|
|||
“Thương hiệu còn là uy tín, danh tiếng, thị trường…” Ở Việt Nam hiện có rất nhiều đặc sản gắn liền với những địa danh nổi tiếng như: Mận hậu Bắc Hà, gạo tám Điện Biên, nhãn lồng Hưng Yên, mơ Chùa Hương, sầu riêng Cái Mơn…Nhiều sản phẩm cũng đã nổi tiếng ở thị trường nước ngoài và đã được Cục Sở hữu trí tuệ bảo hộ tên gọi xuất xứ, chỉ dẫn địa lý như: Nước mắm Phú Quốc, cà phê Buôn Ma Thuột, thanh long Bình Thuận, chè Tân Cương, bưởi Đoan Hùng, vải thiều Thanh Hà… Theo thống kê của Cục Sở hữu trí tuệ, chúng ta có khoảng 800 sản phẩm nông sản nổi tiếng ở hầu hết các địa phương, đến nay đã có 59 nhãn hiệu tập thể, 12 nhãn hiệu chứng nhận và 24 chỉ dẫn địa lý được đăng ký bảo hộ cho các sản phẩm nông sản nổi tiếng. Hiện có 53 sản phẩm nông sản được hỗ trợ xây dựng nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý trong khuôn khổ Chương trình Hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ. Theo nhận xét của ông Tạ Quang Minh- Cục Trưởng Cục Sở hữu trí tuệ - Bộ Khoa học và Công nghệ, chúng ta mới chỉ đang trong giai đoạn đầu của việc xây dựng thương hiệu nông sản nổi tiếng, mới đặt cơ sở, nền móng, điều kiện ban đầu: đó là các nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý đã được đăng ký bảo hộ. Tuy nhiên cũng theo ông Tạ Quang Minh: "Thương hiệu của một sản phẩm không đơn giản là nhãn hiệu hay chỉ dẫn địa lý. Thương hiệu còn là uy tín, danh tiếng, thị trường... trong cả quá trình lâu dài". Trong bối cảnh hội nhập, cạnh tranh gay gắt hiện nay, việc xây dựng thương hiệu đã khó, giữ được thương hiệu còn khó hơn. Sự việc xảy ra với võng xếp Duy Lợi, nước mắm Phú Quốc và gần đây là cà phê Buôn Ma Thuột là những bài học đắt giá cho các doanh nghiệp Việt Nam phải chú trọng hơn nữa việc xây dựng và bảo vệ thương hiệu của mình. Từ nhãn hiệu đến thương hiệu là con đường dài, đòi hỏi sự nỗ lực không mệt mỏi của các địa phương, cơ sở có nông sản nổi tiếng. Xây dựng thương hiệu: Việc cần làm ngay Về các thương hiệu Việt bị xâm hại, theo ông Tạ Quang Minh, bài học không mới là doanh nghiệp chúng ta phải chủ động xác định, chọn các thị trường tiêu thụ sản phẩm quan trọng ở ngoài nước để đăng ký sở hữu trí tuệ cho sản phẩm của mình. Ông Đỗ Gia Phan- Ủy viên thường trực Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam cũng khảng khái khẳng định: “Nếu các doanh nghiệp, địa phương không bảo vệ thương hiệu của mình thì chính người tiêu dùng trong nước cũng không tín nhiệm. Hơn bao giờ hết các doanh nghiệp phải dành kinh phí cho các hoạt động bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ nếu doanh nghiệp, địa phương không muốn bị mất thương hiệu cho các sản phẩm nông sản của mình và hoạt động này cần phải được làm ngay”. Ý kiến chung của các chuyên gia tại cuộc toạ đàm, hiện nay nông dân sản xuất chủ yếu riêng lẻ, nếu để nông dân tự đăng ký, quản lý và khai thác thương hiệu rất là khó. Vì vậy cần có sự vào cuộc của nhiều tổ chức, hiệp hội, chính quyền để tuyên truyền và phổ biến kiến thức về sở hữu trí tuệ và chứng nhận xuất xứ hàng hóa cho nông dân. |