Bản in
Người hiến kế "lạ" cho nông dân
Trồng chôm chôm đực, dâu đực có thể tăng tỷ lệ đậu trái từ 85 - 95%, và trái to hơn khi thu phấn nhân tạo giữa chôm chôm đực, dâu đực và cái so với phương pháp thông thường.

Đó là sáng kiến của ông Đỗ Văn Tài (ấp Tân Qui 1, xã An Phú Tân, huyện Cầu Kè, Trà Vinh).

Tạo ý tưởng nhờ viết bài cho đài phát thanh

Chôm chôm là loại cây có giá trị kinh tế cao và được thị trường ưa chuộng. Nhưng đây lại là loại cây trồng có nhiều đặc tính phụ thuộc vào thời tiết thay đổi thất thường. Nếu để cây tự thụ phấn thì do trên chùm hoa không có hoa đực thì tỷ lệ đậu trái là rất thấp. Trong khi đó, đời sống chủ yếu của bà con của ấp là sản xuất chuyên canh vườn, trồng nhiều loại cây ăn trái như: chôm chôm,măng cụt,sầu riêng, cam, chanh, bưởi...

Bản thân ông Tài là một nhà vườn, thích giao lưu học hỏi, trao đổi nhiều kinh nghiệm hay để áp dụng vào vườn cây ăn trái. Nên ông rất hiểu sự hồi hộp, lo lắng của bà con nông dân khi trồng cây mà luôn phải "trông ông trời''.

Như một sự tình cờ, vào năm 1998, ông nghe được chương trình phát thanh nông thôn của đài TNND TP HCM. "Đây là một chương trình thật sự bổ ích cho nhà nông, bởi chương trình này nêu lên các mô hình làm ăn có hiệu quả của người nông dân, nhiều gương nông dân sản xuất kinh doanh giỏi điển hình. Từ đó, tôi đã học hỏi được rất nhiều từ mô hình của mọi người. Ngoài ra, Tài tôi cũng cũng tham gia viết nhiều bài cho chuyên đề nông nghiệp của đài", ông Tài chia sẻ.

Trong những sáng kiến của mình ông Tài mong muốn tiến tới xây dựng thương hiệu trái cây, hàng hóa đạt tiêu chuẩn: ngon ,sạch, đẹp và an toàn. Tuy nhiên, với phương pháp này thì cái khó là hoa đực - hoa cái, không nở cùng lúc thì không áp dụng được.

Thành công từ ý tưởng lạ

Mặc dù, cái khó là vậy nhưng qua nhiều năm trồng chôm chôm đực để lấy bông thụ phấn thì nay bà con nông dân của cồn Tân Qui luôn ý thức rằng: trồng chôm chôm trong vườn nhất thiết phải trồng kèm chôm chôm đực - điều trước đây không có.

...và bưởi. (Ảnh: B.N)

Chọn cây chôm chôm đực đang kỳ nở hoa rộ,dùng đệm ny lon trải quanh gốc, rung cho hoa đực rơi xuống đệm bảo quản đưa đi thụ phấn. Thời gian thụ phấn từ 6-8 giờ sáng, dùng thau nhỏ có chứa khoản 1 lít hoa chôm chôm đực vào vườn. Sau đó, chọn chùm chôm chôm đang nở khoảng 50 - 70% nhúng vào thau đựng hoa đực rồi lắc nhẹ. Một lít hoa đực có thể thụ phấn cho 30 chùm hoa. Những cây tán rộng thân cao thì dùng sào trúc kẹp từng nhánh nhỏ hoa đực dắt lên từng chùm hoa (bông) chôm chôm thường. Chú ý: mỗi chùm bông chôm chôm thường chỉ cần thụ phấn hoa đực một lần, không cần lập lại.

Bởi chôm chôm là loại cây trồng lâu năm có thời gian kinh doanh từ 30-40 năm tuổi, do đó cần chú ý bờ liếp (tấm che), mương rãnh cũng như mật độ trồng cho hợp lý (khoảng 24 - 28 gốc/ 1000 m2).

Ông Tài cho biết thêm: phương pháp này, người dân còn có thể áp dụng cho thụ phấn dâu từ việc trồng dâu đực. Ngoài độc chiêu này, ông Tài còn "hiến kế" - nuôi kiến vàng trong vườn cây có múi. Nó không những làm tăng năng suất, chất lượng trái mà còn tiêu diệt được bọ xít, rầy chỏng cánh và kháng được sâu đục thân. Nó được đưa vào chương trình GAP của tỉnh Trà Vinh.

Rất mong Nhà nước, ngành nông nghiệp và khoa học công nghệ sẽ có dự án triển khai giải pháp này bằng nhiều hình thức như: thông qua tổ hợp tác, hợp tác xã để tổ chức các chuyên đề hội thảo, tập huấn... cho bà con để người nông dân có thể làm giàu từ trồng cây. Đây là sự mong muốn thiết thực của ông Tài.