|
|||
Còn nhiều bất cập Theo đánh giá của các chuyên gia, tài sản trí tuệ là một loại tài sản vô hình rất quan trọng, nếu định giá được nó giúp doanh nghiệp biết được giá trị tài sản của mình, từ đó có những quyết sách, chiến lược, kế hoạch kinh doanh phù hợp. Thực tiễn thế giới đã chứng minh rằng, có những tài sản trí tuệ có giá trị lớn, thương hiệu có giá trị lên tới hàng chục tỷ đô la như Coca Cola (gần 78 tỷ đô la), Apple (hơn 76 tỷ đô la)... Tại Việt Nam, nhiều doanh nghiệp cũng có tài sản vô hình lớn hơn nhiều giá trị tài sản hữu hình. Còn nhớ cách đây gần chục năm, công ty Phương Đông ở TP. HCM bán thương hiệu kem đánh răng PS cho tập đoàn Unilever với giá 5 triệu USD, trong khi toàn bộ đất đai, nhà xưởng, máy móc thiết bị chỉ được 3 triệu USD. Hay Công ty cổ phần Kem Tràng Tiền khi cổ phần hóa công ty, người ta chỉ tính được phần giá trị hữu hình với nhà xưởng, máy móc, thiết bị cũ kỹ lâu đời chẳng đáng là bao trong khi thương hiệu Kem Tràng Tiền không cần một quảng cáo nào cũng đã quá nổi tiếng. Các thương hiệu như Trung Nguyên, Petrolimex, Kinh Đô, Việt Tiến… cũng là những ví dụ điển hình về giá trị tài sản trí tuệ lớn. Tuy nhiên, hiện nay việc định giá tài sản trí tuệ tại Việt Nam còn nhiều khó khăn, bất cập. Luật SHTT có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2006 chưa có quy định về định giá tài sản trí tuệ. Ông Hoàng Văn Tân, Phó Cục trưởng Cục SHTT (Bộ KH&CN) cho rằng tài sản trí tuệ không thể xác định được bằng những dấu hiệu vật chất nên việc định giá rất phức tạp và khó khăn. Ở Việt Nam hiện nay chưa có những văn bản pháp luật quy định riêng cho định giá tài sản trí tuệ. Đối với hệ thống tiêu chuẩn định giá cũng vậy, nhà nước cũng chỉ mới ban hành những tiêu chuẩn định giá tài sản hữu hình. Theo bà Trần Thị Thanh Vinh, Phó giám đốc Công ty cổ phần định giá và dịch vụ tài chính Việt Nam, các tổ chức thực hiện định giá thực sự chuyên nghiệp có khả năng định giá tài sản vô hình nói chung, trong đó có tài sản trí tuệ nói riêng còn khiêm tốn. Các thẩm định viên chưa được đào tạo bài bản, việc đào tạo, giáo trình giảng dạy môn định giá tài sản sở hữu trí tuệ hiện nay là chưa có. Khó khăn trong việc định giá tài sản trí tuệ là một trong những nguyên nhân quan trọng ảnh hưởng tới việc cổ phần hóa doanh nghiệp, góp vốn đầu tư liên doanh, chuyển giao, chuyển nhượng tài sản, sáp nhập doanh nghiệp, giải quyết tranh chấp và bồi thường thiệt hại do xâm phạm quyền SHTT. “Vì chưa có quy chuẩn chung nên việc lựa chọn phương pháp định giá của các doanh nghiệp định giá cũng rất khác nhau, thế nên mới có chuyện cùng một loại tài sản, mỗi nơi có một phương pháp khác nhau và thường sẽ cho ra kết quả khác nhau. Khi các kết quả khác nhau có sự chênh lệch lớn thì việc lựa chọn kết quả nào cũng là cả một vấn đề. Điều đó phần nào cũng làm giảm uy tín của các tổ chức định giá đối với khách hàng”, bà Vinh nói. Cần hoàn thiện chính sách Vấn đề định giá TSTT chưa được thực hiện nhiều tại Việt Nam. Phần lớn việc định giá phụ thuộc lớn vào sự năng động của các chuyên gia và sự thỏa thuận giữa chuyên gia và nhà đầu tư. Tuy nhiên, các bên có thể đưa ra rất nhiều phương án khác nhau, chuyên gia đưa ra một cách tính, nhà đầu tư đưa ra một cách tính. Trường hợp nhà khoa học đưa ra kết quả nghiên cứu là 10 tỷ nhưng nhà đầu tư chỉ trả 1 tỷ… là khá phổ biến. Vì vậy, các chuyên gia đều cho rằng, rất cần phải có những người tư vấn, những tổ chức trung gian xác định đúng giá trị tài sản của nhà khoa học và nhà đầu tư xác định mình mua bí quyết công nghệ này là xứng đáng. Luật sư Lê Quang Vinh, Giám đốc bộ phận SHTT (Công ty luật BROSS & Partners) cho rằng, bên cạnh việc xây dựng và phát triển các tổ chức trung gian định giá tài sản trí tuệ, nhà nước cần có những quy định chung về cơ chế chính sách cũng như là trách nhiệm phối hợp giữa khách hàng và tổ chức thẩm định giá một cách rõ ràng thì trong quá trình định giá mới đầy đủ và chính xác. “Cần có quy chuẩn chung trong định giá tài sản trí tuệ để có sự thống nhất trong quá trình định giá, trả lại giá trị đích thực cho tài sản trí tuệ, giúp cho việc ra các quyết định phù hợp nhất liên quan đến bảo hộ, khai thác, thương mại hóa TSTT của các viện nghiên cứu, trường đại học, doanh nghiệp cũng như giúp cho việc thực hiện tốt chức năng quản lý nhà nước có liên quan”, Luật sư Vinh nói. Tại Hội thảo “Định giá tài sản trí tuệ” do Cục Sở hữu trí tuệ phối hợp với Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) tổ chức mới đây tại Hà Nội, Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Văn Tùng khẳng định, vấn đề định giá tài sản trí tuệ ngày nay trở thành mối quan tâm không chỉ của doanh nghiệp mà còn đối với cả các nhà lập pháp, hoạch định chính sách và quản lý kinh tế vĩ mô, từ những nhà kinh doanh đến những nhà sáng tạo, những người làm công tác quản lý hoạt động sáng tạo ở các trường đại học, viện nghiên cứu… Trong Chiến lược phát triển KH&CN giai đoạn 2011 – 2020 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đã nêu rõ: Định giá TSTT là một trong những công việc có ý nghĩa quan trọng trong hoạt động thương mại hóa TSTT, từ đó tạo điều kiện hình thành và phát triển thị trường KH&CN. “Trong thời gian tới về phía Bộ KH&CN cũng đang xây dựng các văn bản chính sách hướng dẫn trong việc định giá TSTT”, Thứ trưởng Trần Văn Tùng nhấn mạnh. Còn theo ông Nguyễn Hữu Cẩn, phó Viện trưởng Viện khoa học SHTT (Bộ KH&CN) điều quan trọng nhất là phải nâng cao nhận thức của doanh nghiệp và xã hội về ý nghĩa kinh tế của tài sản trí tuệ, từ đó có một chiến lược tạo dựng, duy trì, phát triển tài tản trí tuệ, sau đó mới đến công việc tiếp theo là tiến hành định giá tài sản trí tuệ. |