Khó có thể hình dung được những sản phẩm gốm sứ chất lượng cao nổi tiếng với doanh thu hàng nghìn tỷ đồng, đã chinh phục được nhiều thị trường trên thế giới, với một số tính năng vượt trội hơn cả sản phẩm của những hãng gốm sứ quốc tế danh tiếng hàng đầu, lại là kết quả của một quá trình mày mò tự nghiên cứu của một người chủ chưa từng qua đào tạo chính quy về gốm, và trình độ học vấn chưa qua lớp 4 trường làng. Ông hóm hỉnh gọi nhà máy của mình là trường học đại, vì “nơi đây toàn những người xuất phát không hiểu biết gì về công nghệ gốm sứ, cũng không qua trường lớp đào tạo chính quy về nghề này”.
Quyết tâm làm chủ công nghệ
“Tôi mê nghề chứ không quá ham chuyện kiếm tiền. Chính sự mê nghề đã tạo cho tôi bản lĩnh và sự bạo dạn, và cho phép mình đầu tư những khoản đầu tư lớn, dù có thể không đem lại hiệu quả kinh tế như mong muốn nhưng đem lại thành tựu kỹ thuật. Đối với tôi, thành tựu kỹ thuật quan trọng hơn thành tựu kinh tế”. Ông Lý Ngọc Minh, chủ doanh nghiệp Minh Long 1
|
Với xuất phát điểm từ chỗ thiếu cả kinh nghiệm thực tiễn và kiến thức chuyên môn, ông Lý Ngọc Minh và những cộng sự của mình đã phải tự mày mò tìm hiểu, nghiên cứu, và học hỏi liên tục. Chính nhờ quá trình học hỏi liên tục mà hoạt động và kỹ thuật sản xuất của công ty không ngừng được cải tiến, nhiều công nghệ và thiết bị được công ty áp dụng và sửa đổi lại vừa phù hợp với ý muốn của mình, vừa giảm bớt sự phụ thuộc vào nước ngoài.
Ví dụ như loại bột tạo phôi mà ở nước ngoài các công ty gốm sứ phải lấy nguồn cung cấp từ các nhà sản xuất chuyên trách, trong đó đòi hỏi máy móc hiện đại và kỹ thuật rất cao, nhưng Minh Long hoàn toàn tự chủ động sản xuất lấy. “Nếu nhập của nước ngoài thì thời gian chậm quá, không kịp phục vụ sản xuất, và mỗi khi cần thay đổi một loại đất nào đó thì lại gặp khó khăn. Mặc dù tự sản xuất thì cũng khá vất vả nhưng chi phí vẫn rẻ hơn, giúp tiết kiệm 30 - 50% so với nhập của nước ngoài”, ông Minh giải thích.
Một ví dụ khác là các loại khuôn đặc chủng mà trước đây Minh Long bắt buộc phải nhập khẩu từ nước ngoài và gặp hạn chế là mỗi nhà máy của họ chỉ sản xuất được 100-200 chủng loại khuôn, trong khi Minh Long phải sản xuất tới cả nghìn chủng loại khác nhau nhằm đáp ứng đặc thù văn hóa người tiêu dùng của Việt Nam vốn luôn đòi hỏi sự phong phú về kiểu dáng, mẫu mã. Vì vậy, sau gần 10 năm từ học hỏi cách bố trí máy móc, thiết bị, phần mềm, huấn luyện tạo đội ngũ người làm, và liên tục cải tiến, Minh Long đã tạo ra được một quy trình sản xuất khuôn suôn sẻ, với giá thành chỉ bằng một phần tư giá nhập khẩu.
Phần lớn các đổi mới công nghệ tại Minh Long chủ yếu do ban giám đốc nghiên cứu, khảo sát, từ đó đề ra những ý tưởng đổi mới, và tự tìm cách xử lý các vướng mắc”, ông Minh lý giải. Chẳng hạn như với công nghệ men chống bám dính, khi nghe nói trên thế giới có công nghệ men giúp gốm sứ không bám bẩn dầu mỡ, ông Lý Ngọc Minh và ban giám đốc đã tự tìm hiểu về nguyên lý chế ra men đạt tới kích thước nano để có độ bóng và chống bám dính như mong muốn, rồi cũng tự họ nghiên cứu tìm mua máy móc về sản xuất lấy. Những máy móc này, cũng như đa số các thiết bị nhập khẩu khác từ nước ngoài, khi nhập về Minh Long luôn tìm cách học cách tự cài đặt sử dụng để khi không có chuyên gia nước ngoài thì công ty vẫn có thể tự chủ được. “Kể cả khi một số linh kiện hư hỏng chúng tôi cũng tự chế tạo được để có thể sử dụng tạm thời khi chưa có linh kiện nhập thay thế”, ông Minh tự tin khẳng định.
Màu và men: làm được điều thế giới chưa làm được
Từ khi mới xuất hiện, gốm sứ Minh Long đã nổi tiếng vì độ trắng bóng, và trong thời gian liên tục mười mấy năm những phẩm chất này vẫn liên tục được cải tiến nâng cao. “Tới nay, độ trắng bóng của gốm sứ Minh Long gần như đạt tới tuyệt đối”, ông Minh khẳng định. Theo ông, trong số hàng nghìn hãng gốm sứ trên thế giới, chỉ có khoảng năm hãng có chất lượng tương đương với Minh Long về độ trắng, độ bóng, độ cứng, và không có hãng nào, dù là của Đức, Pháp, hay Nhật, hơn được sản phẩm của Minh Long về các tiêu chí này.
Bên cạnh đó, tất cả những hãng gốm nổi tiếng về kỹ thuật vẽ gốm bằng tay – như hãng Meissen của Đức và Herend của Hungary nổi tiếng về vẽ tay trên bình hoa, hay hãng Royal Copenhagen của Đan Mạch đứng đầu về vẽ tay trên chén, đĩa – đều phải dùng công nghệ truyền thống là nung sản phẩm ở nhiệt độ 800 – 850 độ C, trong khi công nghệ gốm vẽ tay của Minh Long cho phép nung sản phẩm tới nhiệt độ 1230 – 1250 độ C. Ông Minh khẳng định rằng sự vượt trội này về công nghệ khiến sản phẩm vẽ tay của Minh Long đứng xa thấy đẹp, lại gần thì mịn màng, sờ vào thấy mát, còn sản phẩm vẽ tay của nước ngoài có thể đứng xa thấy đẹp nhưng lại gần thấy màu men bị đục, sờ vào thấy cộm. Nhìn vào những sản phẩm này của nước ngoài không thể thấy chiều sâu của họa tiết, trong khi nhìn vào họa tiết của Minh Long dưới lớp men được nung ở nhiệt độ cao đem lại hiệu ứng ba chiều và độ sâu, tạo cảm giác sinh động hơn.
Đồng thời, trên thế giới cũng chưa có hãng gốm nào có được một số màu sắc đặc biệt như sản phẩm của Minh Long khi nung ở nhiệt độ cao, ví dụ như màu đỏ sậm, hay màu xanh dương – để trong phòng thì là màu xanh thẫm, khi mang ra ngoài sáng thành tươi màu thiên thanh – mà ông Minh gọi là màu king blue. Với nhiệt độ nung tối đa là 850 độ C mà công nghệ chung của thế giới hiện nay đang áp dụng, khi sản phẩm tiếp xúc lâu với mưa, nắng, hoặc gặp môi trường khắc nghiệt như kiềm, mặn, hay chua (tiếp xúc với chanh, dấm) thì men có thể sẽ bị bong tróc hoặc phai mờ. Ngoài vấn đề về thẩm mỹ, điều này còn gây nguy hại cho người sử dụng, vì men chính là lớp bảo vệ ngăn chất độc – thông thường các sản phẩm màu đẹp, như các màu đỏ, vàng chanh, hay vàng cam, thì đều có cadmidium, hoặc một số sản phẩm gốm sứ của Trung Quốc dùng màu pha chì cũng rất độc hại nếu bị hỏng lớp men bảo vệ. Nhưng với sản phẩm của Minh Long, ông Minh khẳng định rằng lớp men bảo vệ sau khi trải qua nhiệt độ nung cao sẽ tồn tại được bền vững “hàng nghìn năm mà không gặp vấn đề gì”, và ngăn được chất độc tiết ra từ màu khi sản phẩm trong quá trình sử dụng tiếp xúc lâu với kiềm hay axit. Cũng nhờ bảo đảm an toàn như vậy nên sản phẩm của Minh Long dễ dàng vượt qua được các hàng rào tiêu chuẩn kỹ thuật của những thị trường khó tính như Mỹ, châu Âu, Nhật Bản.
Khi được hỏi vì sao các hãng làm gốm vẽ tay trên thế giới không nung được ở nhiệt độ cao như Minh Long, ông Minh nói: “Vì công nghệ của chúng tôi rất khó”. Khi gốm được nung ở nhiệt độ cao, men và màu cùng bị tan chảy và thay đổi về cấu trúc cũng như bước sóng ánh sáng khi nhìn vào, khiến hình ảnh và màu sắc cũng bị thay đổi không còn được như ý muốn ban đầu của người nghệ nhân. Ngoài ra, khi men nóng chảy thì màu vẽ bên dưới cũng có thể bị rung, nhòe, dịch chuyển, khiến nét vẽ bị biến đổi, ông nói. Tuy nhiên, ông không tiết lộ chi tiết bí quyết giúp Minh Long vượt qua những khó khăn kỹ thuật này. “Đơn giản là chúng tôi nắm vững và vận dụng một số kiến thức vật lý, và trong chừng mực nào đó biết cách làm ảo thuật– những nhà ảo thuật đều là những người giỏi vận dụng các kỹ thuật vật lý – để có thể đạt được những kết quả mà người khác không đạt được”.
Linh tính và những may mắn tình cờ
Nói về bí quyết thành công của bản thân, ông Minh khiêm tốn cho rằng mình là người gặp nhiều may mắn. Ông kể nhiều câu chuyện để chứng minh cho sự may mắn của mình. Một lần ông đóng vai là người đang tìm mua lò gốm vào tham quan một nhà máy sản xuất gốm ở châu Âu, kỳ thực là ngầm tìm cách học hỏi về cách bố trí máy móc của xưởng gốm. Nhưng người quản lý nhà máy hôm đó đoán được ý định của ông nên chỉ cho ông đứng xem lò chứ không cho tự do đi xem những nơi khác. “Tôi đứng đó hết một buổi mà không có cách gì khác, đành phải thất vọng đi về, trong lòng thầm nghĩ vậy là tốn sức vô ích, mất công chạy ô tô xa 3-4 trăm km mà đành về không.” Nhưng thật tình cờ, khi về trên con đường cao tốc nơi những chiếc xe đều phóng với tốc độ 150-170 km/giờ, một người quen đi ngược chiều, cũng chính là người bán lò cho ông Minh, đã nhận ra xe của ông và đánh xi nhan để hai bên dừng lại. Khi biết được nỗi thất vọng của ông, người bạn liền thuyết phục ông cùng quay lại nhà máy đó vào ngày hôm sau. “Khi chúng tôi quay lại thì người phụ trách hôm đó là người phó của vị quản lý hôm trước, và anh này vì không biết được ý đồ của tôi nên đã cho phép tôi đi lại tham quan tự do”. Nhờ cơ hội đó mà ông học hỏi được từ xưởng gốm đó những thông tin thiết yếu về bố trí thiết bị, hoàn toàn khớp với dây chuyền công nghệ mà Minh Long khi đó nhắm tới.
Nhưng với những công nghệ cốt lõi bên trong – như về cấu trúc vật liệu hay những loại màu, men mới – là những điều không thể học lỏm được, thì ông bắt buộc phải đầu tư nghiên cứu, học hỏi qua sách vở và nhiều nguồn khác nhau. Trong quá trình đó, ông cũng nhận được những sự giúp đỡ hoàn toàn bất ngờ. Có những người bạn không làm nghề gốm, nhưng bỗng mang đến tặng cho ông những cuốn sách tư liệu hữu ích. Cũng chính là bạn bè đã giới thiệu về máy đo laze để ông nghiên cứu sử dụng thay thế cho cách đo cổ điển, từ khi loại thiết bị này còn rất mới và không mấy ai biết. “Khi mua máy đo laser, chúng tôi phải năn nỉ, thuyết minh rất nhiều họ mới tin là dùng cho sản xuất gốm sứ, và người bán máy bắt tôi cam kết không dùng vào mục đích quốc phòng”, ông Minh kể.
Cũng có lúc sự may mắn của ông tình cờ đến mức lạ lùng, như lần ông tự mày mò chế được màu đỏ ô xít thiếc của Anh mà ông không thể tìm được trong sách vở vì nhà sản xuất giấu kín bí quyết. Đó là một lần làm việc cẩu thả, do nghiên cứu tìm tòi lâu ngày mà không ra nên ông mỏi mệt, lười không dọn dẹp phòng thí nghiệm. Tình cờ trong số các màu rơi vãi lẫn lộn chồng chéo vào nhau, ông linh cảm rằng một trong số đó chính là thứ màu ông hằng tìm kiếm, và linh tính của ông đã hoàn toàn đúng.
Ông Minh cho rằng yếu tố may mắn tình cờ là rất cần thiết trong mọi việc, kể cả trong công việc của những người làm khoa học và công nghệ. Nhưng điều quan trọng là làm sao nắm bắt được những cơ hội bất ngờ đó. “Người khác có thể cũng gặp tình huống tình cờ như tôi, nhưng điều khác biệt là tôi có linh tính để nắm bắt được”.
Vào sinh ra tử
Làm gốm tới mức đam mê như ông Lý Ngọc Minh thì cũng có cả những lần vào sinh ra tử. Ông kể cho chúng tôi về những chuyến đi lý thú nhưng cũng đầy bất trắc tới các mỏ đất, trong đó có hai lần suýt bỏ mạng khi một lần bị kẹt trong mưa rừng Phú Thọ giữa lúc chiều tối, và một lần đi đường 9 Nam Lào gặp đúng đoạn đèo bị sạt lở. Ông không chỉ tới các mỏ đất ở Việt Nam, mà lặn lội đến cả những mỏ đất lớn trên thế giới, tìm xuống những hầm mỏ đất sâu tới hàng trăm mét ở Trung Quốc, trong những chiếc lồng sắt không đèn đuốc mà mỗi lần đi xuống phải mất hàng 5-7 phút. “Vừa đi tôi vừa run, sợ rằng không may lồng bị đứt xuống thì biết làm sao”, ông vui vẻ kể lại.
Nhưng đối với ông, những chuyến đi đó chưa thể so được với ba lần “sinh tử”, khi ông cận kề cái chế trong gang tấc. Lần thứ nhất vào năm 1980, khi ông xây một hồ nước mấy trăm khối để lọc đất. Thời đó rất thiếu xi măng nên ông tiết kiệm, pha lẫn với vôi. Hậu quả là nước bị rò dưới chân. Chỉ giây lát sau khi ông xem xét chỗ rò và quyết định ngày hôm sau sẽ sửa lại, vừa bước đi được 5 m thì toàn bộ hồ đang đầy bị vỡ toang. “Nếu tôi ở gần hơn chắc chắn toàn bộ bức thành bể xây gạch dày 20 phân sẽ cuốn bay vào đầu”, ông kể. Lần thứ hai xảy ra khoảng một năm sau, vào thời kỳ Minh Long còn làm bộ trà phỏng theo hình trái măng cụt. Để ra màu măng cụt phải sử dụng men chảy, vì vậy phải dùng máy để mài những mẩu men rớt xuống chân đế sản phẩm. Thấy công nhân mài quá chậm ông đích thân thử làm nhằm tìm ra cách nhanh hơn hướng dẫn lại cho họ. Bánh đá mài thời đó phải dùng loại của Liên Xô, không được thẳng như của Nhật nên rất dễ bị rung. Khi ông vừa ngồi xuống thì nghe một tiếng nổ lớn như lựu đạn. Nhìn xuống tay thấy bình trà măng cụt vỡ nát, nhìn lên trên thấy một mảnh bánh đá mài bắn văng lên cắt đứt ngọt tấm mái tôn. Hai mảnh còn lại của chiếc bánh đá mài bay sát người của ông. Với tốc độ quay của bánh đá mài lên tới 2500 vòng/phút, nếu chúng văng vào người thì chắc chắn ông không thể tránh được và sẽ rất khó sống sót. Còn lần thứ ba xảy đến sau đó vài năm, khi ông ở trong phòng thí nghiệm mải mê nấu keo chế loại màu nhẹ lửa, đang tập trung cao độ nên sơ ý, để cho hai sợi dây điện âm – dương kẹp vào tay. “Tôi nghe như có tiếng pháo nổ và lửa đất trên đầu, miệng há ra mà không kêu được”, ông kể. Khi đó ông nghĩ thầm chắc chắn mình sẽ không thể thoát được, nhưng thật may mắn là sợi dây điện không đủ dài nên bị tuột ra theo cú ngã của ông.
Ngoài những lần cận kề cái chết đó, còn không ít những lần biến cố xảy đến với xưởng gốm, như có lần phòng thí nghiệm của ông bùng cháy khắp nơi, khói bốc nghi ngút nhưng không hiểu sao lửa không bùng to và cuối cùng dập tắt được. Nhưng tất cả những hiểm nguy đó xảy ra không làm ông e ngại, chùn chân. Trái lại, “chúng xảy đến như để báo cho tôi biết rằng mình được phù trợ để làm được những việc lớn mà mình luôn theo đuổi”, ông nói.
Đắc nhân tâm
“Quan hệ giữa tôi với công nhân vừa là chủ thợ, vừa là thầy trò, vừa là anh em”. |
Sinh ra trong một gia đình có truyền thống về gốm sứ - cả ông nội và cha đều theo nghiệp gốm – song chưa từng có ai đẩy được cơ nghiệp lên tới đỉnh cao như Lý Ngọc Minh, do ông không dễ dàng thỏa mãn với những gì làm được mà luôn đặt ra mục tiêu hướng tới cho doanh nghiệp, cả trước mắt và lâu dài. Trước mắt là tìm cách cải tiến sản xuất để có thể hạ thấp chi phí, tạo ra được mức giá đủ thấp giúp công ty trụ vững qua thời kỳ khó khăn chung về kinh tế, và hướng tới mục tiêu rút ngắn quy trình sản xuất để từ hòn đất ra tới sản phẩm chỉ mất 24 tiếng đồng hồ thay vì hàng tuần lễ như hiện nay. Xa hơn là tạo ra những sản phẩm mới có tính đột phá về kỹ thuật, không chỉ thuần túy phục vụ tiêu dùng mà sẽ có cả những sản phẩm phục vụ các ngành công nghiệp. “Chúng tôi sẽ tạo tiền đề để thế hệ lãnh đạo doanh nghiệp kế tiếp thực hiện được bước phát triển này trong tương lai”, ông nói.
Tuy nhiên, để đạt được những mục tiêu đề ra, theo ông Minh phải thực hiện tốt nguyên tắc quyền lợi người lao động gắn liền với quyền lợi của doanh nghiệp, đồng thời phải truyền được cảm hứng và nhiệt huyết từ người chủ doanh nghiệp tới mọi người lao động, hay nói cách khác là khả năng thu phục nhân tâm. “Quan hệ giữa tôi với công nhân vừa là chủ thợ, vừa là thầy trò, vừa là anh em”, ông nói.
Khi cùng ông Minh đi tham quan nhà máy, chúng tôi thấy ông vừa giới thiệu từng chi tiết dây chuyền công nghệ, vừa liên tục dừng lại trao đổi công việc với mọi người ở mọi cấp bậc, từ thấp tới cao, với tâm thế ôn hòa, cẩn trọng, và hết sức giản dị. Trong ánh mắt những người nhân viên chúng tôi thấy sự tin tưởng và yên tâm thoải mái, hoàn toàn không có sự xa cách. Không chỉ những người công nhân, mà tất cả mọi người từng tiếp xúc với ông Minh đều tìm thấy ở ông sự bình dị nhưng không sơ sài, luôn chu đáo với mọi người. Và có lẽ đó là lý do nhiều người chỉ một lần tiếp xúc đã tìm cách giúp đỡ ông một cách hoàn toàn vô tư. Ông kể với chúng tôi rằng năm 1987, trong dịp đi Đức dự một hội chợ ở Leipzig, anh tham tán thương mại của sứ quán Việt Nam khi nghe ông nói chuyện, bày tỏ mong muốn được đi tham quan một nhà máy làm sứ cách điện, đã ngay lập tức đồng ý giúp đỡ. Ông còn nhớ rằng đêm hôm ấy hai người phải dậy từ 3 giờ sáng, ra đường giữa cái rét 0 độ C, và đi xe lửa mất 3 tiếng đồng hồ. Nhưng thật đáng tiếc sau đó hai người bị thất lạc liên lạc, và đây là điều mà đến bây giờ ông vẫn còn cảm thấy áy náy.
Câu chuyện về chiếc Chén ngọc Thăng Long
Chén ngọc Thăng Long, sản phẩm chào mừng đại lễ 1000 năm Thăng Long – Hà Nội |
Để làm ra chiếc chén ngọc Thăng Long là một quá trình dài, thai nghén ý tưởng mất 5-6 năm, rồi mất 3-4 năm làm đi làm lại mới ra được sản phẩm cuối cùng. Từ mười mấy năm trước sự kiện kỷ niệm một nghìn năm Thăng Long – Hà Nội, chúng tôi đã nghe phong thanh về sự kiện này và thai nghén tìm ý tưởng chuẩn bị. Tôi đã suy nghĩ rất nhiều, không biết làm cách nào để cô đọng nội dung và ý nghĩa lịch sử của sự kiện thành một biểu tượng trên gốm. Cuối cùng, chúng tôi quyết định làm một chiếc cúp – sản phẩm đỉnh cao về kỹ thuật làm gốm sứ do mức độ khó khi chế tác - và đưa ra tham dự một chương trình đầu giá từ thiện nơi có sự góp mặt của giới trí thức và nghệ sỹ, và mong muốn nhận được những ý kiến đóng góp của công chúng. Lần đó, có ý kiến cho rằng chiếc cúp tuy đẹp nhưng vẫn không phản ánh đặc thù văn hóa cổ truyền, dù có gắn hai con rồng chầu hai bên thì hình hài cơ bản của chiếc cúp vẫn là từ châu Âu. Vì thế, tuy cuộc đấu giá thành công, chiếc cúp bán được khoảng 60-70 nghìn USD, nhưng chúng tôi thấy vẫn chưa đạt được mục đích như mong muốn.
Tiếp tục suy nghĩ, tôi thấy rằng chiếc cúp xuất xứ lấy hình hài từ chiếc ly của châu Âu, mà dân ta từ xưa đâu có ăn uống bằng ly. Cuối cùng chúng tôi nảy ra ý tưởng chế tác thành chiếc chén ngọc, gần gũi với văn hóa người Á Đông hơn, đồng thời biểu tượng chén ngọc cũng đủ sức đối chọi ngang tầm với biểu tượng những chiếc cúp vàng của châu Âu.
Tuy nhiên, nếu vẫn làm hai linh vật chầu hai bên thì sản phẩm vẫn thành hình chiếc cúp chứ không thành chén được. Vì thế, thay vì làm hai linh vật chầu hai bên, chúng tôi làm ba con rồng đội chiếc chén, có ý nghĩa tượng trưng cho ba miền đất nước. Về nội dung hình vẽ trên thân chén, thay vì vẽ hình ảnh rồng bay lên vốn đã thành khuôn sáo mà nhiều người đã từng làm, chúng tôi sưu tập tài liệu để vẽ hình ảnh Thăng Long nghìn năm trước, với hình ảnh thành cổ, những nhà cửa và ngựa xe tấp nập, và phía xa vẽ cảnh Hà Nội hiện đại trong hiện tại và tương lai. Đồng thời sau nhiều cân nhắc lựa chọn, để tăng tính sang trọng chúng tôi cho chạm nổi họa tiết lên thân chén, rồi tô lên bằng vàng và màu cô-ban.
Về công nghệ chế tác, khó khăn nhất là khi đặt chiếc chén ngọc lên ba linh vật (từ lúc chưa nung), do chén ngọc rất nặng nên sẽ dễ bị nghiêng đổ. Ở nước ngoài người ta có thể làm rời, sau đó lắp ráp bằng keo hoặc ốc vít, nhưng chúng tôi mong muốn làm được liền khối. Để ra được sản phẩm hoàn chỉnh, chúng tôi phải làm sao để cấu trúc vật liệu vừa chịu được lực, vừa chịu được nhiệt độ cao để không bị biến dạng sau khi nung.
Tuy nhiên, chiếc chén mà chúng tôi đã rất vất vả làm mất mấy năm, nung đi nung lại mới xong thì lại có khuyết điểm (bị nghiêng một chút), còn chiếc chén tiếp theo làm mất vài tháng thì tới sát ngày bàn giao sản phẩm mà vẫn chưa được hoàn thành. Nhưng thật may mắn là đúng vào sáng ngày bàn giao, khi chiếc xe đến chuyên chở lùi vào trong xưởng, thì cũng là lúc chiếc chén ngọc mới được ra đời, chỉ nung một lần mà rất hoàn chỉnh, vừa kịp đóng gói để chất lên xe chở đi.
Đó là chuyện may mắn hi hữu, vì sau bao năm tháng thai nghén không ra được sản phẩm hoàn hảo, không ai dám chắc là trong ngày giờ cuối cùng sẽ kịp làm ra được sản phẩm hoàn chỉnh như mình mong muốn.
Lý Ngọc Minh
(trò chuyện với nhóm phóng viên Tia Sáng)
|
|