Bản in
Xử lý nghiêm các vi phạm quyền sở hữu công nghiệp
Ngày 2.6, Thủ tướng Chính phủ có chỉ thị yêu cầu các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra và xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật đối với các hành vi xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp.

Việc thực thi quyền sở hữu công nghiệp là vấn đề ngày càng trở nên quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế. Những năm qua, Chính phủ đã tập trung chỉ đạo đẩy mạnh các biện pháp thực thi quyền sở hữu công nghiệp và đã đạt được kết quả khả quan, được quốc tế ghi nhận. Số lượng sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, chỉ dẫn địa lý... được bảo hộ ngày càng tăng.

Tuy nhiên, việc xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp vẫn diễn biến phức tạp, kéo dài và còn khá phổ biến trong nhiều lĩnh vực, gây thiệt hại cho chủ sở hữu và người tiêu dùng.
Nguyên nhân chủ yếu của tình trạng trên là do vẫn còn nhiều Bộ, ngành, địa phương chưa thực sự coi trọng công tác quản lý và thực thi quyền sở hữu công nghiệp, công tác quản lý chuyên ngành trong lĩnh vực này cũng chưa được thực hiện đầy đủ và kịp thời.

Bởi vậy, để đẩy mạnh việc thực hiện các quy định pháp luật về sở hữu công nghiệp, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân có liên quan, trong Chỉ thị số 845/CT-TTg, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu về sở hữu công nghiệp, thiết lập mạng thông tin quốc gia về bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp, nghiên cứu khả năng ký kết các văn kiện hợp tác về bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp với các nước trong khu vực và quốc tế
Đồng thời tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra việc thực hiện pháp luật về sở hữu công nghiệp và xử lý vi phạm theo đúng thẩm quyền; đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, phổ biến pháp luật về sở hữu công nghiệp trên các phương tiện thông tin đại chúng và bằng các biện pháp tiên tiến khác.

Thủ tướng Chính phủ cũng chỉ thị các Bộ, ngành phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ hướng dẫn, kiểm tra việc tuân thủ pháp luật về sở hữu công nghiệp đối với các sản phẩm, hàng hóa được phân công quản lý, đặc biệt đối với các sản phẩm, hàng hóa có khả năng gây mất an toàn cho người, động vật, thực vật, môi trường; đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền, phổ biến pháp luật trong cơ quan và doanh nghiệp nhằm nâng cao nhận thức về bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp.

Theo chỉ đạo của Thủ tướng, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đẩy mạnh hoạt động hỗ trợ việc bảo hộ nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý các sản phẩm, hàng hóa của địa phương, tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn việc bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp cho các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh tại địa phương.

Bên cạnh đó, tăng cường hoạt động kiểm tra, thanh tra và xử lý nghiêm các hành vi xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp tại địa phương, đặc biệt chú trọng việc ngăn chặn và xử lý kịp thời, triệt để các hành vi xâm phạm nhãn hiệu, kiểu dáng công nghiệp, chỉ dẫn địa lý có tính phổ biến, gây bức xúc cho dư luận.

Mai Mai