- Sau khi gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) và ký kết Hiệp định thương mại song phương Việt Nam - Hoa Kỳ (BTA), Việt Nam đã có bước tiến dài trong việc bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ (SHTT), đặc biệt trong việc ban hành và thực thi khung pháp lý. Bộ Luật hình sự cũng đã được sửa đổi để xử lý hình sự những vi phạm về quyền SHTT. Luật SHTT cũng đã được sửa đổi. Những nỗ lực to lớn đó đã làm khung pháp lý trong nước tiệm cận các thông lệ quốc tế tốt nhất cũng như các cam kết của Việt Nam trong WTO/BTA.
- Như ông thấy, pháp luật Việt Nam về SHTT ngày càng được minh bạch hóa. Vậy ông có thể cho biết định hướng đầu tư của cộng đồng doanh nghiệp Mỹ tại Việt Nam thời gian tới?
- Các doanh nghiệp (DN) Mỹ cũng như các nước khác đều không muốn đầu tư vào những nơi không có hệ thống bảo vệ tài sản trí tuệ (TSTT) một cách hữu hiệu. Vì vậy, khi thấy khả năng hệ thống pháp luật bảo vệ quyền SHTT đã hữu hiệu thì không chỉ DN Mỹ mà các nước khác cũng sẽ mở rộng đầu tư tại Việt Nam. Nhưng đây mới chỉ là việc mở đầu để chỉ dẫn cho việc bảo vệ TSTT như thế nào, còn các lực lượng khác như tòa án, hải quan, công an cũng cần thực thi bằng cách bắt giữ, xử phạt và có chế tài để mọi người thấy quyền SHTT được thực thi nghiêm chỉnh tại Việt Nam.
- Hội nhập kinh tế càng sâu, rộng thì DN Việt Nam càng phải đối mặt với nguy cơ làm hàng giả, hàng nhái. Theo ông, DN Việt Nam cần phải làm gì khi tham gia vào thị trường thế giới?
- Trước hết, DN Việt Nam cần làm tốt công tác xác lập, bảo vệ quyền SHTT ngay tại thị trường trong nước trước khi nghĩ đến bảo hộ tại nước ngoài. Trên thế giới có nhiều tổ chức như APEC, ASEAN, WIPO cùng nhau hợp tác để bảo vệ hữu hiệu TSTT của các nước thành viên... Tôi còn nhớ trường hợp ở TP Hồ Chí Minh gần đây có đề nghị một số tổ chức nước ngoài giúp ngăn chặn vụ việc vi phạm quyền SHTT liên quan đến việc ấn hành VCD, DVD. Đây là trường hợp khó vì VCD, DVD được sản xuất ở nước khác và nhập khẩu vào Việt Nam, sau đó được nhân bản. Vì vậy, với việc có một hệ thống pháp luật phù hợp và sự hiệu quả trong hoạt động của cơ quan tòa án, công an thì việc thực thi để phối hợp với cơ quan hữu quan các nước khác trong việc chia sẻ thông tin cũng như thông lệ phổ biến nhất trong việc bảo vệ quyền SHTT.
- Ông có thể cho biết định hướng của Hoa Kỳ trong việc phối hợp và hỗ trợ Việt Nam bảo vệ, thực thi quyền SHTT thời gian tới?
- Chúng tôi sẽ tiếp tục làm việc với Bộ KHCN để tăng cường hơn nữa các quy định của pháp luật Việt Nam trong lĩnh vực này. Và chúng tôi còn làm việc với tòa án, hải quan, các cơ quan thực thi pháp luật khác để ngăn chặn các hành vi vi phạm; bắt giữ, xử lý và nếu cần thiết có thể đưa các đối tượng vi phạm ra xử lý hình sự.
- Xin cảm ơn Đại sứ!
HNM |