
|
|||
Tiến sĩ Trần Ngọc Thạch - Phó Viện trưởng viện Lúa, đồng bằng sông Cửu Long, cho biết viện đã trình cấp trên kiến nghị về việc các đơn vị sử dụng những sáng chế của viện (các giống lúa mới) phải trả một phần kinh phí, để tái đầu tư nghiên cứu. “Ở Úc, có cả một Hiệp hội lương thực đứng ra trích một phần doanh thu xuất khẩu nông sản, đầu tư vào nghiên cứu. Ở Ấn Độ cũng vậy, còn ta thì Hiệp hội lương thực chưa làm được như vậy”, TS Thạch cho biết. Theo ông, các doanh nghiệp xuất khẩu gạo, với mỗi tấn bán ra, chỉ cần bớt lại 1kg gạo để nộp vào một quỹ nào đó, đầu tư lại cho khoa học thì những người làm nghiên cứu có thêm nguồn lực, cho ra đời những giống lúa năng suất hơn, giúp nông dân sản xuất nhiều gạo hơn, thương lái thu mua với giá thành thấp hơn, cạnh tranh được với gạo của các nước bạn... Như thế, tất cả cùng được hưởng lợi. Ước tính, mỗi năm Việt Nam xuất khẩu trên 7 triệu tấn gạo, mỗi tấn gạo chỉ cần trích 1 đô la thì mỗi năm, tiền được đầu tư cho khoa học lên đến 7 triệu đô la. “Tiền trích lại cũng không phải đưa vào túi các nhà khoa học mà phần lớn để mua máy móc, nhân tạo giống, đào tạo thế hệ sau...”, TS Thạch phân tích. Tuy nhiên, theo lãnh đạo Bộ KHCN, để có được cơ chế như vậy, cần sự đồng thuận của hệ thống chính trị, những người làm chính sách và tài chính trong nước. |