngại thủ tục rườm rà, sợ mất thông tin cần bảo mật cũng như thời gian theo đuổi vụ kiện và tốn kém chi phí của chủ đối tượng SHTT là những băn khoăn hoàn toàn có thật nên không ít doanh nghiệp đã chấp nhận sống chung với hàng giả”. Luật sư Vinh cho hay.

Cục trưởng Cục SHTT Tạ Quang Minh cho biết, trong xét xử các vụ án liên quan đến xâm phạm quyền SHTT, tòa án thường phụ thuộc vào kết quả trưng cầu giám định hoặc kết luận các yếu tố vi phạm của cơ quan có thẩm quyền về việc có hay không có hành vi xâm phạm quyền SHTT để giải quyết. Trong khi việc xác định thiệt hại do hành vi xâm phạm quyền SHTT gây ra là rất khó.

“Mặc dù Luật SHTT đã quy định nguyên tắc xác định thiệt hại do xâm phạm quyền SHTT, song do tính chất đặc thù của tài sản trí tuệ và do các căn cứ để xác định thiệt hại về vật chất như mức giảm sút về thu nhập, lợi nhuận, tổn thất về cơ hội kinh doanh, chi phí hợp lý để ngăn chặn, khắc phục thiệt hại… hoặc các thiệt hại về tinh thần bao gồm các tổn thất về danh dự, nhân phẩm, uy tín, danh tiếng... đều chưa có hướng dẫn chi tiết, nên trong nhiều trường hợp nguyên đơn không chứng minh được thiệt hại hoặc xác định không đầy đủ về những thiệt hại đã xảy ra trên thực tế. Do vậy, các cấp Tòa rất lúng túng trong việc xác đinh mức bồi thường thỏa đáng nhằm đảm bảo quyền lợi hợp pháp của chủ sở hữu” Cục trưởng Tạ Quang Minh khẳng định.

Dân sự hóa xử lý hành vi xâm phạm quyền SHTT

Mặc dù còn nhiều khó khăn, hạn chế trong việc giải quyết xâm phạm quyền SHTT tại tòa án, nhưng theo ý kiến của nhiều chuyên gia việc đưa vụ việc ra tòa án là điều nên làm nếu chủ thể quyền bị xâm phạm mà không thể giải quyết được bằng các biện pháp hành chính hoặc thậm chí không cần thông qua các biện pháp hành chính. Chuyển dần việc xử lý các hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ từ biện pháp hành chính sang biện pháp dân sự, nâng cao vai trò và hiệu quả xử lý của hệ thống tòa án được xem là một trong những giải pháp quan trọng nhằm từng bước giải quyết có hiệu quả vấn đề xâm phạm quyền SHTT, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của chủ sở hữu tài sản trí tuệ.

Ông Hoàng Văn Tân, Phó Cục trưởng Cục SHTT cho rằng, nếu chủ sở hữu tài sản trí tuệ phát hiện tài sản trí tuệ bị xâm phạm, trước tiên nên đề nghị bên xâm phạm dừng sử dụng. Nếu không thỏa thuận được, chủ sở hữu có thể khiếu nại tới Thanh tra Sở KH&CN các tỉnh, thành phố hoặc Thanh tra Bộ KH&CN. “Nếu vẫn chưa được giải quyết thỏa đáng, chủ sở hữu hoàn toàn có thể làm đơn kiện ra tòa án nhân dân các cấp để bảo vệ quyền lợi chính đáng của mình”. ông Tân nói.

Nhằm từng bước dân sự hóa xử lý hành vi xâm phạm quyền SHTT, Cục trưởng Cục SHTT Tạ Quang Minh cho biết, vấn đề tiếp tục hoàn thiện pháp luật đối với việc giải quyết các vụ án tranh chấp về quyền SHTT, tạo ra cơ chế giải quyết thuận lợi, nhanh chóng và bảo đảm các quyền và lợi ích hợp pháp của các chủ thể quyền SHTT đang được Bộ KH&CN và các Bộ ngành liên quan triển khai. Tuy nhiên, cần nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ, Thẩm phán theo hướng chuyên sâu về SHTT cũng là những việc cần phải thực hiện ngay, cần chú trọng xây dựng các mục tiêu và chương trình đào tạo có hệ thống để đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ chuyên sâu về SHTT và cả ngoại ngữ cho đội ngũ cán bộ, Thẩm phán ở các Tòa án hiện nay nhằm nâng cao kiến thức chuyên sâu về SHTT và nắm bắt được thực tiễn xét xử tại các nước. Đồng thời, Tòa án nhân dân tối cao cũng cần thường xuyên thực hiện việc tổng kết công tác xét xử, trên cơ sở đó tổ chức rút kinh nghiệm về nghiệp vụ giải quyết tranh chấp về quyền SHTT để phổ biến cho Tòa án nhân dân các cấp.

“Cần nghiên cứu khả năng để xây dựng một Tòa án chuyên trách về SHTT, nếu được thực hiện sẽ giải quyết được rất nhiều vấn đề mà Tòa án Việt Nam đang gặp phải. Trong hệ thống Tòa án một số nước, kể cả các nước trong khu vực Đông Nam Á, đã hoạt động theo mô hình này và đạt được kết quả tích cực, bao gồm cả việc thu hút đầu tư nước ngoài và đảm bảo quyền của chủ sở hữu” Cục trưởng Cục SHTT Tạ Quang Minh kiến nghị.