|
|||
SHTT - công cụ hữu hiệu để khuyến khích ĐMST Năm 2024, Tổ chức SHTT thế giới (WIPO) công bố chủ đề của Ngày SHTT thế giới - IP Day 26/4 là “SHTT và các mục tiêu phát triển bền vững: Xây dựng tương lai chung bằng đổi mới và sáng tạo”. Có thể thấy, thế giới đã nhìn nhận quyền SHTT là động lực quan trọng cho hoạt động ĐMST, là chìa khóa thành công trong việc thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững của Liên hiệp quốc thông qua việc khuyến khích các sáng tạo và ý tưởng, tìm ra cách giải quyết những thách thức toàn cầu mà chúng ta phải đối mặt. Bộ trưởng Bộ KH&CN Huỳnh Thành Đạt thăm triển lãm trưng bày, giới thiệu sản phẩm hàng hóa đặc trưng của địa phương tại Hội nghị Quản lý nhà nước về SHTT năm 2024 do Bộ KH&CN phối hợp với UBND TP. Hà Nội tổ chức ngày 29/3/2024. Ở Việt Nam, ngày 22/8/2019, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 1068/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược SHTT đến năm 2030. Đây là lần đầu tiên Việt Nam ban hành một chiến lược mang tầm quốc gia về SHTT, đánh dấu một bước phát triển mới trong lĩnh vực SHTT, khẳng định SHTT là công cụ quan trọng góp phần thúc đẩy hoạt động ĐMST cũng như phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của đất nước. Chiến lược được coi là kim chỉ nam để các bộ, ngành, địa phương chủ động lồng ghép nội dung SHTT vào hoạt động quản lý nhà nước, từ đó triển khai thực hiện hoạt động SHTT một cách hiệu quả trong phát triển kinh tế - xã hội nói chung và từng ngành, lĩnh vực nói riêng, góp phần nâng tầm vị thế của quốc gia trong bản đồ SHTT thế giới, góp phần cải thiện chỉ số ĐMST quốc gia. Có thể thấy việc tích cực triển khai Chiến lược SHTT trong gần 5 năm qua đã góp phần quan trọng vào thành tựu phát triển kinh tế - xã hội nói chung và gia tăng vị trí xếp hạng chỉ số ĐMST toàn cầu nói riêng. Thực tế, thời gian qua, nhận thức được tầm quan trọng của tài sản trí tuệ, đặc biệt là các sáng chế đối với phát triển kinh tế - xã hội dựa trên nền tảng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo (KH,CN&ĐMST), nhiều tỉnh, thành phố và các trường đại học, viện nghiên cứu, doanh nghiệp lớn đã có chính sách hỗ trợ, thúc đẩy phát triển tài sản trí tuệ, khuyến khích tạo ra, bảo hộ và ứng dụng các giải pháp kỹ thuật mới. Kết quả của việc ban hành và sát sao trong thực hiện các chính sách này đã giúp cho sự tăng trưởng đơn đăng ký bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp của người nộp đơn Việt Nam trong giai đoạn gần đây đã có những tín hiệu đáng mừng. Số lượng đơn đăng ký bảo hộ sáng chế, kiểu dáng công nghiệp và nhãn hiệu nộp vào Cục SHTT nói chung và của chủ thể Việt Nam nói riêng đều có sự tăng trưởng ổn định trong những năm gần đây. Theo số liệu thống kê, số lượng đơn đăng ký sáng chế nộp vào Cục Cục SHTT và số lượng bằng độc quyền sáng chế/giải pháp hữu ích do Cục SHTT cấp ra trong những năm gần đây đều có xu hướng tăng, kể cả trong đại dịch COVID-19. Đặc biệt, năm 2023, số lượng Bằng độc quyền sáng chế và Bằng độc quyền giải pháp hữu ích được cấp cho người nộp đơn Việt Nam đã tăng gấp hơn 2 lần so với năm 2022, gồm 315 Bằng độc quyền sáng chế (năm 2022 là 153) và 391 Bằng độc quyền giải pháp hữu ích (năm 2022 là 176). Theo ông Lưu Hoàng Long, Cục trưởng Cục SHTT, Bộ KH&CN, hằng năm WIPO đều kêu gọi các quốc gia cùng hưởng ứng tổ chức kỷ niệm IP Day 26/4. Mỗi năm WIPO đưa ra một chủ đề khác nhau và thường hướng tới một vấn đề cụ thể, ví dụ như SHTT với các lĩnh vực thể thao, điện ảnh, công nghệ xanh hoặc hướng tới các chủ thể như giới trẻ, phụ nữ, doanh nghiệp nhỏ và vừa… Chủ đề IP Day năm nay có độ bao phủ tới tất cả các lĩnh vực, vừa mang tính vĩ mô, vừa là sự kết tinh của chủ đề các năm trước, và đặc biệt là nhấn mạnh việc gắn SHTT với các mục tiêu phát triển bền vững do Liên hợp quốc đặt ra và tất cả các mục tiêu đó để hướng tới tương lai chung nhờ hoạt động ĐMST diễn ra không ngừng ở khắp các quốc gia. Chủ đề IP Day 2024 là cơ hội để các chủ thể trong xã hội hiểu rõ hơn về vai trò trung tâm của SHTT và ĐMST trong việc hỗ trợ quốc gia đạt được các mục tiêu phát triển bền vững. ĐMST là quá trình vận động không ngừng, còn SHTT vừa là kết quả của quá trình đổi mới, vừa là chất xúc tác, là đầu vào để thúc đẩy hoạt động ĐMST. Và cách thức sử dụng SHTT như một công cụ để khuyến khích ĐMST ở mỗi quốc gia sẽ khác nhau tùy thuộc vào nhiều yếu tố. Ở góc độ quản lý nhà nước về SHTT, Cục SHTT đang từng bước thực hiện các biện pháp quản lý và hỗ trợ, thúc đẩy hoạt động ĐMST; hướng dẫn, hỗ trợ các tổ chức, cá nhân quản lý, khai thác, phát triển tài sản trí tuệ thuộc phạm vi quản lý nhà nước theo quy định của pháp luật. Một trong các nội dung quan trọng của quản lý nhà nước về SHTT là việc quản lý cơ sở dữ liệu thông tin sở hữu công nghiệp. Các công cụ tra cứu cần được xây dựng tạo thuận lợi cho người dùng và việc hướng dẫn tra cứu, sử dụng thông tin sở hữu công nghiệp cần thực hiện thường xuyên nhằm bảo đảm khả năng tiếp cận các kho thông tin phục vụ cho hoạt động nghiên cứu, triển khai. Để tài sản trí tuệ được tạo ra liên tục và được sử dụng hiệu quả, nhiều quốc gia đã phát triển và hình thành những nền tảng giao dịch tài sản trí tuệ hiện đại. Việt Nam có có sở dữ liệu sở hữu công nghiệp phong phú, tuy nhiên nhiều thông tin hữu ích chưa được khai thác hiệu quả, chưa thực sự được xử lý một cách triệt để tới đúng địa chỉ áp dụng. Cơ sở dữ liệu thông tin sở hữu công nghiệp cũng như các thông tin hữu ích khác cần được tích hợp và kết nối tới doanh nghiệp bằng cách thiết lập một “thị trường giao dịch tài sản trí tuệ”. Kinh nghiệm của một số nước cho thấy nếu thị trường này được quản lý và vận hành một cách chuyên nghiệp, hiệu quả thì không chỉ giúp các tài sản trí tuệ được ứng dụng tạo thu nhập cho chủ thể sáng tạo, đầu tư mà còn giải quyết được nhiều vấn đề cấp bách cho cả xã hội như tạo việc làm giúp xóa đói, giảm nghèo, bình đẳng giới, nâng cao chất lượng giáo dục, y tế, cải thiện khí hậu và gìn giữ các nguồn tài nguyên thiên nhiên quý… Thách thức và cơ hội trong lĩnh vực SHTT để thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững Cũng theo ông Lưu Hoàng Long, ở mỗi quốc gia, SHTT sẽ mang lại cả thách thức và cơ hội cho hoạt động ĐMST, trực tiếp tác động tới việc thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững. Một trong những thách thức chính nằm ở việc đảm bảo khả năng tiếp cận và phân phối một cách công bằng các thành tựu đổi mới. Mặc dù bảo hộ quyền SHTT là yếu tố quan trọng để khuyến khích đổi mới, nhưng nó thường làm dấy lên lo ngại về khả năng tiếp cận, đặc biệt là công nghệ và thuốc thiết yếu. Đạt được sự cân bằng giữa bảo vệ quyền SHTT và đảm bảo rằng những tiến bộ đến được với những người có nhu cầu nhất vẫn là một thách thức phức tạp trên con đường để đạt được các mục tiêu phát triển bền vững. Bên cạnh những thách thức này, có những cơ hội rất đáng giá cho các doanh nghiệp và chủ thể sáng tạo để tận dụng SHTT để phát triển bền vững. Bằng cách cam kết thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc, các quốc gia sẽ hình thành quan hệ đối tác toàn cầu, thực hiện các cam kết, thỏa thuận vì mục tiêu chung, cùng chia sẻ những thành quả của ĐMST. Các chính phủ, các tổ chức quốc tế, các công ty và các chủ thể sáng tạo cần phải hành động cùng nhau để tạo ra tác động thực sự. Nhiều vấn đề không chỉ có thể được giải quyết trong phạm vi một nhóm, mà cần có sự tập hợp các quan điểm và nguồn lực khác nhau để tìm ra các giải pháp thông minh, phù hợp giúp đạt được các mục tiêu toàn cầu. Để SHTT phát huy tốt hơn nữa vai trò quan trọng đó, toàn bộ hệ thống SHTT của Việt Nam cần có những bước tiến nhanh và mạnh hơn nữa, kịp thời và linh hoạt thay đổi để phù hợp với trình độ phát triển KH&CN trong nước và thế giới. Đến nay chính sách, pháp luật về SHTT của Việt Nam đã cơ bản hoàn thiện, đáp ứng nhu cầu về bảo hộ các kết quả của hoạt động sáng tạo của các tổ chức, cá nhân. Pháp luật Việt Nam đã tương thích với chuẩn mực chung về SHTT của thế giới quy định trong Hiệp định về Điều ước quốc tế đa phương về SHTT, thương mại trong lĩnh vực SHTT (TRIPS) của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), thậm chí một số nội dung về bảo hộ và thực thi quyền SHTT còn ở mức độ cao như nhiều nước phát triển khi mà Việt Nam quyết tâm hội nhập sâu rộng vào kinh tế quốc tế. Luật SHTT được sửa đổi, bổ sung lần thứ ba năm 2022 và đã đi vào cuộc sống hơn một năm qua đã dần tháo gỡ các vướng mắc, bất cập trong thực tiễn thi hành, bảo đảm thi hành các cam kết quốc tế về SHTT, qua đó tiếp tục hoàn thiện thể chế về SHTT theo hướng khuyến khích sáng tạo, bảo đảm tính ổn định, thống nhất, đồng bộ, minh bạch, khả thi, quyền SHTT được bảo vệ và thực thi hiệu quả. Tuy nhiên, để hệ thống SHTT hoạt động hiệu quả hơn, thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa hoạt động ĐMST nhằm đạt được các mục tiêu phát triển bền vững của quốc gia, một số vấn đề về SHTT cần được tiếp tục nghiên cứu để có những đề xuất hoàn thiện chính sách, pháp luật về và liên quan đến SHTT. Đó là: bảo hộ các đối tượng quyền SHTT tạo ra từ AI, bảo hộ các loại nhãn hiệu phi truyền thống, quy định về định giá tài sản trí tuệ, chính sách thúc đẩy bảo hộ và khai thác các đối tượng SHTT cho các sản phẩm “thân thiện môi trường”, sản phẩm phục vụ “sức khỏe cộng đồng”. Bên cạnh đó, cần tích cực hơn nữa trong việc nghiên cứu, ban hành và thực hiện các chính sách thúc đẩy thương mại hóa tài sản trí tuệ đã được bảo hộ, đặc biệt là những tài sản trí tuệ là ưu thế của Việt Nam như các sáng chế trong lĩnh vực nông nghiệp, các nhãn hiệu chứng nhận, nhãn hiệu tập thể, chỉ dẫn địa lý gắn với các sản phẩm nông sản chủ lực, có tiềm năng xuất khẩu của các địa phương. Chính phủ và các địa phương cũng cần quan tâm đến các giải pháp nhằm hạn chế tác động tiêu cực của việc bảo hộ độc quyền SHTT, đảm bảo thực hiện đầy đủ, hiệu quả các chính sách an sinh, xã hội… Cơ chế, chính sách nhằm tăng cường bảo vệ quyền SHTT bằng các biện pháp dân sự, trọng tài, trung gian hoà giải cũng cần phát huy hiệu quả tốt hơn nữa trong tương lai…
Bài, ảnh: PV |