Bản in
Loạn thương hiệu “Sữa Ba Vì”
Hiện 3 doanh nghiệp (DN) sản xuất sữa dùng chung thương hiệu “sữa Ba Vì”. Việc này đã gây ra rất nhiều rắc rối, nhất là đối với người tiêu dùng, khi họ không biết lựa chọn sản phẩm nào uy tín, chất lượng nhất...

Sản phẩm không đạt chỉ tiêu chất lượng

Như báo NTNN đã đưa tin, ngày 5.6 đoàn thanh tra liên ngành vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP) của TP. Hà Nội đã yêu cầu Công ty CP Sữa tươi Ba Vì (Chương Mỹ, Hà Nội) ngừng sản xuất và lưu hành trên thị trường 3 sản phẩm là “Sữa bò tươi thanh trùng 100% sữa sạch - không đường”, “Sữa dê tươi thanh trùng 100% sữa sạch” và “Sữa bò tươi thanh trùng 100% sữa sạch - mật ong rừng”.

Tuy nhiên, ngay sau đó, một số báo đã đưa tin: Ngày 11.6, Giám đốc Công ty CP Sữa tươi Ba Vì - ông Phùng Phương Nam cho biết: “UBND huyện Ba Vì đã có văn bản đồng ý về mặt chủ trương cấp phép sử dụng nhãn hiệu chứng nhận sữa Ba Vì đối với công ty”.

Điều trớ trêu là văn bản nêu trên của UBND huyện Ba Vì, theo ông Nam, được ký ban hành vào ngày 5.6 - đúng vào thời điểm đoàn thanh tra tới kiểm tra tại Công ty CP Sữa tươi Ba Vì.

Trao đổi với NTNN về thông tin này, ông Nguyễn Đình Dần - Trưởng phòng Kinh tế huyện Ba Vì khẳng định: “Đúng là Công ty CP Sữa tươi Ba Vì có nộp đơn xin cấp phép sử dụng nhãn hiệu sữa Ba Vì, nhưng UBND huyện đã trả lại hồ sơ và chưa cấp phép cho công ty này vì chưa đủ điều kiện”.

Mới đây, đoàn kiểm tra liên ngành về VSATTP TP. Hà Nội đã công bố kết quả giám định các mẫu sản phẩm sữa tươi Ba Vì (bị làm nhái) do Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội thực hiện, cho thấy có 3 mẫu sản phẩm của Công ty CP Sữa tươi Ba Vì không đạt chỉ tiêu về hàm lượng và chất lượng.

Loạn thương hiệu “Sữa Ba Vì”

Ông Trương Ngọc Khánh - Giám đốc tiếp thị và truyền thông của Công ty CP sữa Quốc tế IDP cho biết: “Hồ sơ đăng ký bảo hộ nhãn hiệu chứng nhận của chúng tôi được nộp từ năm 2008 và được cấp phép năm 2009. Hiện chúng tôi là đơn vị đầu tư và có thị phần sữa mang thương hiệu Ba Vì lớn nhất, nhưng ngày càng có nhiều sản phẩm sữa tươi mang thương hiệu Ba Vì đã khiến cho người tiêu dùng khó lựa chọn sản phẩm đạt chất lượng”.

Cũng theo ông Khánh, việc có đơn vị chưa được đăng ký thương hiệu và sản phẩm kém chất lượng vẫn tung ra thị trường như cơ quan chức năng vừa phát hiện thực sự đã làm mất uy tín của thương hiệu sữa Ba Vì và ảnh hưởng tới niềm tin của người tiêu dùng.

Theo tìm hiểu của NTNN, ngày 20.1.2009, Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học - Công nghệ) và UBND huyện Ba Vì đã được cấp văn bằng bảo hộ nhãn hiệu BAVI COWS MILK, sữa bò Ba Vì & hình (thị trấn Tây Đằng, huyện Ba Vì, TP. Hà Nội).

Hiện có 3 DN cùng sử dụng thương hiệu sữa Ba Vì là: Công ty CP Sữa quốc tế IDP, Công ty CP Sữa Ba Vì và Công ty CP Sữa tươi Ba Vì.

Tuy nhiên, chỉ có Công ty CP Sữa quốc tế IDP và Công ty CP Sữa Ba Vì được cấp phép chính thức.

Ông Trần Hữu Nam - Phó Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ cho biết:

"Với việc được cấp bảo hộ nhãn hiệu, UBND huyện Ba Vì có thể cấp phép cho hàng trăm DN sử dụng nhãn hiệu sữa Ba Vì cũng được, miễn là đơn vị được cấp phép phải đảm bảo những quy định của UBND huyện Ba Vì đưa ra. Điều quan trọng là UBND huyện Ba Vì phải xác minh các đơn vị có đủ điều kiện trước khi cấp phép. Đồng thời, thường xuyên thanh, kiểm tra, quản lý sử dụng nhãn hiệu và chất lượng sữa Ba Vì trên địa bàn huyện”.

Luật sư Hoàng Ngọc- Văn phòng Luật sư Nhiệt Tâm và cộng sự (Hà Nội) cũng cho rằng: “Nhãn hiệu sữa Ba Vì đã được đăng ký thuộc về UBND huyện Ba Vì, nó giống như “Bánh đậu xanh Hải Dương”, “Nước mắm Phú Quốc”...

Khi đã được cấp phép nhãn hiệu chứng nhận, UBND huyện Ba Vì có quyền cấp phép cho bất cứ một DN nào. Vấn đề ở chỗ, đã xảy ra sự cạnh tranh không lành mạnh như hiện tượng của Công ty CP Sữa tươi Ba Vì chưa được cấp phép đã đưa ra thị trường sản phẩm cùng tên với chất lượng không đảm bảo. Việc làm này đã đủ căn cứ để xử lý hành chính, nếu tái phạm có thể bị xử lý hình sự”.