Khoa học và Công nghệ Việt Nam còn ở mức thấp
Tại buổi giao lưu “ Sở hữu trí tuệ với hoạt động sáng tạo” ngày 21/4 do báo Đất Việt phối hợp với Cục SHTT thực hiện. Ông Trần Việt Hùng, Cục trưởng Cục SHTT lí giải nguyên nhân chính do nền Khoa học và Công nghệ (KH&CN) của chúng ta đang phát triển ở mức thấp nên thiếu những thành quả công nghệ đạt tiêu chuẩn sáng chế.
Ngoài ra, các nhà sáng chế, doanh nghiệp chưa thật hiểu biết về bảo hộ SHTT cũng như thủ tục đăng ký sáng chế, kể cả việc thiếu quan tâm đến bảo hộ các kết quả sáng tạo của mình.
Đặc biệt, hệ thống bảo hộ SHTT của ta tuy có tiến bộ nhưng chưa thật hiệu quả cũng gây quan ngại cho các nhà sáng chế ngại đăng ký vì sợ vi phạm mà lại thiếu biện pháp triển khai hiệu quả. Việc thiếu các quy định cụ thể về định giá tài sản trí tuệ cũng làm giảm khả năng thương mại hóa các sáng chế và do đó, không tạo được động lực cần thiết.
Nguyên nhân tiếp theo, Ông Trương Nam Hải, Viện trưởng Viện Công nghệ sinh học- Viện KH&CN Việt Nam cũng cho rằng, chính do sự hiểu biết, nhận thức của các nhà khoa học về ý nghĩa, giá trị thực tiễn, yêu cầu trình bày, thể hiện nội dung cần được bảo hộ của đơn đăng ký SHTT chưa thấu đáo.
Ngoài ra, vấn đề về thủ tục hành chính cũng như chuyên môn để đơn này được chấp nhận như một đơn hợp lệ không đơn giản đối với các nhà khoa học, cho nên các tác giả nhiều khi mất thời gian làm đi làm lại nhiều lần để hoàn thiện hồ sơ đăng ký SHTT.
Bên cạnh đó bản thân các nhà khoa học, các tác giả khi có ý định đăng ký vẫn chưa nhìn thấy rõ giá trị ứng dụng của nó vào các sản phẩm cụ thể.
Về khía cạnh quản lý, các cơ quan, đơn vị có cán bộ muốn đăng ký SHTT thì chưa có những biện pháp hỗ trợ cho các nhà khoa học đăng ký bảo hộ các sản phẩm trí tuệ tạo ra một cách hiệu quả, ông Hải cho biết.
Nhiều đề tài vẫn mang tính lặp lại
Ông Trương Nam hải cũng khẳng định, hiện nay chúng ta vẫn có rất nhiều đề tài có các tính mới so với các công trình nghiên cứu của thế giới, tuy nhiên, vẫn còn không ít những đề tài mang tính lặp lại.
Hiện nay ở Việt Nam (VN), trình độ về KH&CN còn thấp so với thế giới, chúng ta cũng đang trong giai đoạn học hỏi công nghệ của thế giới, nên việc nghiên cứu lại hay bắt chước các công nghệ trên thế giới là một bước đi cần thiết. Tuy nhiên, trong quá trình nghiên cứu này, mục đích là nghiên cứu để làm cho các công nghệ của thế giới phù hợp với điều kiện của VN.
Chính những điểm làm cho phù hợp này là những điểm mới, điểm bổ sung cho những công nghệ hiện có. Và đây cũng là một trong những mục đích của đề tài nghiên cứu ở VN. Cũng có thể xem, đây là những thành công của các đề tài.
Để có những kết quả lớn hơn sau những giai đoạn học hỏi, VN cần tiến xa hơn nữa và đầu tư vào những nghiên cứu cơ bản để tạo ra công nghệ mới. Đây là nhiệm vụ của giai đoạn tới mà chúng ta phải đầu tư nhiều hơn nữa.
Xâm phạm Sở hữu trí tuệ ngày càng phổ biến
Cũng theo Ông Trần Việt Hùng: Xâm phạm SHTT diễn ra phức tạp tại Việt Nam và trên phạm vi toàn cầu. Các kết quả xử lý vi phạm đã có những tiến bộ song vẫn không làm giảm được tỷ lệ vi phạm ở nước ta. Để khắc phục tình trạng này, cần sự nỗ lực của Chính phủ và các cơ quan liên quan cũng như từ phía doanh nghiệp và người tiêu dùng.
Luật pháp Việt Nam hiện nay đã đáp ứng với tiêu chuẩn quốc tế trong việc bảo vệ quyền SHTT. Tuy nhiên, công tác thực thi thì vẫn còn thiếu hiệu quả. Luật SHTT quy định các vi phạm quyền SHTT, làm hàng giả.... sẽ bị xử lý về dân sự, hành chính hoặc thậm chí là cả hình sự.
Tuy nhiên, có một thực tế là các vi phạm chưa được giải quyết một cách kịp thời, mức phạt nhiều lúc thấp hơn quy định nên thiếu tính răn đe, sự quan tâm của các cơ quan thực thi đối với việc xử lý các vi phạm chưa cao do bị quá tải trong việc xử lý các vụ việc thông thường khác, trình độ của cán bộ thực thi và sự phối hợp giữa các cơ quan thực thi chưa tốt.
Tỷ lệ các vụ việc vi phạm quyền SHTT được xử lý bằng biện pháp hành chính chiếm đến hơn 90%, các vụ xử tại tòa chưa đến 10% nên tuy xử lý nhiều nhưng tính răn đe vẫn còn thấp. Mặt khác, nhiều doanh nghiệp chưa mặn mà hợp tác với các cơ quan thực thi khi xảy ra vi phạm SHTT của mình, người tiêu dùng vẫn còn hiện tượng chấp nhận mua bán hàng nhái, hàng giả với giá rẻ.
Cần có hệ thống thực thi SHTT
Khẳng định điều này, Cục trưởng Trần Việt Hùng cho biết: Để các nhà nghiên cứu, DN, nhà quản lý nhận thấy việc đăng ký và sử dụng SHTT là quan trọng, có ý nghĩa và thiết thực, thì phía Nhà nước cần tạo được một môi trường pháp lý và thực tiễn phù hợp để đảm bảo cho các hoạt động SHTT này diễn ra một cách hiệu quả nhất.
Cụ thể, bên cạnh hệ thống phát luật về SHTT đầy đủ, cần phải có một hệ thống thực thi một cách có hiệu quả hệ thống pháp luật đó. Trong đó, một việc có ý nghĩa cực kỳ quan trọng là tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân cũng như của các chủ thể SHTT về việc tôn trọng quyền SHTT, cũng như ý nghĩa và lợi ích của việc bảo hộ quyền SHTT.
Đối với chủ thể SHTT, điều quan trọng là phải biết khai thác và quản lý sản phẩm trí tuệ được bảo hộ một cách hiệu quả và mang tính thực tiễn. Bởi khi sản phẩm được đăng ký bảo hộ thì mới ở mức khẳng định, xác lập quyền, còn để sản phẩm đó có ý nghĩa trên thực tế, bản thân chủ thể phải có biện pháp hiệu quả để khai thác, cũng như quản lý, bảo vệ các sản phẩm trí tuệ của mình.
Thường xuyên tổ chức các hoạt động tuyên truyền, đào tạo về sở hữu trí tuệ cho cán bộ các trường đại học, viện nghiên cứu, phục vụ tra cứu thông tin theo yêu cầu, hỗ trợ tư vấn về thủ tục xác lập quyền, hướng dẫn tra cứu, đánh giá xem các giải pháp kỹ thuật có bộc lộ dưới dạng thông tin sáng chế hay chưa nhằm tránh nghiên cứu trùng lặp và đánh giá khả năng bảo hộ của giải pháp.
Ngoài ra, trong khuôn khổ Chương trình hỗ trợ doanh nghiệp phát triển tài sản trí tuệ (Chương trình 68), Cục SHTT đang triển khai thử nghiệm chương trình hỗ trợ các tác giả sáng chế tiến hành thủ tục đăng ký bảo hộ sáng chế đối với các kết quả nghiên cứu khoa học của mình.
Mai Hà
|