Bản in
Thiếu tổ chức định giá tài sản trí tuệ chuyên nghiệp
“Nếu nói đến những phương pháp, cách thức định giá, những người định giá khách quan, có chuyên môn, có nghề nghiệp như của các nước phát triển trên thế giới thì hiện nay Việt Nam đang rất thiếu”, thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Trần Văn Tùng (KH&CN) đã khẳng định như trên trong Hội thảo “Định giá tài sản trí tuệ” do Cục Sở hữu trí tuệ - Bộ KH&CN phối hợp với Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) tổ chức từ mới đây tại Hà Nội. Phóng viên đã có cuộc trao đổi với Thứ trưởng xung quanh vấn đề này.

- Thưa thứ trưởng, việc xây dựng và hoàn thiện hệ thống bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ (SHTT) cũng như khuyến khích, hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ (TSTT) đang trở thành đòi hỏi có tính toàn cầu và trở thành một nội dung quan trọng trong các hoạt động kinh tế-xã hội của đất nước, vậy định giá TSTT có đặc biệt quan trọng với sự phát triển KT-XH tại Việt Nam?

Thứ trưởng Trần Văn Tùng: Trong Chiến lược phát triển khoa học và công nghệ giai đoạn 2011 – 2020 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 11/4/2012 đã nêu rõ: “phát triển thị trường khoa học công nghệ gắn với thực thi pháp luật về SHTT nhằm thúc đẩy thương mại hóa kết quả nghiên cứu ứng dụng và phát triển công nghệ, khuyến khích sáng tạo khoa học và công nghệ”. “Định giá TSTT là một trong những công việc có ý nghĩa quan trọng trong hoạt động thương mại hóa TSTT, từ đó tạo điều kiện hình thành và phát triển thị trường KH&CN.

Vấn đề định giá TSTT ngày nay trở thành mối quan tâm không chỉ của doanh nghiệp mà còn đối với cả các nhà lập pháp, hoạch định chính sách và quản lý kinh tế vĩ mô, từ những nhà kinh doanh đến những nhà sáng tạo, những người làm công tác quản lý hoạt động sáng tạo ở các trường đại học, viện nghiên cứu…”

Đặc biệt, chỉ khi xác định được giá trị TSTT thì mới có cơ sở để thực hiện các giao dịch trao đổi, mua bán và khi đó TSTT mới đến được với nhiều người có nhu cầu, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.

Định giá tài sản tốt sẽ giúp cho việc ra các quyết định phù hợp nhất liên quan đến bảo hộ, khai thác, thương mại hóa TSTT của các viện nghiên cứu, trường đại học, doanh nghiệp cũng như giúp cho việc thực hiện tốt chức năng quản lý nhà nước có liên quan. Định giá TSTT còn nhằm mục đích truyền thống là xác định giá trị thiệt hại trong các vụ tranh chấp quyền SHTT.

- Theo Thứ trưởng, việc định giá tài sản trí tuệ có ý nghĩa như nào đối với sự phát triển thị trường chuyển giao công nghệ?

Đây là một việc hết sức quan trọng đóng góp vào sự phát triển KH&CN Việt Nam, nếu không có định giá đây sẽ là một khó khăn, ách tắc lớn nhất, bởi vì không ai dám mua, dám bán  tài sản SHTT.

Hiện nay rất nhiều kết quả nghiên cứu của các nhà khoa học làm ra nhưng mới ở dạng kiến thức, lý thuyết, nằm trong các kho lưu giữ các kết quả nghiên cứu, không có ai định giá và tìm cách đưa ra ngoài thị trường, đặc biệt không có tổ chức trung gian đánh giá và như thế nhà khoa học không dám chuyển giao vì sợ thiệt thòi, nhà đầu tư không dám mua sợ bị hớ, sợ phương án đầu tư sản xuất của mình sẽ không có hiệu quả.

Nhưng nếu qua những tổ chức trung gian như thế này thì hai bên sẵn sàng  gặp nhau, và như vậy những người cung cấp kiến thức công nghệ sẵn sàng bán kết quả nghiên cứu của mình và nhà đầu tư sẵn sàng mua khi các phương án sản xuất có hiệu quả. Đây là một việc hết sức quan trọng.

- Hiện tại Việt Nam đã có những cá nhân, tổ chức định giá TSTT chuyên nghiệp chưa thưa Thứ trưởng?

Nếu nói đến những phương pháp, cách thức định giá, những người định giá khách quan, có chuyên môn, có nghề nghiệp như của các nước phát triển trên thế giới thì hiện nay Việt Nam đang rất thiếu. Vì vậy, trong thời gian tới về phía Bộ KH&CN cũng đang xây dựng các văn bản chính sách hướng dẫn trong việc định giá TSTT.

Nếu chúng ta xác định được các tổ chức trung gian, các tổ chức có chức năng làm nhiệm vụ đánh giá, xác định và định giá TSTT sẽ giúp cho các nhà khoa học yên tâm chuyển giao các kết quả KH&CN không bị thua thiệt, và các nhà đầu tư sẽ yên tâm nhận được kết quả nghiên cứu xứng đáng với kinh phí, đồng tiền bỏ ra. Đây sẽ là một định hướng và hướng đi Bộ KH&CN đang chỉ đạo, đặc biệt thông qua các hội thảo như vậy sẽ giúp cho đại biểu cũng như các nhà khoa học có đầy đủ kiến thức để biết các tham gia vào “thị trường” KH&CN, yên tâm chuyển giao và  đầu tư vào nghiên cứu vĩ mô, góp phần đẩy nhanh việc chuyển giao nhanh kết quả nghiên cứu KH&CN vào đời sống.

Các đại biểu tham dự Hội thảo “ Định giá tài sản trí tuệ” do Cục Sở hữu trí tuệ - Bộ KH&CN phối hợp với Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) tổ chức
Các đại biểu tham dự Hội thảo “ Định giá tài sản trí tuệ” do Cục Sở hữu trí tuệ - Bộ KH&CN phối hợp với Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) tổ chức

- Được biết trong thời gian gần đây tại Việt Nam đã chứng kiến những hợp đồng chuyển giao công nghệ…, vậy các phương pháp ấy từ trước đến nay dựa trên cơ sở nào?

Dựa trên cơ sở giữa các nhà khoa học và doanh nghiệp thỏa thuận với nhau, họ có thể đưa ra rất nhiều phương án, nhà khoa học đưa ra một giá, nhà đầu tư đưa ra một cách tính.

Ví dụ nhà khoa học đưa ra kết quả nghiên cứu là 10 tỷ nhưng nhà đầu tư chỉ trả 1 tỷ… vì vậy cần phải có những người tư vấn, những tổ chức trung gian xác định đúng giá trị tài sản của nhà khoa học và nhà đầu tư xác định mình mua bí quyết công nghệ này là xứng đáng.

- Nếu vậy, trong quá trình định giá tài sản trí tuệ còn mới mẻ và lạ lẫm tại Việt Nam như này, kết quả rủi ro bên nào sẽ chịu trách nhiệm?

Tôi nghĩ không có một nguyên mẫu, một thước đo chằn chặn cho việc định giá như thế này mà những nhà định giá tài sản trí tuệ sẽ cung cấp những phương pháp luận để chúng ta tính toán cụ thể.
Ví dụ nếu bạn là một nhà khoa học, bạn thấy kết quả nghiên cứu của mình bán như thế là hợp lý, còn người mua thì sẽ mua được sản phẩm xứng đáng với đồng tiền của mình bỏ ra… nhưng đó chỉ là một cách tính tương đối trong một phương án sản xuất.

- Thứ trưởng đánh giá như nào về nhân lực đánh giá và định giá TSTT tại Việt Nam hiện nay?

Theo tôi lực lượng này  còn ít. Tuy nhiên hiện nay có một số công ty tư vấn luật đã bắt đầu thực hiện việc này ở các mảng khác dễ hơn như xây dựng, giao thông hay các vấn đề cụ thể… nhưng với TSTT người ta gọi đó là tài sản vô hình thì việc đánh giá phải dùng những phương pháp của thế giới, những thông lệ, kinh nghiệm của thế giới và chắc chắn rằng chúng ta không thể đi ngoài kinh nghiệm của thế giới, để vận dụng vào cho Việt Nam một cách khoa học và để phát triển lực lượng đó lên trong thời gian tới.

Vấn đề định giá TSTT chưa được thực hiện nhiều tại Việt Nam. Phần lớn định giá phụ thuộc lớn vào sự năng động của nhà khoa học và sự thỏa thuận giữa nhà khoa học và nhà đầu tư.

- Vậy nguồn lực thực hiện việc định giá sẽ lấy từ đâu?

Nguyên tắc của định giá là thông qua các tổ chức dịch vụ và tự nó sẽ ra đời dựa trên hệ thống pháp luật của Bộ KH&CN cùng các đơn vị có liên quan sẽ xây dựng nên và tạo một môi trường pháp lý cho các tổ chức đó hoạt động và đó là những tổ chức dịch vụ mà nhà nước không phải bắt buộc thành lập ra để phát triển trên thị trường mà do các cá nhân, do những người có tâm huyết thành lập.

Định giá TSTT là vấn đề cực kỳ phức tạp bởi nó liên quan nhiều đến TSTT khác nhau, đồng thời đây cũng là vấn đề về kinh tế và kỹ thuật nên chúng tôi cũng hi vọng thông qua hội thảo này sẽ cung cấp những thông tin đầy đủ để giúp Việt Nam phát triển được một nhóm chuyên gia về SHTT chuyên biệt và có thể giới thiệu về kiến thức định giá cho các cơ quan liên quan khác của Việt Nam.

Xin cảm ơn Thứ trưởng!