Bản in
Đẩy mạnh xã hội hóa hoạt động sở hữu trí tuệ
Ngày 9/11, Cục SHTT phối hợp với sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM tổ chức "Hội nghị toàn quốc về Sở hữu trí tuệ sau 1 năm thực hiện".

Nhân dịp này Báo Đất Việt đã có cuộc phỏng vấn nhanh ông Tạ Quang Minh- Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ về tình hình thực hiện trong thời gian qua.

-Trong năm qua, hoạt động SHTT trong cả nước đã có những chuyển biến tích cực ra sao? Những kết quả đạt được cụ thể là gì? Qua một năm hoạt động, những vấn đề gì cần rút kinh nghiệm trong quá trình thực hiện, thưa Cục trưởng?

-Cục trưởng Cục SHTT Tạ Quang Minh: Năm 2011, để tiếp tục phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội, tăng cường hội nhập kinh tế quốc tế và triển khai ngày càng sâu rộng các cam kết về sở hữu trí tuệ (SHTT) thuộc khuôn khổ Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), hệ thống SHTT của Việt Nam đã đạt được những thành công nhất định và có những chuyển biến tích cực cụ thể:

Hoạt động đại diện sở hữu công nghiệp (SHCN) tiếp tục được đẩy mạnh quan tâm trong chiến lược tăng cường xã hội hóa, đảm bảo lợi ích hợp pháp cho các tổ chức đại diện trong nước. Công tác minh bạch hóa quản lý đại diện SHCN cũng được tăng cường thông qua việc Cục SHTT công khai danh sách các cá nhân và tổ chức đủ điều kiện hoạt động kinh doanh dịch vụ đại diện SHCN trên trang web của Cục, giúp cho tất cả các tổ chức và cá nhân có nhu cầu có thể xác thực cũng như tìm kiếm một cách nhanh nhất các đại diện SHCN phù hợp theo địa bàn kinh doanh của mình.

Đặc biệt, năm 2010 Cục SHTT đã chính thức đưa Chương trình đào tạo từ xa về SHTT (trong khuôn khổ hợp tác với WIPO) vào hoạt động. Hình thức đào tạo mới này đã thu hút được sự chú ý của công chúng. Trong năm vừa qua, đã có 2 khóa được tổ chức với sự tham gia của hơn 500 học viên.

Ngoài các hoạt động tư vấn thường xuyên qua hình thức trực tiếp hoặc công văn trả lời, hoạt động nổi bật trong năm nay của công tác hỗ trợ tư vấn là Cục SHTT đang tiến hành hoàn thiện các thủ tục cần thiết thành lập Trung tâm Phát triển tài sản trí tuệ đặt tại Khu công nghệ cao Hòa Lạc.

Trung tâm này sẽ đáp ứng tốt hơn nhu cầu của các tổ chức, doanh nghiệp KHCN cũng như các trường đại học đặt tại đây, tạo nên cầu nối giữa khối nghiên cứu và khối doanh nghiệp, giúp đưa những thành quả sáng tạo có khả năng thương mại hóa cao có thể dễ dàng tiếp cận và đáp ứng nhu cầu của thị trường.

Chương trình hỗ trợ doanh nghiệp phát triển tài sản trí tuệ (Chương trình 68) đã chính thức bước sang giai đoạn 2 với phạm vi mở rộng hơn với những mục tiêu cụ thể như đáp ứng được 70% nhu cầu của địa phương trong việc phát triển các đặc sản trong vùng thông qua chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu tập thể hoặc nhãn hiệu chứng nhận, đồng thời tăng cường công tác tuyên truyền và đào tạo SHTT theo từng nhu cầu cụ thể của mỗi địa phương.

Khai giảng khóa đào tạo cán bộ đầu mối về thực thi quyền SHTT. (Ảnh: Cục SHTT)

Bên cạnh đó, các địa phương đã có những nỗ lực mạnh mẽ trong việc ngăn chặn và xử lý hàng giả, hàng xâm phạm. Những địa phương đi đầu trong công tác thực thi, xử lý xâm phạm quyền trong năm qua có thể kể tới là Thành phố Hồ Chí Minh, Điện Biên, Cần Thơ, Bắc Giang, Đồng Nai…

Tuy có những kết quả khả quan, song vẫn còn một số nội dung hoạt động chưa đạt được kết quả như mong muốn, trong đó phải kể đến tiến độ xây dựng văn bản quy phạm pháp luật còn chậm, mối liên kết giữa Cục SHTT và địa phương, đảm bảo nhân lực trong việc nâng cao chất lượng và tốc độ xử lý đơn, ứng dụng công nghệ thông tin chưa thực sự đáp ứng được yêu cầu thực tế…

Một số các hoạt động khác cũng cần được cải thiện như hoạt động hỗ trợ, tư vấn về SHTT chưa đủ sâu rộng để đáp ứng được nhu cầu đa dạng của các tổ chức, cá nhân; công tác khai thác thông tin SHCN, nhất là thông tin sáng chế chuyên biệt chưa có sự chuyển biến mạnh để phục vụ tốt hơn nhu cầu của xã hội; công tác nghiên cứu những vấn đề nóng của SHTT chưa đạt được những bước tiến đáng kể.

- Cũng trong năm vừa qua, câu chuyện về việc một số thương hiệu của Việt Nam bị doanh nghiệp (DN) nước ngoài đăng kí bảo hộ khiến dư luận đặc biệt quan tâm. Tuy nhiên, sự việc này không phải lần đầu diễn ra. Vậy, theo ông, ngoài việc DN VN chưa ý thức được quyền lợi và trách nhiệm trong việc bảo vệ thương hiệu của mình thì còn nguyên nhân sâu xa nào khác? Và để khắc phục cũng như hạn chế tình trạng này, phía cục SHTT đã có những biện pháp cụ thể nào để hỗ trợ DN có thể bảo vệ thương hiệu, đặc biệt là trong lĩnh vực nông sản?

-Thời gian qua một số thương sản phẩm đặc sản của Việt Nam (cà phê Buôn Mê Thuột, nước mắm Phú Quốc…) bị DN nước ngoài đăng ký bảo hộ ở nước họ. Vấn đề đặt ra từ hiện tượng này là làm thế nào để nâng cao nhận thức của DN để họ  chủ động  đăng ký bảo hộ sở hữu trí tuệ cho sản phẩm của mình ở nước ngoài để tránh ngăn chặn việc tái diễn các hiện tượng trên.

Quế Văn Yên- sản phẩm được chỉ dẫn địa lý (Ảnh: Mai Hà)

Bên cạnh nguyên nhân là do nhận thức hạn chế, việc doanh nghiệp của ta chưa thực hiện việc đăng ký sở hữu trí tuệ cho sản phẩm của mình ở nước ngoài còn do  chưa đầu tư hoặc chưa có khả năng đầu tư cho việc xây dựng và phát triển thương hiệu của mình ở thị trường nước ngoài.

Việc xây dựng và phát triển thương hiệu sản phẩm không chỉ đơn thuần là đăng ký bảo hộ sở hữu trí tuệ mà còn nhiều hoạt động khác, từ quảng bá, giới thiệu sản  phẩm, xây dựng kênh phân phối, nâng cao chất lượng, uy tín sản phẩm đối với người tiêu dùng… Tất cả những hoạt động này đòi hỏi đầu tư không chỉ kinh phí mà còn cả nhân lực và thời gian. Doanh nghiệp Việt nam chủ yếu là các doanh nghiệp nhỏ và vừa, với khả năng hạn chế về tiềm lực tài chính nên việc đầu tư cho xây dựng và phát triển thương hiệu một cách bài bản còn là vấn đề.

Để góp phần khắc phục tình trạng trên, trong những năm gần đây, Cục SHTT đã chú trọng các hoạt động hỗ trợ, tư vần cho doanh nghiệp. Cục SHTT có các văn phòng đại diện, là cánh tay nối dài của Cục đến doanh nghiệp, có thể trực tiếp hướng dẫn, giúp đỡ doanh nghiệp các thủ tục xác lập, bảo vệ, thực thi quyền SHTT.

Cục SHTT cũng được Bộ KHCN giao triển khai Chương trình hỗ trọ phát triển tài sản trí tuệ (Chương trình 68). Theo đó, các doanh nghiệp được hỗ trợ nâng cao nhận thức về sở hữu trí tuệ, được hỗ trợ trong việc xây dựng, khai thác và phát triển tài sản trí tuệ của mình. Các địa phương được hỗ trợ xây dựng, quản lý và phát triển nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý dùng cho sản phẩm đặc sản của địa phương mình.

Cục SHTT cũng đang có kế hoạch phối hợp với các địa phương trong việc tạo điều kiện thuận lợi và giúp các doanh nghiệp đăng ký bảo hộ sở hữu trí tuệ cho các sản phẩm đặc sản nổi tiếng của địa phương.

Về phí địa phương, doanh nghiệp thì điều quan trọng là cần phải xác định được thi trường tiềm năng, mục đích của việc đăng ký bảo hộ sở hữu trí tuệ ra nước ngoài để làm sao mang lại hiệu quả cao nhất. Chúng ta không chỉ đăng ký để mà đăng kts mà phải phát triển được thị trường sản phẩm của mình.

-Nhằm thúc đẩy và hỗ trợ việc tạo lập, phát triển TSTT của các doanh nghiệp, Thủ tướng Chính phủ vừa mới ký Quyết định số 2204/QĐ-TTg, phê duyệt Chương trình 68 giai đoạn 2011-2015. Để Chương trình thực sự đi vào cuộc sống, theo cục trưởng, chúng ta cần phải chuẩn bị những gì?

Giai đoạn này cục SHTT tập trung vào việc xây dựng hệ thống xác lập và bảo hộ quyền SHTT cho toàn xã hội, không chỉ là các doanh nghiệp như giai đoạn trước đây.

Một lô hàng giả, hàng nhái bị thu giữ, xử lý.(Ảnh: Hanoimoi)

Sẽ triển khai tương đối toàn diện và đồng bộ, không chỉ là nhãn hiệu hàng hóa hay chỉ dẫn địa lý, không chỉ là tuyên truyền nâng cao nhận thức mà cục sẽ triển khai thêm 1 số lĩnh vực khác, ví dụ như khai thác thông tin về sáng chế, hỗ trợ đưa sáng chế vào trong sản xuất của doanh nghiệp.

Xây dựng các thương hiệu mạnh, tăng cường các hệ thống thực thi quyền, đặc biệt là các hệ thống về định giá tài sản trí tuệ (TSTT). Bởi vì các sáng chế, giải pháp hữu ích, kiểu dáng công nghiệp… hay mọi tài sản trí tuệ khác nếu không định giá được thì không thể thương mại hóa vào sản xuất kinh doanh. Chỉ có định giá được TSTT đúng với giá trị thực của nó mới có thể có được các nguồn lực và động viên các nhà khoa học cũng như là doanh nghiệp đưa những kết quả nghiên cứu vào sản xuất kinh doanh, vào cuộc sống.

Bên cạnh đó là việc xây dựng được phương pháp luận về định giá, học tập kinh nghiệm của các nước như là Hoa Kỳ, Nhật Bản hoặc là các nước châu Âu, thí điểm thành lập những cái sàn giao dịch công nghệ, sàn định giá công nghệ và 1 số dịch vụ về tổ chức định giá công nghệ. Mở rộng mạng lưới giám định về SHTT, đưa chương trình đào tạo về SHTT vào trong các trường Đại học, mở các khóa đào tạo bổi dưỡng kiến thức cho các đội ngũ thẩm phán của các Tòa dân sự, và hành chính và hình sự.

Vấn đề quan trọng nhất là đẩy mạnh việc tuyên truyền trong xã hội thông qua các phương tiện thông tin đại chúng về phổ biến kiến thức SHTT… để nâng cao nhận thức chung của xã hội.