Tham dự buổi tổng kết có Thứ trưởng thường trực Bộ Khoa học Công nghệ Nguyễn Quân, trưởng Ban chỉ đạo chương trình, nguyên Thứ thứ trưởng thường trực Bộ khoa học công nghệ Trần Quốc thắng- Phó chủ nhiệm Chương trình, Cục trưởng cục SHTT Trần Việt Hùng và đại diện các sở khoa học công nghệ trong cả nước.
Phát biểu tại buổi tổng kết, Thứ trưởng thường trực Nguyễn Quân khẳng định: “Để SHTT thực sự trở thành công cụ hữu hiệu giúp nâng cao vị thế doanh nghiệp Việt Nam và phát triển đất nước, ngoài sự nỗ lực chính của doanh nghiệp, các tổ chức, cá nhân chúng ta cần có hành lang pháp lý đầy đủ thông qua việc xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật, đồng thời có những biện pháp cụ thể được hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ từ phía nhà nước”.
Chương trình hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ của doanh nghiệp (gọi tắt là chương trình 68) được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đã có những tác động tích cực đến đời sống kinh tế - xã hội, góp phần nâng cao nhận thức về sở hữu trí tuệ, nâng cao chất lượng và khả năng cạnh tranh của sản phẩm, đưa các kết quả nghiên cứu, sáng chế vào thực tiễn đời sống, phục vụ lợi ích dân sinh.
Qua 5 năm triển khai, Chương trình 68 đã đáp ứng được phần lớn nhu cầu của doanh nghiệp. Tuy nhiên, vẫn còn một số vướng mắc cần giải quyết như các doanh nghiệp chưa nhận thức và ý thức được đầy đủ tính chất khốc liệt tính chất cạnh tranh trong nền kinh tế thị trường. Đặc biệt là sự cạnh tranh về nhãn hiệu hàng hóa, về kiểu dáng công nghiệp.
Nhằm tiếp tục thúc đẩy và hỗ trợ việc tạo lập, phát triển tài sản trí tuệ của doanh nghiệp, vừa qua Thủ tướng chính phủ đã kí Quyết định số 2204/QĐ -Ttg phê duyệt chương trình 68 giai đoạn 2011- 2015 nhằm tiếp tục nâng cao nhận thức về tạo lập, quản lý và phát triển tài sản trí tuệ, đồng thời góp phần nâng cao khả năng cạnh tranh của sản phẩm, dịch vụ của Việt Nam trong đó ưu tiên hỗ trợ các sản phẩm chiến lược, đặc thù có tiềm năng xuất khẩu.
Thông qua Chương trình, hiện đã có 53 đặc sản nổi tiếng (37 sản phẩm nông, lâm, hải sản; 11 sản phẩm thủ công, làng nghề; 04 sản phẩm thủy sản và 01 dịch vụ) của 42 địa phương trong cả nước đã và đang được hỗ trợ xác lập, quản lý và phát triển tài sản trí tuệ dưới các dự án khác nhau thuộc Chương trình như về xây dựng, quản lý và phát triển chỉ dẫn địa lý (bưởi Đoan Hùng, nho Ninh Thuận, cà phê Buôn Ma Thuột, sâm Ngọc Linh, cói Nga Sơn, thanh long Bình Thuận, nón lá Huế...); tạo lập, quản lý và phát triển nhãn hiệu chứng nhận (hoa địa lan Đà Lạt, đá mỹ nghệ Non Nước, nước mắm Cát Hải...) và quản lý và phát triển nhãn hiệu tập thể (chè Thái Nguyên, hồ tiêu Chư Sê, tỏi Lý Sơn, vú sữa Lò Rèn Vĩnh Kim...).
Mai Hà
|