Bản in
Bảo vệ nhãn hiệu hàng hóa:Tài sản trí tuệ vô giá của doanh nghiệp
Nhãn hiệu hàng hóa là một tài sản quan trọng của doanh nghiệp trong hoạt động sản xuất kinh doanh và xuất khẩu hàng hóa, là công cụ hữu hiệu cho hội nhập kinh tế quốc tế. Nếu việc đăng ký bảo hộ nhãn hiệu hàng hóa ở trong nước cũng như ở nước ngoài kịp thời, sẽ giúp doanh nghiệp xâm nhập, tạo lập, giữ vững và phát triển thị trường, đặc biệt là thị trường xuất khẩu, chống lại mọi hành vi vi phạm, cạnh tranh không lành mạnh hoặc chiếm đoạt nhãn hiệu hàng hóa.

Trên thực tế, nhiều nhãn hiệu hàng hóa của các doanh nghiệp Việt Nam được quảng bá khá thành công trong nước, nhưng ở nước ngoài lại rất hạn chế; do đó một số doanh nghiệp đã bị đối thủ cạnh tranh chiếm đoạt nhãn hiệu. Mất thương hiệu là mất thị trường.

Vừa qua, Cục Sở hữu trí tuệ phối hợp với Viện Sở hữu trí tuệ Liên bang Thụy Sĩ tổ chức hội thảo "Bảo hộ thông tin bí mật". Hơn 100 cán bộ sở hữu trí tuệ của các cơ quan quản lý, doanh nghiệp tham dự. Hội thảo đã giới thiệu những vấn đề pháp lý cơ bản về bảo hộ thông tin bí mật, cách quản lý và khai thác thông tin bí mật, tầm quan trọng của thông tin bí mật với doanh nghiệp; đặc biệt hội thảo được các chuyên gia về sở hữu trí tuệ Thụy Sĩ giới thiệu kinh nghiệm thực tiễn của Thụy Sĩ, của châu Âu đối với các vấn đề cụ thể trong quản lý và khai thác thông tin bí mật ở doanh nghiệp, kinh nghiệm giải quyết tranh chấp và xâm phạm đối với thông tin bí mật…

Thông tin bí mật là một trong số các đối tượng quyền sở hữu trí tuệ, đóng vai trò quan trọng trong hoạt động sản xuất kinh doanh và nghiên cứu khoa học. Bởi trong hội nhập kinh tế quốc tế bên cạnh các yếu tố cơ bản như vốn, nhân lực, môi trường đầu tư… thì việc bảo vệ các thông tin bí mật cũng là một yếu tố quan trọng góp phần vào sự thành công của các tổ chức, cá nhân trong hoạt động kinh doanh, vì nó làm tăng năng lực cạnh tranh của các tổ chức, cá nhân đó. Để xây dựng được năng lực cạnh tranh bền vững, các doanh nghiệp phải dựa vào các sáng tạo kỹ thuật cũng như các bí quyết công nghệ áp dụng vào sản xuất, cho nên muốn duy trì năng lực cạnh tranh phải bảo đảm sự tăng trưởng cần thiết, các chủ thể kinh doanh phải giữ bí mật các bí quyết sản xuất của mình nhằm tạo lợi thế kinh doanh. Việt Nam đang trên đường hội nhập kinh tế quốc tế, nên cũng đang hoàn thiện luật pháp về sở hữu trí tuệ, trong đó có thông tin bí mật.

Như vậy thông tin bí mật là các bí quyết kinh doanh, bí mật thương mại, các sáng chế, sáng kiến phát minh… nên nó cũng là tài sản trí tuệ. Những hành vi khai thác bất hợp pháp các thông tin bí mật sẽ tạo nên cạnh tranh không lành mạnh. Các doanh nghiệp, các nhà khoa học cần quan tâm bảo hộ các thông tin bí mật, bảo vệ tài sản vô hình quan trọng của mình.

Việc chiếm đoạt nhãn hiệu của nhau ở nước ngoài, thường xuyên xảy ra. Một khi nhãn hiệu không được đăng ký kịp thời ở nước ngoài mà để người khác đăng ký mất thì: nếu hàng chưa xuất vào thị trường đó, việc xuất hàng sẽ không được thực hiện, doanh nghiệp phải thay đổi nhãn khác nếu muốn tiếp tục xuất khẩu, gây tốn kém thêm các chi phí. Còn nếu hàng đang xuất khẩu vào thị trường có thể bị bắt giữ, chủ doanh nghiệp sẽ bị xử phạt, do đó mất luôn thị trường. Nếu nhãn hiệu bị chiếm đoạt ở các nước xung quanh nước ta, thì có nguy cơ người chiếm đoạt nhãn hiệu sẽ lợi dụng để sản xuất hàng giả đưa vào Việt Nam…

Để giúp các doanh nghiệp Việt Nam, các nhà quản lý và các cơ quan liên quan có thêm cái nhìn về nhu cầu cấp thiết phải tiến hành đăng ký bảo hộ thương hiệu ở nước ngoài nhất là các doanh nghiệp xuất khẩu hàng hóa ra thị trường quốc tế, vừa qua Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học và Công nghệ phối hợp với Hội sở hữu trí tuệ thuộc Liên hiệp các Hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam và một số cơ quan liên quan tổ chức hội thảo "Đăng ký bảo hộ và phát triển nhãn hiệu hàng hóa ở nước ngoài". Tại hội thảo ông Trần Việt Hùng - Phó Cục trưởng Cục sở hữu trí tuệ đã khẳng định vai trò của nhãn hiệu hàng hóa với doanh nghiệp trong công cuộc hội nhập kinh tế quốc tế. Sở hữu trí tuệ là tài sản định giá được. Các nhãn hiệu nổi tiếng là tài sản vô giá của doanh nghiệp. Trên thế giới một số nhãn hiệu nổi tiếng có giá trị hàng chục tỉ đô la như: nhãn hiệu Coca Cola được định giá tới 70 tỷ USD; nhãn hiệu công nghệ cao Microsoft được định giá 60 tỷ USD. Nhãn hiệu SAMSUNG của Hàn Quốc đứng thứ 22 nhãn hiệu nổi tiếng thế giới cũng được định giá tới 20 tỷ USD. Việt Nam có một số nhãn hiệu cũng được định giá khá cao như nhãn hiệu P/S được Univer định giá 5 triệu USD. Tổ hợp Sơn Hải TP. Hồ Chí Minh bán nhãn hiệu Dạ Lan cho Hãng Colgate Hoa Kỳ với giá 2,5 triệu USD… Như vậy nhãn hiệu là tài sản vô cùng quý giá, phải mất nhiều năm Doanh nghiệp mới gây dựng được. Ngày nay trong công cuộc hội nhập kinh tế quốc tế, doanh nghiệp muốn thâm nhập sâu vào thị trường quốc tế thì phải quan tâm đăng ký nhãn hiệu hàng hóa ở trong nước và ở cả nước ngoài. 

Công ty Trách nhiệm hữu hạn Nhật Huy chuyên sản xuất chế biến hạt điều xuất khẩu. Công ty đầu tư nhiều dây chuyền công nghệ chế biến tiên tiến và các phòng thí nghiệm kiểm tra chất lượng theo tiêu chuẩn HACCP. Hiện nay, nhãn hiệu hàng hóa của Công ty trách nhiệm hữu hạn Nhật Huy được bảo hộ độc quyền tại Mỹ với doanh thu 20 triệu USD/năm. Cũng như vậy, Công ty cổ phần hỗ trợ phát triển công nghệ DETECH chuyên sản xuất phụ tùng và lắp ráp xe máy đã xây dựng được các nhãn hiệu xe máy: Fulai X; Detech R; Espero V… được đánh giá là một trong những thương hiệu nổi tiếng tại "Hội chợ quốc tế thương mại nổi tiếng Việt Nam 2005".

Hiện ở Việt Nam, chúng ta đã có Hội sở hữu trí tuệ Việt Nam - nơi tập hợp rộng rãi các nhà khoa học về sở hữu trí tuệ, đã thực hiện tư vấn pháp lý sở hữu trí tuệ cho doanh nghiệp. Hội đang có nhiều hoạt động hướng phục vụ doanh nghiệp.

Tuy nhiên, những bài học đắt giá về thương hiệu vẫn còn nguyên giá trị mà các doanh nghiệp Việt Nam cần ghi nhớ khi mang sản phẩm sang bán ở nước ngoài. Xin nêu lại một vài ví dụ: Nhãn hiệu bánh phồng tôm Sa Giang đăng ký tại Việt Nam năm 1998. Khi xuất khẩu sang Pháp chủ nhãn hiệu bánh phồng tôm Sa Giang chưa kịp đăng ký nhãn hiệu tại Pháp nên đã bị chính đối tác đăng ký nhãn hiệu này tại Pháp và châu Âu, nhằm ngăn cản việc nhập khẩu bánh phồng tôm Sa Giang Việt Nam vào Pháp và châu Âu. Rất may các luật sư bào chữa đã giúp doanh nghiệp Việt Nam thắng kiện tại tòa án quốc tế, nhưng phải tốn không biết bao nhiêu công sức và tiền của mới lấy lại được thị trường. Hay nhãn hiệu thuốc lá VINATABA đã đăng ký tại Việt Nam năm 1989, bị đối tác Indonesia đăng ký hoặc nộp đơn đăng ký trước tại 12 nước gồm các nước ASEAN, Nhật Bản, Trung Quốc và Hàn Quốc, đã ảnh hưởng không nhỏ đến kế hoạch xuất khẩu và phát triển thị trường của Tổng Công ty thuốc lá Việt Nam lúc đó…

Từ bài học thực tế thành công hay thất bại trong xây dựng và bảo vệ nhãn hiệu hàng hoá của các doanh nghiệp, có thể khẳng định rằng: Việc đăng ký nhãn hiệu hàng hoá là công việc mà doanh nghiệp không thể lơ là. Quan tâm bảo vệ nhãn hiệu hàng hoá là bảo vệ tài sản trí tuệ vô giá của chính doanh nghiệp.

Theo VOV