Bản in
Thúc đẩy hoạt động sáng tạo góp phần phát triển kinh tế xã hội
Ngày 26/4, tại Hà Nội, Cục Sở hữu trí tuệ (SHTT)- Bộ KH&CN phối hợp với Cục thông tin Quốc gia, cơ quan đại diện của Bộ KH&CN tại T.P Hồ Chí Minh, Sở KH&CN TP. Hồ Chí Minh, Sở KH&CN Đà Nẵng tổ chức buổi tọa đàm trực tuyến “Thúc đẩy hoạt động sáng tạo góp phần phát triển kinh tế xã hội”. Buổi tọa đàm còn có sự tham gia của một số các Viện, trường, doanh nghiệp…

Đây là hoạt động nằm trong khuôn khổ tuần lễ  “Sở hữu trí tuệ vì hoạt động sáng tạo” hưởng ứng ngày SHTT thế giới 26/4.

Buổi tọa đàm nhằm trao đổi về các chính sách, pháp luật khuyến khích các hoạt động KH&CN nói chung và SHTT nói riêng, cũng như các vấn đề thương mại hóa các kết quả được bảo hộ SHTT trong thời gian vừa qua, giữa các nhà hoạch định chính sách, các nhà quản lý, các nhà khoa học và các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực KH&CN.

Tham luận tại hội thảo, ông Nguyễn Trọng Hào, Giám đốc công ty ngôi nhà nhỏ cho biết: hiện nay vấn đề thương mại hóa các kết quả nghiên cứu được bảo hộ SHTT ở nước ta còn khá mới mẻ. Đa số các “sản phẩm” làm ra chưa tìm được nơi tiêu thụ (sáng chế, kiẻu dáng công nghiệp, nhãn hiệu…). Ngoại trừ cac doanh nghiệp đăng ký để sử dụng cho chính doanh nghiệp mình hoặc để “ngăn chặn” người khác đăng ký thì các sản phẩm của các nhà nghiên cứu, các tổ chức, cá nhân đã bỏ ra rất nhiều tâm huyết và công sức để đầu tư, sau khi nhận được tấm bằng thì đa phần không còn tác dụng.

Để thúc đẩy hoạt động sáng tạo, từng bước tăng tỷ lệ doanh nghiệp KH&CN trong chương trình chuyển dịch cơ cấu thành phần kinh tế, bà Trương Thùy Trang- Phó giám đốc sở KH&CN TP. Hồ Chí Minh cho rằng: cần ươm tạo doanh nghiệp khoa học công nghệ và hình thành dòng sản phẩm giá trị cao từ việc bảo hộ sáng chế, bảo hộ SHTT.

Hầu hết các đại biểu tham dự đều nhất trí cho rằng, cần thúc đẩy thương mại hóa tài sản trí tuệ, khai thác thông tin về sáng chế, hỗ trợ đưa sáng chế vào trong sản xuất của doanh nghiệp, xây dựng các thương hiệu mạnh, tăng cường các hệ thống thực thi quyền, đặc biệt là các hệ thống về định giá tài sản trí tuệ (TSTT). Bởi vì các sáng chế, giải pháp hữu ích, kiểu dáng công nghiệp… hay mọi TSTT khác nếu không định giá được thì không thể thương mại hóa đưa vào sản xuất kinh doanh. Chỉ có định giá được TSTT đúng với giá trị thực của nó thì mới có được  nguồn lực và động lực thúc đẩy các nhà khoa học cũng như doanh nghiệp hợp tác đưa kết quả nghiên cứu vào sản xuất kinh doanh, vào cuộc sống.

Đặc biệt là việc mở rộng mạng lưới giám định về SHTT, đưa chương trình đào tạo về SHTT vào trong các trường Đại học, mở các khóa đào tạo bổi dưỡng kiến thức cho các đội ngũ thẩm phán của các Tòa dân sự, và hành chính và hình sự. Đồng thời chúng ta tiếp tục đẩy mạnh việc tuyên truyền phổ biến kiến thức SHTT thông qua các phương tiện thông tin đại chúng…để nâng cao nhận thức chung của xã hội về vai trò của TSTT trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Q. Hoa