Bản in
Doanh nghiệp chưa nhận thức đầy đủ giá trị của bằng sáng chế
Tình trạng xâm phạm, vi phạm sáng chế đang diễn ra ngày càng phổ biến, nhưng dường như các doanh nghiệp vẫn thờ ơ với việc đăng ký sáng chế. Nghịch lý này xuất phát từ nhiều nguyên nhân, do tâm lý sợ lộ sáng chế, chi phí đăng ký tốn kém và quan trọng hơn là doanh nghiệp chưa nhận thức hết giá trị của bằng sáng chế… Đó là ý kiến của ông PHẠM HỒNG QUẤT - PHÓ CHÁNH THANH TRA BỘ KH - CN khi trao đổi về đăng ký độc quyền sáng chế.

- Có thể nói trong các đối tượng của quyền sở hữu công nghiệp, sáng chế được coi là đối tượng có tầm quan trọng hàng đầu đặc biệt đối với các doanh nghiệp. Vậy ý nghĩa của bằng sáng chế đối với doanh nghiệp như thế nào, thưa ông?

- Trước hết, phải nói rằng hiện nay hầu hết các doanh nghiệp Việt Nam chưa ý thức được vai trò và ý nghĩa của việc bảo hộ sáng chế nói chung cũng như giá trị pháp lý của bằng độc quyền sáng chế nói riêng. Thể hiện ở việc các doanh nghiệp không hiểu hết giá trị tác động tiêu cực của bằng độc quyền sáng chế khi nó thuộc về chủ sở hữu là doanh nghiệp nước ngoài, đặc biệt trong một số lĩnh vực hiện nay đang xảy ra tranh chấp như lĩnh vực dược phẩm… Có rất nhiều hãng nước ngoài đã đăng ký thành phần thuốc, công thức chế tạo, quy trình, kể cả sản phẩm thuốc, thuốc chữa bệnh, thuốc hỗ trợ chữa bệnh để tạo ra lợi thế độc quyền không chỉ trong sản xuất trong nước mà trong hàng nhập khẩu, khi họ có độc quyền đối với sản phẩm đó thì họ có quyền khống chế về giá, khống chế về số lượng hàng hóa, số lượng sản phẩm, chiến lược kinh doanh, phân chia thị trường…

Bên cạnh đó, một số doanh nghiệp lại chưa khai thác được ý nghĩa tích cực của việc bảo hộ bằng sáng chế, tức là khi có bằng sáng chế thì doanh nghiệp được độc quyền sản xuất trong nước cũng như độc quyền cấm người khác nhập khẩu sản phẩm tương tự vào tiêu thụ tại thị trường trong nước. Doanh nghiệp của ta chưa ý thức được việc này thành ra rất nhiều người bị mất quyền độc quyền ngay khi đưa sản phẩm ra thị trường. Thực tế, việc đăng ký bảo hộ sáng chế không phải chỉ để sản xuất mà để còn để giữ lợi thế về thị trường. Ví dụ doanh nghiệp sản xuất một loại thuốc A đang bán rất chạy nhưng nếu một loại thuốc B nhập vào có chức năng tương đương hoặc thay thế được loại thuốc A thì thị trường tiêu thụ thuốc A sẽ bị giảm. Nhưng nếu doanh nghiệp đó đăng ký độc quyền loại thuốc A và/hoặc thuốc B thì có thể giữ được thị trường sản phẩm chủ đạo là sản phẩm A và có thể ngăn chặn việc nhập khẩu sản phẩm B vào thị trường. Nhưng rất tiếc là doanh nghiệp chưa ý thức được điều đấy, và họ cũng chưa tận dụng được lợi thế của việc cấm nhập khẩu của bằng độc quyền sáng chế để giữ thị trường.

Một số doanh nghiệp ý thức được sự cần thiết phải đăng ký bảo hộ sáng chế nhưng lại chỉ tiến hành đăng ký ở Việt Nam mà không đăng ký ở nước ngoài. Đấy là điều rất đáng tiếc. Bởi vì nếu doanh nghiệp muốn đầu tư ra nước ngoài, kể cả bán hàng cũng như mời đối tác nước ngoài vào để hợp tác đầu tư sản xuất sản phẩm sáng chế  ở Việt Nam hay ở nước khác hay chuyển giao công nghệ cho họ… thì trước tiên phải đăng ký sáng chế ở nước đó. Bằng độc quyền sáng chế có hiệu lực ở Việt Nam thì không có hiệu lực ở Mỹ, ở Nhật và các nước khác.

- Như ông nói, bằng sáng chế có vai trò và tác động rất lớn đối với các doanh nghiệp, tuy nhiên thực tế cho thấy số lượng đơn đăng ký sáng chế của các doanh nghiệp Việt lại rất hạn chế. Theo ông, nguyên nhân là do đâu?

- Trên thực tế nhiều doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp sản xuất có sản phẩm nghiên cứu KH - CN đạt tiêu chuẩn được cấp bằng độc quyền nhưng lại không tiến hành đăng ký sáng chế. Nguyên nhân là một số sản phẩm xuất phát từ những đề tài nghiên cứu cấp nhà nước, quyền sở hữu chưa xác định rõ nên họ ngại không đăng ký vì ngại tranh chấp quyền sở hữu. Tâm lý lo sợ lộ sáng chế cũng khiến số lượng doanh nghiệp đăng ký sáng chế ít đi. Tuy nhiên, người ta không biết được rằng, thực ra bảo hộ sáng chế chỉ cần bộc lộ 70 - 80% bản chất đối tượng bảo hộ là đã có thể đáp ứng yêu cầu, còn 20 - 30% bí quyết công nghệ có thể giữ lại. Và quan trọng hơn nữa là rất nhiều doanh nghiệp chưa nhận thức được đầy đủ giá trị của bằng sáng chế.

- Vậy, chúng ta cần làm gì để tăng số lượng đơn đăng ký sáng chế trong thời gian tới?

- Tôi cho rằng, việc đầu tiên phải tạo niềm tin cho người có sáng chế, người ta thấy việc đăng ký sáng chế đó sẽ được độc quyền, được bảo vệ lợi ích khi bị xâm phạm. Có như vậy mới thúc đẩy được việc đăng ký sáng chế, bởi việc đăng ký khá vất vả không chỉ phức tạp về mặt thủ tục mà còn về mặt thời gian, chi phí ban đầu cũng không ít. Một đơn sáng chế ít nhất mất từ 15 - 20 triệu đồng gồm cả tiền lệ phí và dịch vụ, thời gian cấp lại lâu từ 2 - 3 năm thậm chí 4 năm mới ra được bằng, khi có bằng rồi mà xảy ra tranh chấp xâm phạm cũng khó yêu cầu xử lý và đòi bồi thường thiệt hại, chi phí cho quá trình yêu cầu xử lý có khi lớn hơn chi phí nghiên cứu mới, gây tâm lý người ta không tin vào hệ thống bảo hộ và thực thi. Thứ hai, cần nâng cao nhận thức của doanh nghiệp về giá trị của bằng sáng chế để mở rộng thị trường xuất khẩu của mình, cũng như hợp tác đầu tư với các nước khác.

- Tình trạng vi phạm sáng chế đang diễn ra khá phổ biến ở nước ta làm ảnh hưởng đến doanh nghiệp và người tiêu dùng. Theo ông, cần có những biện pháp nào để khắc phục và ngăn chặn?

- Theo tôi, các biện pháp xử phạt hành chính hiện nay chúng ta đang áp dụng chỉ mang tính giải pháp tạm thời, về lâu dài để bảo vệ quyền sáng chế cần thông qua hệ thống tòa án. Bởi thiệt hạt xảy ra đối với chủ bằng sáng chế là vô cùng lớn và chỉ qua hệ thống tòa án với mức bồi thường thiệt hại lớn mới đủ sức răn đe hay nói cách khác mới bù đắp được những thiệt hại mà chủ bằng sáng chế mất đi, tạo động lực cho người ta tiếp tục sáng tạo.

Tuy nhiên, do chưa có những thẩm phán, chuyên gia giỏi nên tòa án ngại tiếp nhận những vụ việc này và nếu có thụ lý thì cũng sẽ mất rất nhiều thời gian. Vì vậy, Thanh tra Bộ KH - CN vẫn phải tiếp nhận đơn để xử lý. Và Thanh tra Bộ KH - CN đang thực hiện theo hướng hệ thống dân sự, mang màu sắc của tòa án, cho phép cho phép luật sư các bên ngồi tranh luận với nhau, cung cấp chứng cứ tài liệu và đưa ra những lập luận phản biện… từ đó có căn cứ để phán quyết một cách thuyết phục, không mất nhiều thời gian, giải quyết đúng tính chất vụ việc, đặc biệt là thông qua đó cũng nâng cao nhận thức cho các doanh nghiệp về đăng ký bảo hộ quyền sáng chế và bảo vệ quyền sáng chế.

- Xin cảm ơn ông!

Trần Hồng