Bản in
Thương hiệu nông sản: Bảo vệ, mất và lấy lại
Gần đây, thương hiệu cà phê Buôn Ma Thuột đã bị mất ở Trung Quốc. Trước đó, nhiều tranh chấp đã xảy ra với võng Duy Lợi, nước mắm Phú Quốc… “Nhận thức đúng và hành động phù hợp” là lời khuyên của Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ Việt Nam Tạ Quang Minh tại buổi tọa đàm "Các nhà khoa học với việc bảo vệ thương hiệu nông sản Việt Nam” ngày 8-11.

Loay hoay giữ

Ông Trần Việt Hùng, Phó Chủ tịch Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam cho biết, Việt Nam đang nỗ lực xây dựng hình ảnh, thương hiệu của nông sản Việt Nam không chỉ cho việc xuất khẩu sang các thị trường khác mà còn cho cả ngay thị trường trong nước. Nhưng do kém hiểu biết và do sự cạnh tranh không lành mạnh, trong những năm qua, chúng ta có một số vụ tranh chấp về thương hiệu như võng Duy Lợi, nước mắm Phú Quốc..., gần đây nhất là vụ thương hiệu cà phê Buôn Mê Thuột.

Đích thân ông Nguyễn Ngọc Loãn, Phó Chủ tịch UBND huyện Thanh Hà, Hải Dương đến dự cuộc tọa đàm để nói về nỗi bức xúc của người dân quê vải. Năm 2007, vải thiều Thanh Hà đã được Cục Sở hữu trí tuệ Việt Nam cấp chỉ dẫn địa lý cùng thời điểm với những loại nông sản đặc trưng vùng miền như bưởi Đoan Hùng, bưởi Năm Roi, nước mắm Phú Quốc… Nhưng đi đến bất cứ nơi nào mua vải cũng được giới thiệu là vải Thanh Hà. “Thương hiệu này rõ ràng đang bị lạm dụng”, ông Loãn nói.

Sản lượng vải hằng năm càng cao thì nỗi lo về giá và thị trường tiêu thụ càng lớn, giá vải thiều đến tay người tiêu dùng rất cao nhưng thương lái vẫn tìm cách ép giá. Điều này khiến thương hiệu có khả năng bị mất nếu nhiều loại vải khác kém chất lượng trà trộn, mạo danh.

Theo thống kê, Việt Nam có khoảng 800 sản phẩm nông sản nổi tiếng ở hầu hết các địa phương. Đến nay đã có 59 nhãn hiệu tập thể, 12 nhãn hiệu chứng nhận và 24 chỉ dẫn địa lý được đăng ký bảo hộ. Trong đó, 53 sản phẩm nông sản được xây dựng nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý trong khuôn khổ chương trình hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ.

“Chúng ta đang ở giai đoạn đầu của việc xây dựng thương hiệu nông sản nổi tiếng, mới đặt cơ sở nền móng ban đầu là nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý đã được đăng ký bảo hộ. Việc xây dựng và phát triển thương hiệu thực chất chưa làm được nhiều”, TS Tạ Quang Minh nói.

Đại diện Hội bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam, ông Đỗ Gia Phan cho rằng, thương hiệu gắn với nhãn hiệu hàng hóa và chỉ dẫn địa lý. Người dùng thường rất quan tâm và mua những nhãn hiệu hàng hóa nổi tiếng, như điện thoại Nokia, xe máy Honda… Đối với các thương hiệu nông sản, do nhận thức kém nên chúng ta chưa quan tâm đến việc bảo vệ thương hiệu. Việc mới chỉ có khoảng 20% nhãn hiệu nông sản được đăng ký bảo hộ, theo ông Phan là quá ít. Và việc xảy ra nhiều vụ xâm phạm thương hiệu nông sản trong thời gian gần đây là đáng báo động và chúng ta cần sớm có những hành động thích hợp.

Cà phê Buôn Ma Thuột: mất có thể lấy lại

Theo TS Tạ Quang Minh, việc chỉ dẫn địa lý cà phê Buôn Ma Thuột bị một doanh nghiệp Trung Quốc đăng ký sở hữu nhãn hiệu có thể lấy lại được. Có nhiều cách để lấy như: tiến hành các thủ tục để có thể đình chỉ hoặc hủy bỏ, thỏa thuận mua lại nhãn hiệu với chủ nhãn hiệu, hoặc qua con đường ngoại giao để chủ nhãn hiệu xin từ bỏ nhãn hiệu, mở đường để chúng ta đăng ký nhãn hiệu theo thủ tục quy định.

Việc lựa chọn cách nào phụ thuộc vào việc phân tích, đánh giá tình hình cụ thể và do doanh nghiệp, tổ chức bị “mất” nhãn hiệu thực hiện với sự trợ giúp của cơ quan quản lý Nhà nước.

Ông Nguyễn Văn Bảy, thành viên Cục Sở hữu trí tuệ cho biết, theo quy định chung, khi doanh nghiệp nộp đơn xin đăng ký nhãn hiệu, cơ quan có thẩm quyền sẽ công bố trên công báo để những người có liên quan biết, sau một thời gian nhất định mới cấp. Và ngay cả sau khi cấp, trong một thời hạn nhất định, những người có quyền và lợi ích liên quan vẫn có quyền yêu cầu hủy bỏ.

“Luật không quy định cơ quan Sở hữu trí tuệ Trung Quốc phải biết sản phẩm nổi tiếng ở nước khác, vì thế việc chỉ dẫn địa lý cà phê Buôn Ma Thuột được cấp ở nước này không do lỗi của họ. Nếu chúng ta muốn đòi thì phải cung cấp chứng cứ, và họ sẽ tạo điều kiện để có thể hủy bỏ”, ông Bảy nói.

Cũng theo ông Bảy, việc bảo hộ nhãn hiệu nông sản ở trong nước là cần thiết, nhưng doanh nghiệp Việt Nam đăng ký nhãn hiệu ở nước ngoài thì không nên gắn với phong trào. Có những sản phẩm quý tiêu thụ trong nước còn không đủ, chỉ để làm quà chứ không thể ăn hàng ngày như bưởi Phúc Trạch, thì việc đăng ký nhãn hiệu ở nước ngoài là không cần thiết. Ông Bảy khuyên các doanh nghiệp nên tính toán đến khả năng xâm nhập thị trường nước ngoài trước khi bỏ tiền ra đăng ký nhãn hiệu tại nước đó.

Kết luận hội thảo, TS Trần Việt Hùng khẳng định, cần có sự vào cuộc của nhiều cơ quan chức năng mới bảo đảm duy trì và đứng vững của một thương hiệu. Bên cạnh đó, cần nâng cao truyền thông cho người dân và cả cấp quản lý để xã hội hiểu hơn về vai trò, tác dụng của việc đăng ký nhãn hiệu, bảo hộ chỉ dẫn địa lý… Ông cũng đề xuất, Vusta sẽ thành lập Văn phòng tư vấn bảo hộ nhãn hiệu hàng hóa.
Nhân dân