Bản in
Tài sản trí tuệ: Nguồn lực và dư địa mới để phát triển kinh tế - văn hóa
Chương trình hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ (TSTT) được triển khai đã mở ra một hướng đi phù hợp, giải quyết được phần nào vướng mắc về phương thức tổ chức hoạt động sở hữu trí tuệ (SHT)T tại các địa bàn nông thôn, vùng sâu, vùng xa.

Hỗ trợ xác lập, khai thác, bảo vệ và phát triển tài sản trí tuệ...

Chương trình phát triển tài sản trí tuệ (Chương trình 68) được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt thực hiện từ năm 2005 với các mục tiêu: nâng cao nhận thức của các doanh nghiệp Việt Nam về bảo hộ SHTT để các doanh nghiệp chủ động xây dựng, khai thác, phát triển và bảo vệ tài sản trí tuệ; nâng cao khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam trên thị trường trong nước và quốc tế thông qua việc hỗ trợ xác lập, khai thác, bảo vệ và phát triển tài sản trí tuệ...
 
Đến nay, Chương trình 68 đã triển khai qua 3 giai đoạn (2006-2010, 2011-2015, 2016-2020), góp phần đưa hoạt động SHTT tới mọi miền Tổ quốc, xã hội hóa công tác đầu tư cho hoạt động bảo hộ và phát triển TSTT; nâng cao nhận thức, thúc đẩy việc đăng ký bảo hộ SHTT cho các doanh nghiệp, người dân; nâng cao danh tiếng và khả năng cạnh tranh của sản phẩm và doanh nghiệp; đưa các kết quả nghiên cứu, sáng chế vào thực tiễn đời sống, phục vụ lợi ích dân sinh...
 
Từ những kết quả đã đạt được và sự ghi nhận, đánh giá cao về hiệu quả của Chương trình 68 của các bộ/ngành, địa phương trong cả nước, ngày 24/12/2020, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 2205/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình phát triển TSTT đến năm 2030 với mục tiêu: đưa SHTT trở thành công cụ quan trọng nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, tạo môi trường khuyến khích đổi mới sáng tạo và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, văn hóa, xã hội.
 
Chương trình cũng góp phần đắc lực thực hiện thành công Chiến lược SHTT đến năm 2030, Chương trình đặt mục tiêu số lượng đơn đăng ký bảo hộ sáng chế của các viện nghiên cứu, trường đại học tăng trung bình 16-18%/năm; số lượng đơn đăng ký bảo hộ giống cây trồng tăng trung bình 12-14%; số lượng đơn đăng ký nhãn hiệu của các doanh nghiệp Việt Nam tăng trung bình 8-10%/năm...
 
Kích thích sự đầu tư của xã hội
 
Chương trình hỗ trợ phát triển TSTT được triển khai đã mở ra một hướng đi phù hợp, giải quyết được phần nào vướng mắc về phương thức tổ chức hoạt động SHTT tại các địa bàn nông thôn, vùng sâu, vùng xa. Thông qua các dự án tuyên truyền về SHTT trên đài truyền hình, báo chí, đặc biệt là thông qua các dự án hỗ trợ xác lập quyền SHTT đối với các sản phẩm đặc thù địa phương, có thể thấy, hoạt động SHTT đã và đang có mặt trên khắp mọi miền Tổ quốc. Từ địa bàn huyện Trùng Khánh xa xôi của tỉnh Cao Bằng với sản phẩm hạt dẻ; Mường Ảng (Điện Biên) gắn liền với sản phẩm cà phê; huyện đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi) với sản sinh ra sản phẩm tỏi nổi tiếng; đỉnh Ngọc Linh của 2 tỉnh Kon Tum và Quảng Nam, nơi sản phẩm sâm quý hiếm ẩn mình, hay tận cùng đất mũi Cà Mau với dự án nhãn hiệu chứng nhận cho mặt hàng thủy sản đặc trưng của cư dân miền sông nước…
 
Bên cạnh đó, Chương trình đã góp phần kích thích sự đầu tư của xã hội và chính quyền các địa phương về hoạt động xác lập, quản lý và phát triển TSTT. Qua báo cáo của các Sở KH&CN, tính đến nay, từ mô hình của Chương trình, hàng chụ tỉnh, thành phố đã phê duyệt và thực hiện các chương trình riêng, sử dụng nguồn kinh phí địa phương và kinh phí tự huy động khác để xây dựng và phát triển TSTT cho các sản phẩm, dịch vụ của mình, như: Bến Tre, Bình Định, Bình Phước, Bình Thuận, Cần Thơ, Hà Nội, TP Hồ Chí Minh...
 
Trong năm 2021, Cục SHTT đã tiếp nhận được 115 đề xuất nhiệm vụ của 72 đơn vị, bao gồm 5 nhóm nhiệm vụ: i) Tuyên truyền, tập huấn, đào tạo về SHTT; ii) Xây đựng và vận hành tổ chức quản lý hoạt động SHTT cho tổ chức KH&CN; iii) Áp dụng sáng chế; iv) Tăng cường bảo vệ quyền SHTT trong môi trường kỹ thuật số; v) Hỗ trợ bảo hộ, quản lý và phát triển chỉ dẫn địa lý ở trong và ngoài nước. Trên cơ sở kết quả làm việc của các Hội đồng tư vấn, ngày 27/7/2021, Lãnh đạo Bộ KH&CN đã phê duyệt danh mục (đợt 1) các nhiệm vụ bắt đầu thực hiện từ năm 2022 để tuyển chọn, xét giao trực tiếp, gồm 32 nhiệm vụ liên quan đến: áp dụng sáng chế; tập huấn đào tạo về SHTT cho khối tòa án; tập huấn về bảo hộ, kiểm soát chất lượng, nguồn gốc sản phẩm nông nghiệp được bảo hộ; bảo hộ ra nước ngoài cho các sản phẩm chủ lực địa phương; bảo hộ trong nước, quản lý và phát triển cho các sản phẩm chủ lực địa phương.
 
Từ các hồ sơ đề xuất nhận thấy, có sự thay đổi, dịch chuyển theo hướng tích cực về quan điểm tiếp cận, nhu cầu về bảo hộ, phát triển TSTT: nếu như giai đoạn 2011-2020, chủ yêu là đề xuất các vấn đề chung, cơ bản về SHTT và nhu cầu bảo hộ, quản lý chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm cụ thể, thì các đề xuất năm nay đã xuất hiện các nhóm vấn đề chuyên môn sâu như: tập huấn, đào tạo về SHTT cho hệ thống tòa án; bảo vệ quyền SHTT trong môi trường kỹ thuật số; SHTT gắn với phát triển thương hiệu du lịch cộng đồng; đăng ký bảo hộ ra nước ngoài cho sản phẩm chủ lực các địa phương. Các cơ quan quản lý nhà nước có liên quan đã chủ động trao đổi với Cục SHTT, đề xuất phối hợp, lồng ghép công tác hỗ trợ về SHTT với các hoạt động khác để xây dựng chuỗi các hoạt động hỗ trợ cho doanh nghiệp: Cục Phát triển doanh nghiệp (Bộ Kế hoạch và Đầu tư); Cục Chế biến và Phát triển Thị trường Nông sản, Văn phòng Chương trình OCOP (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn); Cục Xúc tiến Thương mại (Bộ Công Thương).
 
PV