
|
|||
Đã có hơn 1.000 lượt người, hoàn thành khóa học ở nhiều cấp độ khác nhau. Ông Đào Minh Đức, Trưởng phòng sở hữu trí tuệ, Sở KH-CN TP.HCM chia sẻ: “mục đích của các lớp học cung cấp cho các tổ chức, cá nhân quản trị và khai thác tài sản trí tuệ hiệu quả nhất”.
“Xóa mù” quản trị tài sản trí tuệ
Tham gia vào lớp học, được nghe kể lại những câu chuyện thật…như đùa về quản trị tài sản SHTT mới thấy lí do tham gia khóa đào tạo của mỗi người thật không ai giống ai…. Từng bị một đơn vị trong nước vi phạm giả mạo hàng hóa do mình nhập khẩu phân phối. Sau khi báo cho chủ sở hữu nhãn hiệu, họ đã thuê một văn phòng luật về sở hữu trí tuệ (SHTT) với giá 5.000 USD. Khi văn phòng luật vào cuộc, đơn vị vi phạm không còn tiếp tục được, những sản phẩm hàng hóa đó cũng không thể bán được tại thị trường tại Việt Nam. Do đã bị mang tiếng oan hàng kém chất lượng bởi hàng giả. Đây chính là câu chuyện của Công ty TNHH TD&SONS do ông Trần Văn Thôi, trưởng phòng ngoại thương của công ty kể lại.
Ngoài việc là một doanh nhân, ông Trần Văn Thôi còn là một luật sư tham gia tư vấn, bào chữa các vụ án về dân sự, hình sự. Tuy nhiên ông chưa nhận một vụ việc nào về SHTT. Thấy được công việc mới mẻ, chưa có nhiều người quan tâm, nhưng lại rất quan trọng cho hoạt động của doanh nghiệp, cá nhân. Từ đó ông chú ý nhiều hơn đến Luật SHTT. Khi biết được Sở KH-CN TP.HCM mở lớp đào tạo ông đã đăng ký tham gia và đến nay đã được bốn năm.
Ông Thôi chia sẻ, quá trình học đã giúp ông hiểu rõ hơn bản chất và lợi ích rất lớn từ SHTT. Từ chỗ chưa làm chủ Luật SHTT, không nhận vụ việc về lĩnh vực này, đến nay ông đã tư vấn cho việc đăng ký, tranh chấp rất nhiều cho cá nhân, tổ chức về SHTT.
Tham gia lớp học từ những ngày đầu, kỹ sư Lê Trầm Ngọc Dũng, quản trị viên tài sản trí tuệ của Trung tâm Nghiên cứu và Đào tạo thiết kế vi mạch (ICDREC) chia sẻ: chuyển từ làm kỹ thuật qua văn phòng, ban đầu chú trọng đến những tài sản hữu hình máy móc văn phòng, bàn ghế… chưa chú ý nhiều đến tài sản trí tuệ. Nhưng từ khi tham dự lớp học anh đã ý thức hơn, chính tài sản trí tuệ mới tạo nên thế mạnh và đem lại lợi ích cho đơn vị. Với kiến thức có được, anh đã tư vấn cho “sếp” nhanh chóng đăng ký SHTT cho các sản phẩm trí tuệ của ICDREC. Anh tiến hành xúc tiến để khai thác thương mại tài sản chất xám hiệu quả nhất. Cũng theo Dũng: tham gia lớp học đã giúp anh đưa ra được những quy chế về tài sản trí tuệ phù hợp với đơn vị, phân chia quyền lợi về trí tuệ một cách hợp lý. Lớp học sinh động Ông Đào Minh Đức chia sẻ, chuẩn bị mở lớp về quản trị tài sản trí tuệ mọi thứ đều mới, giảng viên thiếu, tài liệu, giáo trình chưa có. Khó khăn trăm bề, nhưng quyết tâm thì không thiếu. Do tài liệu trong nước cho công việc mới mẻ này còn thiếu, nên phải tham khảo rất nhiều từ tài liệu nước ngoài. Cùng với đó là đem những sự việc cụ thể ra cho các học viên thảo luận, phân tích để tìm ra điều đúng nhất. Chính cách làm mới mẻ, sinh động, hữu ích đã giúp lớp học gắn kết lại với nhau. Từ vị tiến sĩ được đào tạo ở nước ngoài, luật sư, kỹ sư, chủ doanh nghiệp, đến một nhà sáng chế chưa tốt nghiệp trung học phổ thông ngồi lại được với nhau vẫn không thấy sự khác biệt lớn. Luật sư Thôi cho biết: “trong bốn năm ông hiếm khi vắng học”. Chương trình đến nay đã có năm tiến sĩ, 45 thạc sỹ, nhiều người tốt nghiệp đại học, nhà kinh doanh… làm chủ kiến thức về quản trị tài sản trí tuệ không chỉ cho chính mình, trong đơn vị mà sẵn sàng đứng lớp để truyền đạt cho người đến sau. 46 học viên đang theo học ở mô-đun 8 bắt đầu giờ học bằng hai học viên lên thực tập giảng bài về SHTT trước khi học bài mới. TS Nguyễn Trần Chân, Phó giám đốc Trung tâm SHTT và Chuyển giao công nghệ Đại học Quốc gia TP.HCM nói: mỗi buổi học sẽ có 2 – 3 học viên được thực tập theo cách này. Luật sư Thôi nhận xét về lớp học quản trị tài sản trí tuệ của mình: bổ ích, thiết thực, hiểu để làm giàu bền vững.
|