|
|||
Luật SHTT đã sửa đổi năm 2009 và năm 2019, vậy mục tiêu sửa đổi lần này có điểm gì mới so với các lần sửa đổi trước đây? Việc sửa đổi, bổ sung Luật Sở hữu trí tuệ năm 2009 chủ yếu nhằm bảo đảm sự phù hợp với điều ước quốc tế trong khuôn khổ WTO, còn sửa đổi, bổ sung năm 2019 nhằm thực hiện một số cam kết quốc tế phải thi hành ngay theo Hiệp định CPTPP. Do các sửa đổi trước đây chủ yếu đáp ứng các cam kết phải thi hành ngay tại thời điểm đó, vì thế đối với các cam kết mà Việt Nam được hưởng thời gian chuyển tiếp hay trong Hiệp định CPTPP hay cam kết theo Hiệp định EVFTA, có nhiều quy định của pháp luật hiện hành chưa phù hợp. Bên cạnh đó, thực tiễn 16 năm thi hành một số quy định của Luật SHTT cũng bộc lộ nhiều bất cập, rồi bối cảnh phát triển cũng đã có nhiều thay đổi khi Việt Nam không còn thuần túy là nước “sử dụng tài sản trí tuệ” mà đang chuyển sang là nước tạo ra tài sản này phục vụ cho mô hình tăng trưởng theo chiều sâu.
Do đó, khác với 2 lần sửa đổi trước đây, việc sửa đổi, bổ sung Luật Sở hữu trí tuệ lần này còn nhằm đáp ứng yêu cầu cấp thiết đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam. Điều này đã được thể hiện rõ trong chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách của Nhà nước về hoàn thiện nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, công nghiệp hóa và hiện đại hóa để chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, phát triển nhanh và bền vững dựa vào khoa học và công nghệ (KH&CN), đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số.
Xin ông cho biết những điểm mới nổi bật của dự thảo Luật sở hữu trí tuệ so với quy định hiện hành? Vì sao có những điểm mới này?
Các sửa đổi của Luật SHTT tập trung vào 7 nhóm Chính sách lớn cụ thể như sau:
(1) Bảo đảm quy định rõ về tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả, người biểu diễn, chủ sở hữu quyền liên quan trong các trường hợp chuyển nhượng, chuyển giao quyền tác giả, quyền liên quan; (2) Khuyến khích tạo ra, khai thác và phổ biến sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí, giống cây trồng được tạo ra từ nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng ngân sách Nhà nước; (3) Tạo thuận lợi cho quá trình thực hiện thủ tục đăng ký quyền tác giả, quyền liên quan, thủ tục xác lập quyền sở hữu công nghiệp; (4) Bảo đảm mức độ thỏa đáng và cân bằng trong bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ; (5) Tăng cường hiệu quả hoạt động hỗ trợ về sở hữu trí tuệ; (6) Nâng cao hiệu quả của hoạt động bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ; và (7) Bảo đảm thi hành đầy đủ và nghiêm túc các cam kết quốc tế của Việt Nam về bảo hộ sở hữu trí tuệ trong quá trình hội nhập.
Các chính sách này được đề ra nhằm bảo đảm 4 mục tiêu cơ bản:
Thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước về việc hoàn thiện pháp luật về SHTT; kế thừa giá trị của các văn bản pháp luật đã được ban hành; bảo đảm hài hòa lợi ích giữa các chủ thể gồm người sáng tạo, bên sử dụng, công chúng thụ hưởng; Bảo đảm quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân trong sáng tạo văn học, nghệ thuật, KH&CN, tiếp cận các giá trị văn hóa, nghệ thuật, khoa học và thụ hưởng lợi ích từ các hoạt động đó; khuyến khích tổ chức, cá nhân sáng tạo, đầu tư nghiên cứu, phát triển, chuyển giao, ứng dụng có hiệu quả thành tựu trong các lĩnh vực; bảo hộ quyền SHTT theo quy định tại Hiến pháp và các văn bản quy phạm pháp luật; Khắc phục những vướng mắc, bất cập trong thực tiễn 16 năm thi hành Luật Sở hữu trí tuệ hiện hành; Nội luật hóa các cam kết tại các điều ước quốc tế mà Việt Nam tham gia như Hiệp định CPTPP, Hiệp định EVFTA, Hiệp định RCEP, v.v.
Chính sách nào được cho là điểm sáng trong lần sửa đổi này?
Một trong những nội dung quan trọng và nổi bật nhất của Luật Sở hữu trí tuệ sửa đổi, thu hút được nhiều sự quan tâm, ý kiến góp ý của đại biểu Quốc hội đó là quy định trao quyền đăng ký sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí, giống cây trồng là kết quả của nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng ngân sách nhà nước cho tổ chức chủ trì một cách tự động và không bồi hoàn, đồng thời có cơ chế phân chia hợp lý lợi ích giữa Nhà nước, cơ quan chủ trì và tác giả phù hợp với với tinh thần của Nghị quyết số 20-NQ/TW của Hội nghị lần thứ 6 Ban chấp hành TW Đảng khóa 11.
Quy định này không chỉ khắc phục các bất cập hiện này về việc đăng ký và khai thác các đối tượng quyền sở hữu trí tuệ do nhà nước đầu tư mà còn là cú hích để khuyến khích các chủ thể nghiên cứu nhiệm vụ khoa học và công nghệ chủ động đăng ký, khai thác các sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí, giống cây trồng được tạo ra; thúc đẩy quan hệ hợp tác với doanh nghiệp để chuyển giao công nghệ, thương mại hóa và thu hút nhiều nguồn vốn đầu tư để phát triển, nghiên cứu sản phẩm, qua đó thu về nhiều lợi ích kinh tế cũng như đạt được các mục tiêu về an sinh xã hội.
Trong bối cảnh mới Việt Nam ký kết, tham gia các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới (EVFTA, CPTPP..), việc sửa đổi Luật SHTT lần này sẽ tập trung nội dung gì để bảo hộ quyền lợi của các doanh nghiệp Việt Nam khi các Hiệp định này được triển khai?
Quyền lợi doanh nghiệp Việt Nam nói riêng, quyền lợi của toàn bộ xã hội Việt Nam nói chung luôn là trọng tâm trong việc xây dựng các quy định trong các chính sách lớn của Luật SHTT sửa đổi lần này, từ các khâu sáng tạo, xác lập quyền, bảo hộ quyền, cho đến khai thác và thực thi quyền SHTT.
Một trong bốn mục tiêu quan trọng của việc sửa đổi Luật SHTT lần này là nhằm thi hành các cam kết trong các FTA mà Việt Nam tham gia gần đây. Các đề xuất để bảo đảm thi hành cam kết quốc tế được xây dựng trên cơ sở tận dụng tối đa các linh hoạt mà các điều ước cho phép nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp Việt Nam – với vị thế là các chủ thể khai thác công nghệ của thế giới là chủ yếu, đang trong quá trình chuyển sang là nước tạo ra tài sản này phục vụ cho mô hình tăng trưởng theo chiều sâu. Hay nói cách khác, các quy định trong Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật SHTT được xây dựng với quan điểm thi hành cam kết quốc tế ở mức độ phù hợp nhất với trình độ phát triển kinh tế xã hội của đất nước, bảo đảm cho doanh nghiệp có đủ thời gian bắt kịp với những thay đổi của quá trình hội nhập.
Bên cạnh đó, các quy định trong chính sách về tạo thuận lợi cho quá trình thực hiện thủ tục đăng ký và xác lập quyền nhằm cải thiện các quy định liên quan đến thủ tục, thời hạn, thành phần hồ sơ v.v. theo hướng gọn nhẹ, thuận tiện, minh bạch, giúp các doanh nghiệp có thể xác lập quyền SHTT của mình một cách nhanh chóng, dễ dàng hơn, hay các quy định trong chính sách về Tăng cường hiệu quả hoạt động hỗ trợ về SHTT hoặc chính sách về Nâng cao hiệu quả của hoạt động thực thi quyền SHTT cũng giúp cho việc thực thi quyền SHTT nghiêm minh hơn, hiệu quả hơn, từ đó cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao khả năng cạnh tranh cho doanh nghiệp.
Các vấn đề liên quan đến chuyển đổi số, cách mạng công nghiệp 4.0 có được đề cập trong Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật SHTT?
Liên quan đến chuyển đổi số, hiện nay Luật Sở hữu trí tuệ đã quy định cho phép việc nộp đơn sở hữu công nghiệp (SHCN) trực tuyến tại Điều 89. Trên thực tế, Cục Sở hữu trí tuệ đã duy trì ổn định hệ thống nộp đơn điện tử đăng ký SHCN ở cấp độ 3 và đang triển khai hệ thống nộp đơn điện tử ở cấp độ 4.
Bên cạnh đó, hệ thống cơ sở dữ liệu về SHCN đều đã được công khai trực tuyến trên mạng Internet tại địa chỉ http://iplib.ipvietnam.gov.vn/. Đặc biệt, với sự hỗ trợ của Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới, từ năm 2019, Cục Sở hữu trí tuệ đã triển khai bổ sung thêm công cụ tra cứu trực tuyến Wipopublish với nhiều tính năng ưu việt và đồng bộ với thế giới khi hệ thống này được Tổ chức Sở hữu trí tuệ hỗ trợ triển khai tại nhiều quốc gia. Địa chỉ công cụ tra cứu trực tuyến Wipopublish tại http://wipopublish.ipvietnam.gov.vn/. Dựa trên kết quả tra cứu, cá nhân, tổ chức có thể đánh giá khả năng bảo hộ đối với nhãn hiệu, kiểu dáng công nghiệp hoặc sáng chế mà mình có nhu cầu đăng ký bảo hộ.
Đối với một số vấn đề liên quan đến cách mạng công nghiệp 4.0 hiện nay như trí tuệ nhân tạo (AI), internet vạn vật (IoT), blockchain, lưu trữ đám mây, v.v. về cơ bản đều là các đối tượng được bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ theo pháp luật hiện hành của Việt Nam nếu đáp ứng điều kiện bảo hộ. Tuy nhiên, việc bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ đối với kết quả của hoạt động sáng tạo do AI tạo ra như công nhận tác giả, quyền tác giả hay bảo hộ sáng chế đối với các sản phẩm của trí tuệ nhân tạo là những nội dung mới và rất phức tạp ngay cả trên bình diện quốc tế. Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới và các nước trên thế giới, kể cả các nước hàng đầu về bảo hộ sở hữu trí tuệ cũng đang nghiên cứu và chưa có khung pháp lý điều chỉnh vấn đề này. Vì vậy, vấn đề này cần tiếp tục được nghiên cứu kỹ lưỡng trước khi đưa ra quy định cụ thể, nhất là trong văn bản luật.
Báo cáo tổng kết thi hành Luật Sở hữu trí tuệ cho thấy các vụ tranh chấp, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ ngày càng phức tạp, nhất là các hành vi xâm phạm quyền liên quan đến quyền tác giả, quyền liên quan, nhãn hiệu, … Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ đã đề ra hướng khắc phục như thế nào?
Một trong những chính sách quan trọng được đặt ra trong lần sửa Luật này là nâng cao hiệu quả của hoạt động bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ. Theo đó, các quy định liên quan đã được sửa đổi nhằm bảo đảm cơ chế bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ được hiệu quả, hợp lý và khả thi hơn.
Cụ thể, Luật sửa đổi, bổ sung các quy định về hành vi xâm phạm quyền tác giả, các quy định về bảo vệ quyền trong môi trường số như quy định về biện pháp công nghệ bảo vệ quyền, trách nhiệm pháp lý của doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trung gian; sửa đổi, bổ sung các quy định liên quan đến hàng hóa giả mạo về sở hữu trí tuệ, cách thức và phạm vi áp dụng các biện pháp kiểm soát biên giới đối với hàng xuất, nhập khẩu... Bên cạnh đó, các quy định về phạm vi độc quyền của chủ thể quyền cũng được sửa đổi theo hướng rõ ràng hơn.
Ban soạn thảo kỳ vọng gì sau khi Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ được ban hành?
Với mục tiêu thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước về hoàn thiện thể chế về sở hữu trí tuệ, khắc phục những vướng mắc, bất cập trong thực tiễn thi hành và nội luật hóa các cam kết quốc tế, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ có phạm vi khá rộng, với hơn 100 điều được sửa đổi, bổ sung. Với những nội dung sửa đổi đó, Ban soạn thảo kỳ vọng rằng sau khi được Quốc hội thông qua và có hiệu lực, Luật sẽ góp phần tạo động lực mạnh mẽ để thúc đẩy các tổ chức, cá nhân sáng tạo, đầu tư nghiên cứu, phát triển, đẩy mạnh chuyển giao công nghệ, thương mại hóa các đối tượng quyền sở hữu trí tuệ, qua đó thu hút thêm nhiều nguồn vốn đầu tư cho hoạt động của các tổ chức, doanh nghiệp nói riêng và cho phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam nói chung. Bên cạnh đó, việc nội luật hóa các cam kết quốc tế về sở hữu trí tuệ có ý nghĩa rất quan trọng, góp phần tạo lập môi trường kinh doanh lành mạnh và cạnh tranh hơn, từ đó tạo nền tảng vững chắc để Việt Nam tự tin hội nhập vào sân chơi chung của thế giới.
Trân trọng cảm ơn!
|