Tại hội thảo, các đại biểu thảo luận một số báo cáo chuyên đề về xác định hàm lượng Sapoin trong thân rễ và rễ củ sâm Ngọc Linh; xác định cơ sở khoa học và thực tiễn cho việc đăng ký chỉ dẫn địa lý “Ngọc Linh” cho sản phẩm sâm củ của hai tỉnh Kon Tum và Quảng Nam.
Báo cáo đề dẫn tại hội thảo cho thấy, vùng sâm Ngọc Linh có tính đặc thù về điều kiện tự nhiên rõ rệt mà không nơi nào có được; sâm được phân bố ở độ cao từ 1.800-2.500m so với mực nước biển, sâm chỉ phân bố dưới tán rừng nguyên sinh, mật độ che phủ đạt trên 80%...
Sâm Ngọc Linh hiện chỉ có ở hai tỉnh Kon Tum và Quảng Nam gồm ba huyện và chín xã là Trà Linh, Trà Nam (huyện Trà My, Quảng Nam), Ngọc Linh, Mường Hoong (huyện Đăk Glei) và Măng Ri, Ngọc Lây, Ngọc Yêu, Tê Xăng, Đăk Na (huyện Tu Mơ Rông, Kon Tum).
Các đại biểu còn được giới thiệu và góp ý về hệ thống tem, nhãn, bao bì... của sản phẩm sâm Ngọc Linh. Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Kon Tum còn giới thiệu website Sâm Ngọc Linh (www.samngoclinhkt-qn.org) để các đại biểu góp ý, xây dựng nội dung, trình bày.
Sau khi hoàn thành, website này sẽ quảng bá thương hiệu cũng như giới thiệu chỉ dẫn địa lý của sâm Ngọc Linh trên địa bàn hai tỉnh Kon Tum và Quảng Nam.
Sâm Ngọc Linh được thế giới biết đến là cây dược liệu quý hiếm với nhiều tác dụng tốt đối với sức khỏe con người và có giá trị kinh tế cao.
(Theo TTXVN)
|